Một Syria không có Assad – Tuyên bố phi thực tế của Mỹ?

Một Syria không có Assad – Tuyên bố phi thực tế của Mỹ?

Trần Danh Tuyên

Trần Danh Tuyên

Thứ 4, 19/04/2017 15:30

Mỹ đột ngột thay đổi quan điểm về vận mệnh chính trị của ông Assad tại Syria. Chuyên gia Sébastien Roblin từ Đại học Georgetown cho rằng đó là tuyên bố thiếu thực tế.

Thứ Năm tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố rằng Tổng thống Syria Bashar al-Assad “sẽ không có vai trò lãnh đạo đối với người dân Syria” và Washington đang lên kế hoạch hình thành một liên minh quốc tế nhằm loại bỏ ông Assad.

Hồ sơ - Một Syria không có Assad – Tuyên bố phi thực tế của Mỹ?

 Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố Washington không chấp nhận vai trò của ông Bashar al-Assad tại Syria. (Ảnh: AP)

Sau năm ngày và một đợt phóng tên lửa, ông Tillerson tuyên bố tại Moscow: “Triều đại của gia đình Assad đã tới hồi kết”.

Những tuyên bố trên cho thấy sự thay đổi bất ngờ trong quan điểm của Lầu Năm Góc với sự lãnh đạo của Assad theo nhiều cách khác nhau. Chỉ một tuần trước đó, Washington ra tín hiệu rằng, Nhà Trắng sẽ chấp nhận vị trí của ông Assad tại Syria. Trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng từng nói, Mỹ cần những nhân vật như ông Assad tại Trung Đông, để duy trì trật tự khu vực và không nên dùng những công cụ liên quan tới nhân quyền để gây ảnh hưởng tới chính sách đối ngoại tại đây.

Tuy nhiên, những cáo buộc của Mỹ về việc Syria sử dụng vũ khí hóa học tấn công phe đối lập ở tỉnh Idlib ngày 4/4 đã khiến Washington thay đổi thái độ, dù Moscow và Damascus khẳng định, Chính phủ Syria từ lâu đã không tiếp cận với vũ khí hóa học sau một thỏa thuận do Nga làm trung gian vào năm 2013.

Sự thay đổi đó của Lầu Năm Góc có đồng nghĩa với việc chính quyền mới của Mỹ nắm trong tay vũ khí ngoại giao bí mật có thể nhanh chóng hoàn thiện ý chí của chính quyền Obama trong suốt 6 năm qua về việc thay thế ông Assad?

Câu trả lời tất nhiên là không. Những tuyên bố trên của Mỹ chỉ mang tính dọa dẫm. Hay chí ít, những lời lẽ của Nhà Trắng chỉ có mục đích muốn Nga từ bỏ chính sách về Syria mà từ trước tới nay Moscow tích cực theo đuổi.

Assad đang thắng thế tại chiến trường Syria

Từ khi Nga bắt đầu đưa quân tới Syria vào tháng 9/2015, lực lượng chính quyền Assad dù chậm nhưng bắt đầu giành được phần nhiều diện tích từ tay khủng bố. Quân Chính phủ bắt đầu gặp thất bại khi đối mặt với các phiến quân đối lập tại Aleppo vào mùa hè năm 2016 và cuộc phản công của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Palmyra.

Hồ sơ - Một Syria không có Assad – Tuyên bố phi thực tế của Mỹ? (Hình 2).

 Người dân Syria đi qua một tấm banner lớn in chân dung ông Assad tại thủ đô Damascus hồi tháng 3/2016. (Ảnh: AFP)

Tuy nhiên, sự thất bại của các phiến quân tại thành trì ở đông Aleppo đã đánh dấu một chiến thắng quyết định đối với chính quyền Assad. Quân đội Chính phủ đã củng cố các con đường viện trợ và những tiền đồn mạnh mẽ hơn những năm trước. Tới thời điểm hiện tại, quân Chính phủ của ông Assad đã nắm quyền kiểm soát những thành phố lớn tại Syria.

Tuy nhiên, vận mệnh chính trị của ông Assad vẫn là một bức tranh mờ bởi lực lượng quân đội Syria sau 6 năm chiến đấu ròng rã tới nay ít nhiều đã đuối sức và hao tổn về lực lượng. Ông Assad giờ đây phải phụ thuộc vào lực lượng quân đội chắp vá của Lực lượng Quốc phòng (dân quân ủng hộ Chính phủ), các chiến binh Hezbollah, những lực lượng vũ trang tư nhân được tài trợ tiền bởi các hiệp hội doanh nghiệp, tình nguyện viên người Iraq theo đạo Hồi dòng Shiite, quân đội Nga và Iran.

Nếu điều kỳ diệu xảy ra, tức cuộc chiến kết thúc vào nay mai, Nhà nước Syria sẽ phải vật vã dọn dẹp đống tàn dư và bắt tay xây dựng đất nước từ đầu. Dẫu vậy, với ưu thế hiện tại trên chiến trường, loại bỏ Assad là một điều khó thực hiện với Mỹ.

Cuộc chiến chống IS là cơ hội đối với Assad

IS kiểm soát phần lớn phía đông Syria, dù phần lớn khu vực này là hoang mạc, ít người sinh sống. Tuy nhiên, trên thực tế, lực lượng IS lại tập trung quanh “thủ đô” Raqqa, đặt ra mối đe dọa khác đối với đế chế Assad. Trong các chiến dịch năm ngoái, một liên minh hiếu chiến của Thổ Nhĩ Kỳ, chiến binh người Kurd và các lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã đánh đuổi IS ra khỏi khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Hiện lực lượng người Kurd và các đồng minh Arab đang di chuyển về khu vực gần Raqqa, dù phải mất một thời gian nữa họ mới có thể đủ mạnh để tái chiếm thành phố.

Sức ép của Mỹ đối với IS đã cho phép ông Assad và lực lượng Nga có thời gian tập trung vào việc chống lại các phiến quân nổi dậy khác.

Phiến quân đối lập ôn hòa đang suy giảm chất lượng và ngày càng bớt “ôn hòa” hơn

Trong khi đó, phe đối lập tại Syria đang phải gánh chịu những thất bại nặng nề. Các phiến quân tại Aleppo đã rút lui về tỉnh Idlib, nơi Chính phủ vẫn bắn phá liên tục. Hồi tháng 12/2015, theo một thỏa thuận ngừng bắn, tay súng cuối cùng của lực lượng phiến quân tại thành trì Homs đã được phép rút lui. Bên cạnh Idlib, vẫn có những vùng lãnh thổ mà phe đối lập kiểm soát ở phía bắc tỉnh Homs, biên giới phía nam và dọc con đường Ghouta ở phía đông Damascus.

Hiện rất khó để suy đoán về cách mà các nhóm phiến quân đối lập có thể đảo ngược tình thế hiện tại. Hơn nữa, trong khi các phe đối lập luôn bao gồm những phe phái thế tục tự do được chính phủ phương Tây chấp nhận thì các nhóm cực đoan lại được sự hỗ trợ rộng rãi của các chính phủ Trung Đông. Phe lớn nhất hiện nay là liên minh Tahrir al-Sham, với nhóm nòng cốt là al-Nusra Front, một nhánh của al-Qaeda.

Hồ sơ - Một Syria không có Assad – Tuyên bố phi thực tế của Mỹ? (Hình 3).

 Chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã từng huấn luyện và trang bị vũ khí cho các nhóm đối lập "ôn hòa" tại Syria. (Ảnh: Express)

Người Kurd không muốn tấn công Assad

Lực lượng dân quân người Kurd ly khai chỉ tập trung vào cuộc chiến chống IS. Những chiến binh người Kurd được nhận sự hỗ trợ rất nhiều từ quân đội Mỹ, khiến họ kiểm soát được khu vực có vị trí an ninh tốt nhất so với các nhóm phiến quân đối lập khác.

Tuy nhiên, điều đó xảy ra chủ yếu là vì quân đội Chính phủ Syria không hề có ý manh động với người Kurd. Hơn nữa, mục tiêu của nhóm thiểu số này là một vùng đất quê hương ở Rojava phía bắc Syria chứ không phải lật đổ chính phủ Damascus.

Tất nhiên, ông Assad không hề mong muốn người Kurd chiếm một phần lãnh thổ của mình nên trên thực tế hai bên đã từng một vài lần đụng độ. Nhưng sau đó, ông Assad đã tập trung vào tiêu diệt các nhóm đối lập có mối đe dọa trực tiếp hơn với chính quyền của ông.

Do đó, khi các chiến binh người Kurd và các đồng minh Arab trở thành đối tác hiệu quả của Washington tại Syria trong chiến dịch diệt IS thì họ cũng khó trở thành công cụ để gây áp lực với chính quyền Assad.

Assad nhận được sự hỗ trợ từ Iran và Nga

Nhiều nhà quan sát quên rằng Iran và Hezbollah đã đưa hàng ngàn binh sĩ tới Syria trước khi Nga tiến quân tới. Dù sự can thiệp của Iran không đủ giúp Damascus giành chiến thắng trong cuộc chiến, nhưng nó chắc chắn ngăn chặn sự sụp đổ của chính quyền Assad.

Hồ sơ - Một Syria không có Assad – Tuyên bố phi thực tế của Mỹ? (Hình 4).

 Moscow và Iran vẫn đang hợp tác trong chiến dịch tại Syria. (Ảnh: AFP)

Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc huấn luyện và dẫn dắt các chiến binh chiến đấu vì chính phủ Assad.

Moscow và Tehran vẫn đang hợp tác trong chiến dịch quân sự ở Syria, dù mối quan tâm lợi ích của hai bên không giống nhau. Moscow có thái độ cương quyết và cứng rắn hơn về việc Assad buộc phải là người nắm quyền lực ở Syria sau khi giải quyết xong vấn đề khủng bố và các nhóm đối lập. Trong khi đó, quan điểm của Iran là giữ chủ quyền cho Syria, còn vận mệnh chính trị của Assad có thể hi sinh.

Ngay cả khi ông Tillerson bằng cách nào đó thỏa thuận được với điện Kremlin về việc loại bỏ vai trò của Assad trong chính quyền, thì bản thân ông Assad vẫn có thể tìm kiếm sự ủng hộ từ những nhà bảo thủ Iran để chống lại áp lực từ Moscow.

Nhưng một điều rõ ràng là Moscow sẽ không từ bỏ việc giữ một Chính phủ thân thiện tại Damascus, giúp Nga giữ các căn cứ của mình tại Syria – một chiến thắng quân sự mang tính biểu tượng trên chính trường thế giới. Một Chính phủ như vậy có thể không đòi hỏi sự hiện diện của ông Assad nhưng vấn đề là ông Assad giành được nhiều sự ủng hộ từ những lá phiếu cử tri, vì vậy không có lý do gì khiến Moscow muốn tìm người thay thế ông.

Với sự hỗ trợ đáng kể từ Nga và Iran, cộng với việc không có lý do gì khiến Moscow và Tehran phải loại bỏ ông Assad, Mỹ khó có thể khiến ông Assad rời khỏi cương vị hiện tại. Những khẳng định của Ngoại trưởng Tillerson được nhắc tới ở đầu bài có lẽ vẫn xa rời thực tế.

Xem thêm: Ông Erdogan thành ‘siêu Tổng thống’, nắm đặc quyền chưa từng có

Danh Tuyên

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.