Một nghịch lý đang diễn ra tại Việt Nam, so với mặt chung GDP của thế giới, Việt Nam xếp vào hàng các nước có GDP thấp, nhưng chỉ số giá nhà/thu nhập của người dân lại cao gấp 6 - 8 lần mặt bằng chung của thế giới.
Mất 100 năm người dân mới có thể mua được nhà ở (Ảnh minh họa)
Giải thích cho việc giá nhà ở “trên trời”, UBND TP.HCM cho biết, do giá đầu vào tăng, trong đó lớn nhất là chi phí giải phóng mặt bằng, tiền sử dụng đất, giá nguyên vật liệu (xi măng, sắt thép, xăng dầu, điện, nhân công…). Ngoài ra, thị trường BĐS Việt Nam là thị trường mua đi bán lại để lấy lời nên các nhà buôn liên tục đẩy giá khiến giá nhà đất vì thế mà tăng cao.
Từ những lý do nói trên, nhiều chuyên gia nhận định, với mức thu nhập không quá 7 triệu đồng/tháng của cán bộ công nhân viên chức hiện nay, họ không có khả năng mua nhà trả góp thương mại. Cơ hội mua nhà của họ chỉ là những căn hộ thu nhập thấp, trong khi ở hạng mục này các dự án vẫn ở tình trạng “nhỏ giọt”.
Theo thống kê chung cho thấy, hiện người dân phải dành bình quân khoảng 26% thu nhập để thuê nhà, cao hơn rất nhiều so với mức 4-6% bình quân của thế giới. Như vậy, đối với bài toán mua nhà tại Việt Nam, thử làm phép tính như sau: giá nhà hiện nay khoảng 15 triệu đồng/m2, nếu trích khoảng 20% thu nhập mỗi tháng (bình quân khoảng 65 triệu đồng/năm), ta có ngay đáp án là một con số ngán ngẩm cho người lao động, mất hơn 100 năm, người dân TP.HCM mới mua được căn hộ 100m2.
Để giải quyết tình trạng nhà ở cho người lao động, Chính phủ đã có nhiều biện pháp như phát triển mạnh thị trường nhà ở cho thuê, nhà ở xã hội, thực hiện các biện pháp kích cầu đối với thị trường nhà ở cho người có thu nhập thấp, người thuộc diện được ưu đãi...Nhưng trong tình trạng thị trường BĐS khó khăn , đồng thời giá cả liên tục leo thang như hiện nay thì những giải pháp đưa ra vẫn chỉ mang tính chất tham khảo.
Tuấn Khanh