Sau hơn 20 năm tiếp cận và du nhập vào Việt Nam, múa đương đại đã đạt được những thành công nhất định. Các vở diễn với chất liệu từ dân gian đã gây nhiều tiếng vang không chỉ trong nước và quốc tế như: Chú Tễu, Hồn đất, Từ nơi gió ngàn, Những con người huyền thoại… Tuy nhiên, những thành công đó có đủ che mờ những khó khăn, đơn độc của múa đương đại trong đời sống văn hóa nước nhà?
Múa đương đại và đường trường đơn độc
Múa đương đại là loại hình nghệ thuật múa, kết hợp giữa các yếu tố khiêu vũ hiện đại và ballet cổ điển. Trong nghệ thuật múa đương đại, các vấn đề xã hội và đời sống tinh thần của con người được phản ánh thông qua loại hình nghệ thuật này. Đây cũng được xem là một hình thức thể hiện cơ thể phóng khoáng, các biên đạo múa dùng cảm xúc để tạo ra những điểm nhấn nghệ thuật.
Tuy nhiên, so với những ngày đầu mới du nhập vào nước ta, múa đương đại còn gặp nhiều khó khăn và mang tính thể nghiệm là chính. Bởi, việc phá vỡ những giá trị múa truyền thống khiến khán giả khó đón nhận. Bên cạnh đó, việc giới làm nghề e ngại, đầu tư kinh phí cho dàn dựng hạn chế, đã tạo ra rào cản lớn đối với sự phát triển của múa đương đại trong đời sống văn hóa nước nhà.
Những tưởng múa đương đại sẽ rất khó đứng vững bởi khán giả kén chọn và kinh phí hạn hẹp, bỗng một ngày múa đương đại vụt sáng với những tác phẩm gây ấn tượng mạnh. Bằng kỹ thuật múa kết hợp hiện đại, ballet cổ điển và hơn cả là chất liệu văn hóa dân gian cổ điển, đã xuất hiện những tác phẩm múa đương đại gây tiếng vang lớn như Tễu của Trần Ly Ly và Phan Thanh Hằng, hay Sắc sắc không không, Hồn đất, Từ nơi gió ngàn...
Với tài năng và nhiệt huyết của mình, các tên tuổi như NSND Phạm Anh Phương, biên đạo Trần Ly Ly, NSND Chu Thúy Quỳnh, Công Nhạc... đã làm cho múa đương đại Việt Nam có sức sống mới. Đặc biệt, sự thành công của Tễu tại Liên hoan Nghệ thuật 5 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar và Thái Lan tại Quảng Bình đã giúp múa đương đại nhận được sự quan tâm nhiều hơn của giới làm nghề và công chúng.
Cơ hội, nhưng còn nhiều thách thức
Theo biên đạo múa Trần Ly Ly, để một vở múa hoàn chỉnh và thành công, cần có sự kết hợp tinh tế giữa biên đạo, diễn viên và nhiều nghệ sĩ ở nhiều bộ môn nghệ thuật khác nhau. Tất cả những con người này đã hòa thành một khối thống nhất, tác động đến cảm xúc của công chúng. Chỉ cần một khâu rời rạc người xem sẽ ngơ ngác khó hiểu. Đặc biệt là những vở múa đương đại, nội dung vốn không rõ ràng, người xem sẽ khó nhận biết được nội dung của tác phẩm.
Cùng với xu hướng và dòng chảy của múa đương đại thế giới, múa đương đại Việt Nam cũng đã có những thành công nhất định, nhờ diễn đạt bằng ngôn ngữ múa tiên tiến, kết hợp tinh hoa trong múa dân tộc Việt Nam. Các thế hệ tác giả của nghệ thuật múa Việt Nam đã đưa được những tinh hoa nghệ thuật truyền thống của dân tộc kết hợp với tính triết lý thời đại nhằm tạo nên những tác phẩm phù hợp với nhu cầu thẩm mỹ của khán giả. Tuy nhiên, như đã nói, số tác phẩm như thế hiện nay không nhiều.
Nghệ sĩ vẫn phải “gồng” mình để theo kịp thế giới
Hàng năm Festival Múa đương đại: Sự gặp gỡ Á - Âu vẫn diễn ra tại Việt Nam, chứng tỏ múa đương đại Việt Nam đã được bạn bè thế giới đánh giá cao. Tuy nhiên, theo biên đạo múa Trần Ly Ly, biên đạo vẫn đang phải tìm tòi những chất liệu xây dựng để có thể hòa vào dòng chảy của thế giới.
Biên đạo Trần Ly Ly cho rằng: “Múa Việt Nam chưa thành một xu hướng lớn, trong thời gian gần đây đang bị mai một. Cách đây 10 năm nó như một làn gió mới, nhưng 10 năm nay chưa phát triển nhiều về mặt sáng tác. Thành công của một, hai tác phẩm chưa thể phản ánh được xu hướng về múa đương đại”.
Có thể thấy thành tựu của múa đương đại vẫn như “sao buổi sớm, như lá mùa thu”. 10 năm qua, nói không ngoa dường như vẫn chỉ giậm chân tại chỗ.
Nói về múa đương đại Việt Nam, nghệ sĩ Lê Vũ Long đã từng trăn trở: “Liệu nghệ thuật của chúng ta đã đủ mạnh và phát triển rực rỡ để xây dựng nên một ngôn ngữ nghệ thuật múa mới? Hay chúng ta đang tự làm khó mình trên con đường hội nhập với thế giới?”. Theo ông, múa đương đại có vai trò rất quan trọng trong nền văn hóa Việt Nam. Nó chính là thế mạnh của chúng ta, hãy cùng xây dựng và phát triển. Song, để làm được điều đó, câu chuyện còn rất dài...
Trần Phương