Biểu tượng của người dâu hiền vợ thảo
Đình Đình Bảng thờ ba vị thành hoàng: Cao Sơn đại vương (thần núi), Thủy bá đại vương (thần Nước) và Bách lệ đại vương (thần đất). Tuy nhiên, với đình Đình Bảng, bên cạnh những ý nghĩa truyền thống, người dân khắp vùng còn nhắc mãi và tôn thờ như một biểu tượng của người dâu hiền vợ thảo. Đó là hình ảnh bà Nguyễn Thị Nguyên, vợ quan trấn thủ Nguyễn Thạc Lượng.
Người dân nơi đây rất tự hào cho rằng Đình Bảng là vùng đất của những người con dâu đảm đang. Trong lịch sử đã từng xuất hiện Nguyên Phi Ỷ Lan từng hai lần nhiếp chính với những đóng góp to lớn cho triều đại nhà Lý hưng thịnh. Đến thời Lê Sơ xuất hiện bà Nguyễn Thị Nguyên, người có công mang gỗ lim từ Thanh Hóa ra làm đẹp cho quê chồng. Ngày nay, người dân Đình Bảng tự hào coi nhà văn Nguyệt Tú là một hình mẫu lý tưởng tiếp nối truyền thống dâu hiền vợ thảo, người có công chăm lo gia đình, là hậu phương vững chắc cho chồng có được một danh vị đáng nể là nguyên Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, ông Lê Quang Đạo.
Tương truyền, Nguyễn Thạc Lượng thuở nhỏ học rộng tài cao thông minh hơn người. Lớn lên, với quyết tâm giúp nước giúp dân, dẹp trừ bạo loạn, ông đã từ bỏ nhiều lời mời gọi xa hoa với công việc nhàn hạ chốn kinh kỳ để xung phong làm chức quan trấn thủ (tương đương với bộ đội biên phòng ngày nay - PV), chuyên đi trấn giữ tại các vùng biên ải. Nhận nhiệm vụ tại xứ Thanh, ông không quản ngại rời quê hương đến Thanh Hóa, bảo vệ miền biên thùy và định cư luôn ở đó. Ông đã gặp và đem lòng thương mến cô gái Nguyễn Thị Nguyên. Hai người đã nên vợ nên chồng và có một đời sống hạnh phúc. Đến khi hết tuổi cống hiến, ông Lượng về quê hương Đình Bảng cùng người vợ đảm đang tháo vát hết lòng thương yêu chồng con. Để tỏ lòng yêu chồng, cảm ơn miền quê đã sinh ra đức phu quân tuyệt vời của mình, bà Nguyên đã không quản ngại bí mật giấu chồng, về tận quê hương Thanh Hóa tìm những cây gỗ lim to đẹp nhất với ý tưởng xây dựng đình làng.
Hành động này của bà trở thành một biểu tượng tuyệt vời của người dâu hiền vợ thảo xứ Kinh Bắc nói chung và quê hương Đình Bảng nói riêng. Cũng chính bởi điều này mà đình Đình Bảng trở thành biểu tượng về người phụ nữ đảm đang tháo vát, hết lòng thương yêu và tôn thờ chồng.
Trước khi khởi xướng việc xây dựng đình làng, bà Nguyên đã cùng chồng tạo nên một kiến trúc nhà độc đáo. Ngôi nhà ấy ngày nay do ông Nguyễn Thạc Sủng, là hậu duệ dòng họ Nguyễn Thạc ở Đình Bảng trông coi và gìn giữ. Người ta gọi đó là một đình Đình Bảng thu nhỏ bởi những nét tương đồng hiếm có của hai kiến trúc này. Ngôi nhà đã được tổ chức UNESCO châu Á- Thái Bình Dương chọn là di tích cần được bảo vệ.
Sau khi xây dựng xong nhà của mình, hai vợ chồng quan Thạc Lượng đã cùng nhau bàn bạc với dân làng và tuyển chọn các thợ giỏi để xây dựng đình làng. Gỗ hầu hết do bà Nguyên chuyển từ Thanh Hóa quê mình ra, là gỗ lim chuẩn, được chọn lọc khá kỹ về chất lượng. Bà Nguyên không quản ngại đường xá xa xôi vất vả để mang về một điều gì đó thật là có ý nghĩa, đóng góp vào sự phát triển của quê hương người chồng mà bà hết mực tôn thờ và yêu kính.
Hàng nghìn họa tiết trong ngôi đình không cái nào giống nhau.
Ngôi đình của những điều đặc biệt
Một nét lạ trong kiến trúc đình Đình Bảng đó là thiết kế đình nhà sàn. Đình được xây dựng cao hơn mặt đất chừng một mét với những cột trụ chống bằng gỗ lim to, chắc và nhuộm màu trầm tích của thời gian gần 300 năm có lẻ. Những chiếc cột trụ to, đường kính bằng tay hai người ôm mới hết khiến ai đến đây cũng phải trầm trồ thán phục khi biết tất cả số gỗ ấy được bà Nguyên, vợ quan Thạc Lượng cho người vận chuyển từ Thanh Hóa ra. Người ta đặt nhiều giả thuyết về cách vận chuyển của bà, và lúc khó lý giải nhất thì ai cũng tặc lưỡi cho rằng đó là vì tình yêu bà dành cho người chồng của mình quá lớn. Bởi vậy, dù điều kiện đường xá xa xôi và phương tiện vận chuyển khó khăn đến mấy bà vẫn quyết tâm làm cho bằng được.
Được xây dựng trên thế đất tụ thủy tang phong, tức là nằm trên lưng của một con nhện khổng lồ, đình Đình Bảng được coi là kiến trúc tuyệt hảo trong số những kiến trúc cổ của Việt Nam. Nhiều dấu hỏi đươc đặt ra cho các thế hệ đời sau luận bàn và khâm phục. Người ta không hiểu lý do vì sao, hàng trăm người thợ được huy động chạm khắc và đục đẽo cột kèo nhưng không có một sai sót nào. Khi khớp các cột với nhau, mọi thứ đều chặt chẽ một cách hoàn hảo đến không ngờ. Mọi nét chạm trổ đều được làm thủ công bằng tay, với con mắt nghệ thuật tài tình của những người con bình thường trên quê hương Đình Bảng.
Đình cũng được xây dựng lâu nhất trong lịch sử xây dựng đình, kéo dài 36 năm, từ 1700 - 1736 mới hoàn thành. Cho đến bây giờ, gần 300 năm đã trôi qua, nhưng vào những dịp việc làng, hàng nghìn người ngồi lên sàn đình cùng một lúc mà ngôi đình vẫn rất chắc chắn.
Kiến trúc nhà sàn thân thiện, thấp thoáng dưới mái đình cong vút cổ kính khiến ngôi đình trở nên hấp dẫn hơn trong mắt của khách thập phương. Tòa Bái Đường (Đại Đình) là công trình quan trọng nhất của đình với thiết kế hình chữ nhật dài 20m, rộng 14m chia làm bảy gian, hai chái nằm trên nền cao bó đá xanh có hai bậc cấp. Mái đình tỏa rộng, chiếm đến 2/3 chiều cao tổng thể của đình tạo sự kỳ bí và bề thế. Đây cũng là một nét hiếm gặp ở những ngôi đình khác. Khi bước chân qua cửa tam quan, mọi tinh hoa của nghệ thuật chạm khắc của thế kỷ XVIII khiến người ta phải buông những câu trầm trồ thán phục. Sự cuốn hút đầu tiên với du khách là bức cửa Võng lớn ở cung giữa thuộc gian bên ngoài. Bức Võng mở ngang một gian, kéo dài từ Thượng lương xuống Hạ xà. Bức cửa Võng được chạm lộng kết hợp với chạm nổi tinh xảo trên cả 7 lớp, 9 ô với các đề tài tứ linh, tứ quý.
Mỗi bức chạm khắc ở đình là một tác phẩm không lặp lại tạo nên sức hấp dẫn kỳ lạ. Người đến đình không chỉ có lòng tâm linh mà còn bị mê mẩn bởi những đường nét kiến trúc và chạm khắc tinh xảo như thế. Bức bát mã quần phi được thể hiện hết sức sống động giúp người xem thấy được sự phóng khoáng và nét thanh bình của mảnh đất này qua hình ảnh và tư thế của từng chú ngựa, không con nào giống con nào. Bức lưỡng nghệ (một con đực, một con cái) phục chầu mỗi con một vẻ, rất sinh động. Bên cạnh đó còn những bức chạm rồng tuyệt xảo như: Long vân đại hội, Ngũ long tranh châu, Lục long ngự thiên.
Ông Đặng Đình Luân, trưởng ban quản lý di tích đình Đình Bảng cho biết: "Vào thời điểm những năm 2000 khi Nhà nước về khảo sát để trùng tu xây dựng đình mới phát lộ ra nhiều điều đặc biệt. Hàng nghìn chi tiết được chạm khắc trong đình không có một chi tiết nào trùng lặp. 28 bộ long và hàng chục bộ ly, quy, phượng, không một bộ nào giống nhau về hình thể cũng như kích cỡ. Đó đều là những đường chạm trổ vô cùng tinh xảo. Kể cả những vảy trên thân rồng cũng được người thợ tỉ mẩn luồn lách đục khoét sao cho không một cái nào giống nguyên cái nào. Sắc thái và hình hài mỗi con long, ly, quy, phượng cũng rất khác nhau, không có sự lặp lại hay trùng hợp.
Ông Luân chia sẻ: "Trong tổng số 84 cột đình, người ta đo được không một chiếc cột nào có chu vi bằng chiếc cột nào. Mỗi cột mang một con số khác nhau. Điều này nếu chỉ nhìn bằng mắt thì khó phát hiện. Nhưng điều mà người ta quan tâm và thầm cảm phục là mặc dù kích cỡ các cột không giống nhau nhưng kiến trúc đình tổng thể không hề bị khập khiễng”.
Biểu tượng của chiến thắng Khi thực dân Pháp xâm lược, chúng đã chiếm đóng cả vùng Đình Bảng và âm mưu phá đình. Chúng dùng thủ đoạn, buộc xích sắt vào chân cột đình, dùng xe kéo đổ đình nhưng không thành. Sau đó chúng lại âm mưu dùng bộc phá để phá bỏ. Tuy nhiên, rất may là đội thiếu niên du kích Đình Bảng kết hợp với lực lượng quân và dân khi thăm dò phát hiện đã kịp thời ngắt được dây khiến bộc phá không nổ. Sau nhiều dã tâm của kẻ thù muốn phá hoại không thành, ngôi đình đã trở thành biểu tượng chiến thắng kẻ thù xâm lược của mảnh đất Đình Bảng anh hùng. |
Dương Thu