Thẩm phán vô tư đuổi LS ra khỏi tòa
Việc hành nghề luật sư đang gặp nhiều khó khăn từ khâu tập sự đến hoạt động bào chữa tại phiên tòa, cũng như tư vấn pháp lý. Điều này có một phần từ các khung quy định pháp luật còn chưa chặt chẽ và cụ thể, một phần khác do các tác động phát sinh.
Ông Nguyễn Minh Tâm, phó tổng thư ký Liên đoàn LS Việt Nam cho rằng, trong quá trình tham gia tranh tụng, vẫn còn tình trạng luật sư không được tôn trọng. Thẩm phán chủ tọa, nhân danh quyền lực nhà nước có thể tùy tiện ngắt lời luật sư mà không dựa trên một quy định nào. Thậm chí, có thẩm phán nổi cơn tự ái còn ra lệnh đuổi luật sư ra khỏi tòa, gây bất lợi hoàn toàn cho việc hành nghề của luật sư. Nhiều trường hợp, việc tranh luận với công tố viên bị rơi vào tình thế luật sư bị chụp mũ, quy kết mang tính cá nhân, xúc phạm danh dự uy tín.
LS Nguyễn Hồng Bách bị bảo vệ ĐH Công nghiệp Hà Nội "xua đuổi" ra khỏi trường
Theo ông Tâm, một số nghị quyết của Bộ Chính trị đã chỉ rõ, bản án của tòa phải đưa ra trên cơ sở kết quả tranh luận công khai tại tòa. Luận cứ của luật sư phải được phân tích, đánh giá thấu đáo. Nhưng quy định này ít được tôn trọng. Có bản án chỉ nhận định một câu chung chung rằng, ý kiến bào chữa của luật sư là không có căn cứ. Nhiều người vẫn mang nặng lối tư duy sai lầm là án tại hồ sơ, việc mở phiên tòa chỉ là hình thức, việc xét hỏi tranh luận được tiến hành qua loa.
"Thực tế, không ít luật sư bỏ hẳn nghề tranh tụng, chỉ làm tư vấn và các dịch vụ pháp lý", ông Tâm nói.
Bà Nguyễn Thị Hằng Nga (Đoàn LS thành phố Hà Nội) cũng nói, tham gia tố tụng, các luật sư gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Theo quy định, luật sư phải được tham gia ngay từ giai đoạn đầu tiên của vụ án, nhưng thực tế, luật sư lại chỉ được tham gia sau khi đã kết thúc giai đoạn điều tra. "Điều này ảnh hưởng đến quyền hành nghề của luật sư và lợi ích khách hàng", bà Nga nói.
Ông Trần Hữu Huỳnh, trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam nói, phải xem nghề luật sư là một dạng cung cấp dịch vụ. Theo đó, bất cứ hành vi hoặc quy định nào cản trở tiến hành các dịch vụ này khiến chi phí dịch vụ gia tăng đều phải được rà soát lại để sửa đổi cho phù hợp.
Trăm thứ hành luật sư
Trước đó, một báo cáo ngày 16/8/2011 của Đoàn LS Cần Thơ tới Liên đoàn LS Việt Nam cho thấy, có trường hợp bản án của tòa không ghi tên luật sư hoặc không ghi nhận một lời phát biểu nào của luật sư.
Các cấp tòa chưa chủ động gửi thông báo xét xử vụ án hình sự tới luật sư để thuận tiện cho việc luật sư tham gia phiên tòa. Chủ tọa phiên tòa đôi khi không tôn trọng luật sư.
Các luật sư cũng nêu thực trạng xin cấp giấy chứng nhận người bào chữa còn nhiêu khê vì phải có giấy yêu cầu luật sư, thẻ luật sư, giấy giới thiệu của văn phòng luật sư… Có trường hợp luật sư xin tòa ký giấy cho thăm bị cáo thì tòa bảo “tội lỗi của bị cáo đã rõ ràng, gặp làm gì” và dặn luật sư : “Chỉ hỏi thăm sức khỏe, không hỏi gì về vụ án” (!). Có tòa không cho luật sư photo hồ sơ, chỉ cho sử dụng máy ảnh chụp lại. Có chủ tọa phiên tòa phát biểu: “Luật sư nói xàm. Nói nữa tui đuổi ra”…
Luật sư Lê Thúc Anh, chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đã chia sẻ những bức xúc, khó khăn của các luật sư địa phương.
Ông Thúc Anh cho biết, sẽ ghi nhận những kiến nghị để xem xét và có hướng phối hợp với VKSND Tối cao, TAND Tối cao, Bộ Công an cùng tháo gỡ.
T.Nguyên