Bà Lê Minh Hoa, chuyên viên tư vấn tâm lý tổng đài 1080, cho biết những ca tư vấn tìm giải pháp ly thân chiếm khá nhiều trong các ca tư vấn về hôn nhân gia đình.
Chị L. và anh Q. là cặp vợ chồng rất có uy tín trong lĩnh vực kinh doanh đồ trang trí nội thất. Kết hôn được 15 năm thì giữa họ nảy sinh nhiều mâu thuẫn nhưng cả hai đều chưa muốn ly hôn vì ngại ảnh hưởng đến công việc làm ăn. Vợ chồng quyết định ly thân được năm tháng nay, mỗi người ở hai nơi. Khi cần, hai người giả vờ bình thường để làm việc với đối tác. Chị L. muốn chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân để có vốn làm ăn riêng nhưng ngại yêu cầu này sẽ khiến chồng chị “một đi không trở lại”.
Theo bà Hoa, có nhiều cặp vợ chồng ly thân chứ chưa ly hôn vì nhiều lý do: Sợ con cái dị nghị, sợ công ăn việc làm bị gián đoạn, sợ ảnh hưởng danh dự… Họ xem ly thân là bước đệm giúp cả hai soi rọi bản thân và nhìn lại nhau để từ đó có quyết định hàn gắn hoặc chấm dứt hôn nhân.
Lâu nay, Luật Hôn nhân và Gia đình (HNGĐ) không thừa nhận chế định ly thân. Trong khi đó, theo báo cáo Tổng kết thi hành Luật HNGĐ năm 2000 của Bộ Tư pháp, nhiều trường hợp vợ chồng khi sống ly thân đã xung đột trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ nuôi con làm ảnh hưởng tâm lý của con trẻ. Trong thời gian ly thân, cả hai có thu nhập riêng, tài sản riêng nhưng đến khi ly hôn thì tòa án khó xác định tài sản chung, riêng.
Ly thân cũng là một biện pháp giúp vợ, chồng tránh tình trạng bạo lực gia đình trong giai đoạn có mâu thuẫn. Ảnh: Tam Anh
Ai được ly thân?
Theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật HNGĐ, có hai phương án được đưa ra lấy ý kiến để giải quyết yêu cầu ly thân. Một là, chỉ cần một bên có yêu cầu ly thân. Hai là, phải cả hai vợ chồng cùng yêu cầu ly thân.
Nhiều chuyên gia cho rằng nên cho một bên được yêu cầu ly thân. “Trong một gia đình có người chồng thường xuyên bạo hành hoặc có người vợ suốt ngày cứ ghen tuông nhưng vì nhiều lý do họ chưa muốn ly hôn thì pháp luật nên tạo điều kiện cho họ chọn giải pháp ly thân. Nếu một bên yêu cầu ly thân mà bên kia không muốn thì bên có yêu cầu đành cam chịu hay sao?” - ông Trình Minh Hùng, Chánh án TAND huyện Phú Ninh (Quảng Nam), nêu ý kiến.
TS Nguyễn Văn Tiến, Trưởng bộ môn Luật hôn nhân và gia đình - Trường ĐH Luật TP.HCM, đồng tình với quan điểm này. Song theo ông, điều quan trọng nhất là dự luật cần làm rõ căn cứ để ly thân, căn cứ này phải khác với căn cứ ly hôn. Dự luật cần phải quy định rõ những căn cứ cụ thể cho việc giải quyết ly thân như vợ chồng không thể tiếp tục chung sống, một bên yêu cầu ly thân với những lý do hết sức chính đáng như bên kia vi phạm nghĩa vụ nhân thân (bạo hành), nghĩa vụ tài sản (phá tán tài sản, không làm gì để có tài chính cho gia đình…). “Nói chung là phải trả lời cho được câu hỏi lý do gì mà anh đòi ly thân. Tránh trường hợp lợi dụng ly thân để làm chuyện khác cho cá nhân như có bồ nhí chẳng hạn. Quy định rõ vậy để tòa án dễ xử lý” - TS Tiến đề nghị.
Nghĩa vụ chung thủy
“Ly thân không làm chấm dứt quan hệ vợ chồng nhưng vợ chồng chấm dứt nghĩa vụ sống chung” - đó là một trong những hiệu lực của ly thân được dự luật đề cập và cũng là nội dung được nhiều người góp ý. “Theo Điều 18 Luật HNGĐ, vợ chồng phải chung thủy, yêu thương, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ lẫn nhau… Một khi đã ly thân tức là đã giận ra mặt, không thể sống chung nhà thì việc chăm sóc yêu thương là phi thực tế. Khi mỗi người mỗi nhà, việc phát sinh quan hệ tình cảm với người khác rất dễ xảy ra. Như vậy có thể xem quan hệ đó là ngoại tình được không?” - TS Nguyễn Văn Tiến nêu vấn đề.
“Nên rạch ròi chỗ này, quy định hẳn vào luật là trong thời gian ly thân có thể không thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, yêu thương nhưng anh không được có người thứ ba vì trong giai đoạn này anh vẫn còn là vợ chồng về mặt pháp lý. Không còn chung sống nhưng anh phải có nghĩa vụ chung thủy. Ý nghĩa của thời gian ly thân là để anh suy nghĩ lại cuộc hôn nhân của mình chứ không phải là thời gian để anh đi tìm người thứ ba. Nếu chung sống như vợ chồng với người khác thì coi như anh đã vi phạm chế độ một vợ một chồng, bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự” - luật sư Trần Công Ly Tao (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) lưu ý.
Thời hạn ly thân
Dự luật chỉ nêu “ly thân chấm dứt theo thỏa thuận của vợ chồng, trong thời gian ly thân, một bên vợ, chồng có yêu cầu ly hôn thì giải quyết cho ly hôn”. Nhiều chuyên gia đề xuất phải có thời hạn cụ thể cho việc ly thân, nếu không sẽ có những trường hợp ly thân suốt đời, làm khổ con cái.
Theo các chuyên gia tư vấn tâm lý, thời hạn ly thân chỉ nên là sáu tháng đến một năm, sau thời hạn trên mà không hàn gắn được thì nên ly hôn. Nếu kéo dài thời gian ly thân sẽ dễ dẫn đến những chuyện không hay như có người thứ ba, có con riêng…
Theo luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch, Luật HNGĐ của chế độ cũ quy định chỉ cần một bên gửi đơn đến tòa yêu cầu ly thân với những lý do chính đáng thì tòa sẽ cho ly thân. Quyết định của tòa cho ly thân là căn cứ ly hôn sau này. Luật chỉ cho ly thân trong một thời hạn nhất định. Nếu hết thời hạn đó mà các bên không gửi đơn đến tòa để xin giải quyết ly hôn thì tòa xếp hồ sơ, coi như các bên đã tự nguyện hàn gắn, chưa từng có yêu cầu ly thân.
“Luật phải quy định rõ thời hạn được ly thân chứ không thể có chuyện ly thân suốt đời. Nếu không thì ý nghĩa của ly thân sẽ không còn, xã hội sẽ rối loạn. Chẳng hạn mỗi lần người thứ ba muốn giao dịch tài sản với một trong hai vợ chồng đều phải đi tìm hiểu xem tài sản chung, riêng của mỗi bên sau khi ly thân như thế nào thì phiền phức quá. Việc ly thân chỉ nên là tạm thời, trong một thời gian ngắn thì tốt nhưng để kéo dài thì rất mệt, mệt cho chính họ và cả xã hội” - TS Nguyễn Văn Tiến nêu quan điểm.
Thủ tục ly thân Theo dự luật, nếu thuận tình ly thân thì các bên đưa nhau ra cơ quan đăng ký hộ tịch để xác nhận việc ly thân. Nếu chỉ một bên yêu cầu ly thân thì tòa án sẽ là cơ quan quyết định. Việc ly thân có hiệu lực kể từ ngày cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền xác nhận việc thuận tình ly thân hoặc bản án cho ly thân của tòa án có hiệu lực pháp luật. Việc ly thân phải được ghi chú vào sổ bộ hộ tịch. Nghĩa vụ của cha mẹ đối với con trong thời gian này được giải quyết tương tự như khi ly hôn (vợ chồng thỏa thuận về bên trực tiếp nuôi con, nếu không thỏa thuận được thì tòa án quyết định. Người không nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con…). Về tài sản, kể từ ngày việc ly thân có hiệu lực thì vợ chồng có quyền có tài sản riêng đối với tài sản mà mỗi bên có được và chịu trách nhiệm riêng về những nghĩa vụ mà mình xác lập, thực hiện. Nếu vợ chồng yêu cầu chia tài sản chung có trước ngày việc ly thân có hiệu lực thì tòa án giải quyết theo các nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn (về nguyên tắc là chia đôi, có tính đến công sức đóng góp, hoàn cảnh mỗi bên…). 90% các cuộc ly hôn tại địa bàn tỉnh Thanh Hóa đều trải qua giai đoạn ly thân (Theo báo cáo tổng kết thi hành Luật HNGĐ năm 2000 Cần xem ly thân là căn cứ để ly hôn Dự luật lần này có bổ sung việc giải quyết ly hôn theo yêu cầu của một bên với những căn cứ mới rõ ràng hơn, giúp những người trong ngành tòa án như chúng tôi dễ ra quyết định hơn. Theo đó, nếu hòa giải không thành hoặc không hòa giải được thì tòa vẫn quyết định cho ly hôn nếu có một trong các căn cứ: Vợ, chồng vi phạm thường xuyên, nghiêm trọng các nghĩa vụ của vợ, chồng; vợ, chồng không sống chung từ hai năm trở lên mà không có lý do chính đáng... Theo tôi, nếu đã thừa nhận chế định ly thân thì cũng nên bổ sung vào luật quy định: “Ly thân được xem như là một trong những căn cứ để giải quyết ly hôn”. Ông TRÌNH MINH HÙNG, Chánh án TAND huyện |
Theo Thanh Mận (Pháp luật Việt Nam)