Tờ Sputnik vừa đưa tin cho hay, FSA, lực lượng “đối lập ôn hòa” do Mỹ hậu thuẫn, vừa phải giải tán một số đơn vị đang chiến đấu tại thành phố Al Tanf (Syria).
Thông tin trên đã được xác nhận bởi website của một số nhóm quân sự Syria, những chiến binh từ các đơn vị bị tan rã cho hay, khoảng 180 binh sĩ khác cũng đã giải tán và mỗi người được trả 2.000USD.
Hussam Shueib, một chuyên gia quân sự Syria đã bình luận về động thái này. Ông cho rằng, FSA đã hành động theo chỉ thị từ Mỹ, bởi Washington đang “hứng chịu sự thất vọng” sau chiến dịch hỗ trợ thất bại đối với FSA.
“Chúng ta đang thấy rằng, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và các nhóm phiến quân vũ trang tương tự đang gánh thất bại trên mọi mặt trận, trong khi quân Chính phủ Syria vẫn tiếp tục vững bước giành chiến thắng. Đã tới lúc Mỹ cần một công cụ mới cho chiến dịch quân sự của mình”, ông nói với tờ Sputnik.
Chuyên gia cũng đưa ra nhận định rằng “quyết định của Mỹ trong việc giải thể một số đơn vị FSA không phải để thực hiện mục tiêu chống chủ nghĩa khủng bố”. Theo ông, cái mà Washington thực sự muốn làm ở đây là “khuấy động một cơn lốc căng thẳng mới”, nhằm phá hoại các cuộc đàm phán hòa bình tại Geneva và Astana.
“Washington hiện chỉ tập trung chống lưng cho Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), bởi đây là đồng minh cuối cùng của họ ở phía Bắc Syria. Lý do đầu tiên là bởi họ có mối liên hệ chặt chẽ đối với cộng đồng người Kurd. Thứ hai, họ luôn tự coi mình là một tổ chức thế tục đối lập với Chính phủ Syria. Và thứ ba, do họ đang có khả năng kiểm soát khu vực phía Bắc đất nước và chia rẽ Syria”, ông Hussam Shueib giải thích.
Shueib cũng chỉ ra, SDF đã chứng minh họ có thể đánh bại và chiếm được đất từ tay những tay súng IS, ví dụ như ở Raqqa trong thời gian qua.
Do đó, Mỹ muốn tạo ra một hình ảnh tích cực đặc biệt về SDF trên các phương tiện truyền thông đại chúng của mình.
Washington chỉ cho rằng SDF là một lực lượng đông đảo với các “đại diện ưu tú của người dân Syria”, để SDF không ảo tưởng về chính bản thân mình và quá dựa dẫm vào sự hậu thuẫn của Mỹ.
Nhiều chuyên gia quân sự khác từng đánh giá SDF chỉ là một công cụ nhất thời đối với Washington trong công cuộc tìm kiếm ảnh hưởng ở Trung Đông và trước mặt là mục tiêu thay đổi chính quyền Assad.
Còn câu chuyện về sau đó, nếu cộng đồng người Kurd (lực lượng chủ đạo của SDF) muốn xuất hiện với vai trò là một quốc gia tự trị, các chuyên gia không chắc rằng Mỹ sẽ sẵn sàng ra tay giúp đỡ.
Bởi đó không phải mục tiêu mà Washington theo đuổi trên bàn cờ này.
Trong khi đó, SDF lại không được hoan nghênh ở Syria nên Mỹ vẫn nuôi hy vọng rằng lực lượng này sẽ tiếp tục chiến đấu chống lại quân đội Syria và đồng minh của họ.
Vì thế, trong thời gian này, Washington chỉ còn tỏ ra thiện chí với SDF, bởi FSA đã không còn nhiều giá trị giúp họ tiến tới mục tiêu.
Xem thêm: Syria và ngày bận rộn của “nhà soạn nhạc tài ba” Vladimir Putin