Mỹ nói ngoại giao 'thất bại', Triều Tiên cảnh báo chiến tranh

Mỹ nói ngoại giao 'thất bại', Triều Tiên cảnh báo chiến tranh

Trương Mạnh Kiên

Trương Mạnh Kiên

Thứ 6, 17/03/2017 15:01

Ngoại trưởng Rex Tillerson cho biết những nỗ lực ngoại giao với Triều Tiên trong 20 năm qua đã thất bại. Ngay lập tức, Đại sứ Triều Tiên Park Myong Ho đưa ra lời cảnh báo chiến tranh.

Ngoại trưởng Rex Tillerson nói hôm 16/3 rằng, nỗ lực 20 năm thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân của Mỹ đã "thất bại" và chuyến thăm đến châu Á lần này của ông là để "thảo luận về cách tiếp cận mới".

Tiêu điểm - Mỹ nói ngoại giao 'thất bại', Triều Tiên cảnh báo chiến tranh

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson gặp Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida tại Tokyo hôm 16/3.

Tờ Washington Post nhận định, phát biểu của ông Tillerson rõ ràng đã đẩy tình hình trở nên căng thẳng hơn.

Triều Tiên trong vài năm qua đã tích lũy được một kho dự trữ hạt nhân khá lớn và bắt đầu các hoạt động thử nghiệm tên lửa liên lục địa có khả năng vươn xa tới các căn cứ của Mỹ ở châu Á.

Với tình hình như vậy, cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đang được chính quyền Trump bắt tay thảo luận những giải pháp mới với các đồng minh châu Á trong năm nay. 

Trong giai đoạn này, Mỹ đang thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở Hàn Quốc nhằm chống lại mối đe dọa từ Triều Tiên.

Cùng với đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản nói với Quốc hội trong tháng này, sẽ không loại trừ khả năng "tấn công trước", một tuyên bố đáng chú ý đối với quốc gia vốn nhiều năm có truyền thống hòa bình như Nhật Bản. 

Bình Nhưỡng từng nhiều lần tuyên bố tên lửa đạn đạo liên lục địa nước này có khả năng vươn tầm xa tới Mỹ. Các chuyên gia về an ninh châu Á nhận định một khả năng như vậy là trong tầm tay của Triều Tiên. 

Cây bút Anna Fifield của Washington Post cho rằng, ngăn chặn một cách triệt để sẽ đòi hỏi một cuộc tấn công quân sự vào các cơ sở của Triều Tiên, điều mà Mỹ chỉ coi là một lựa chọn cuối cùng.

"Chúng tôi nhận ra rằng, nỗ lực chính trị và ngoại giao trong 20 năm qua nhằm hướng tới phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên đã thất bại", ông Tillerson nói trong chuyến thăm đến Nhật Bản.

Câu nói của Ngoại trưởng Mỹ ám chỉ đến chính sách ngoại giao “cây gậy và củ cà rốt” bắt đầu với một thỏa thuận năm 1994 giữa Washington và Bình Nhưỡng. 

Theo đó, Bình Nhưỡng sẽ nhận được viện trợ và hai nhà máy điện hạt nhân sẽ tiến tới đóng băng, cuối cùng là chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, thỏa thuận này sụp đổ vào năm 2002 và Bình Nhưỡng bắt đầu có được thành công đầu tiên về phát triển hạt nhân trong năm 2006.

Chính quyền George W. Bush đã thất bại trong thỏa thuận mới với quốc gia Đông Á. Kể từ thời điểm đó, Bình Nhưỡng bắt đầu làm giàu thêm kho dự trữ nguyên liệu hạt nhân cũng như thử nghiệm tên lửa bất chấp tuyên bố trừng phạt từ LHQ.

"Các cuộc tập trận quân sự chung của các thế lực thù địch là nhằm mục tiêu phủ đầu chống lại CHDCND Triều Tiên", Đại sứ Triều Tiên Park Myong Ho nói trong cuộc họp báo hôm 16/3. "Do đó, hòa bình và ổn định của bán đảo Triều Tiên đang bị đe dọa nghiêm trọng", ông nói. "Bây giờ tình hình đã trên bờ vực chiến tranh hạt nhân".

Ông Pak cũng chỉ ra rằng các cuộc diễn tập quân sự “có thể trở thành hoạt động thực chiến bất cứ lúc nào”.

Tuần trước, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã cảnh báo Mỹ và Triều Tiên giống như "hai đoàn tàu tăng tốc" trên đoạn đường “dễ va chạm”, trong khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng cảnh báo hôm 15/3 rằng, "căng thẳng có thể dẫn đến xung đột".

Trong khi đó, chính quyền Trump tuyên bố nước này có thể tăng cường các hình phạt tài chính đối với các công ty và ngân hàng Trung Quốc có liên kết kinh doanh với Triều Tiên.

Trung Quốc đã áp đặt một lệnh cấm nhập khẩu than từ Triều Tiên như một động thái ủng hộ lệnh trừng phạt áp đặt với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích hoài nghi về việc Bắc Kinh sẽ duy trì lệnh cấm lâu dài.

Phát biểu trong chuyến thăm Tokyo, ông Tillerson đã cung cấp những giải pháp nhất định kèm một sự bảo đảm cho hòa bình cho khu vực Đông Bắc Á, "CHDCND Triều Tiên và người dân không cần phải lo sợ nước Mỹ hay các nước láng giềng trong khu vực, bởi chúng tôi chỉ tìm kiếm một cuộc sống hòa bình với Triều Tiên", ông nói.

Tillerson là cựu Chủ tịch và Giám đốc điều hành của ExxonMobil và không có kinh nghiệm ngoại giao trước đó. Ông không xuất hiện nhiều kể từ khi nhậm chức chính thức và không tham dự một số cuộc họp với các nhà lãnh đạo nước ngoài tại phòng Bầu dục, dẫn đến suy đoán rằng ông có rất ít ảnh hưởng trong chính quyền Trump.

Hôm 16/3, ông Tillerson đã không đến đại sứ quán Mỹ ở Tokyo để gặp gỡ nhân viên ngoại giao, điều vốn được coi là thông lệ. Thay vào đó, ông ở lại khách sạn để đọc các thông tin giao ban gửi từ quan chức đại sứ quán, một phát ngôn viên cho biết.

Đọc thêm>>> Trung Quốc: 'Không muốn căng thẳng Biển Đông giống Chiến tranh Lạnh'

Quốc Vinh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.