Theo một số nhà phân tích, không có giải pháp quân sự nào dễ dàng với Washington trong cuộc khủng hoảng hiện tại và một số các tùy chọn cứng rắn có nguy cơ liên lụy đến hàng vạn sinh mạng.
Các quan chức Mỹ nói với CNN vào tháng trước rằng, các giải pháp quân sự đới với Triều Tiên đã được chuẩn bị và sẵn sàng trình lên cho Tổng thống Donald Trump.
"Những gì chúng tôi phải làm là chuẩn bị tất cả các tùy chọn, bởi vì Tổng thống đã nói rằng, ông sẽ không chấp nhận một cường quốc hạt nhân ở Triều Tiên và một mối đe dọa có thể nhắm mục tiêu vào nước Mỹ, vào người dân Mỹ", cố vấn An ninh Quốc gia McMaster nói trong bài phát biểu hồi tháng trước.
Tuy nhiên, đó mới là chuyện của một tháng trước. Hiện vẫn chưa rõ liệu những lựa chọn này đã được cập nhật ra sao trong bối cảnh một tên lửa liên lục địa mới vừa được thử nghiệm hôm 29/7. Đây là lần thử nghiệm ICBM thứ hai được tiến hành bởi Bình Nhưỡng chỉ trong vòng một tháng.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ca ngợi cuộc thử nghiệm diễn ra thành công và khẳng định "toàn bộ lục địa Mỹ" bây giờ đã nằm trong phạm vi tên lửa của Bình Nhưỡng.
Dù một số quan chức Mỹ nói với CNN họ không tin Triều Tiên có thể khởi động một tên lửa liên lục địa có khả năng hạt nhân vào đầu năm 2018. Tuy nhiên, cuộc thử nghiệm lần này cho thấy, chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng tiến bộ quá nhanh so với nhận định trước đây.
Trong khi tất cả các kịch bản chiến tranh giả định được đưa ra đều cho Mỹ tỷ lệ chiến thắng rất cao, nhưng cái giá về sinh mạng lại lên tới hàng trăm ngàn người, chủ yếu ở Hàn Quốc - và gần 30.000 lính Mỹ - đang nằm trong phạm vi tên lửa hiện tại của Triều Tiên.
Khi được hỏi về chiến lược của Chính phủ Mỹ về xử lý vấn đề Triều Tiên, Thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham đã đưa ra gợi ý khủng khiếp về việc hủy diệt Triều Tiên.
"Có một lựa chọn quân sự để phá hủy chương trình tên lửa của Triều Tiên và hủy diệt cả quốc gia này", ông Graham nói trên NBC. "Nếu có một cuộc chiến tranh phải diễn ra, mọi thứ cũng đồng nghĩa với kết thúc”. ông này phân tích.
Trong khi Tổng thống Trump lên án vụ phóng tên lửa tuần trước và nói rằng Mỹ sẽ hành động để đảm bảo an ninh của mình, cả ông và Phó Tổng thống Mike Pence đã đưa ra vài chi tiết cụ thể khi nói đến một kế hoạch về Triều Tiên.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders khẳng định hôm 1/8, tất cả các lựa chọn đã có trên bàn của Tổng thống.
Một hoạt động quân sự chống lại Triều Tiên sẽ khiến Mỹ lao đao với chi phí và trách nhiệm đè nặng trên vai.
Hơn thế, nó còn chọc tức Trung Quốc và sẽ mang tới những hậu quả ngoài ý muốn.
Lựa chọn của Mỹ
Cây bút Zachary Cohen của CNN nhận định, chắc chắn sẽ có một chiến thắng dành cho Mỹ trong một cuộc xung đột quân sự lớn với Triều Tiên. Tuy nhiên lựa chọn tấn công sẽ dẫn đến một sự trả đũa từ Bình Nhưỡng nhằm vào Seoul. Điều này sẽ gây thương vong nghiêm trọng và gây nguy hiểm cho cuộc sống của hàng ngàn người, bao gồm cả lính Mỹ đóng quân ở đó.
Tình hình có thể phức tạp hơn nếu Triều Tiên quyết không đầu hàng sau đòn tấn công phủ đầu mà chống trả kéo dài. Điều này sẽ khiến Mỹ bị kéo sâu vào cuộc chiến dẫn đến tổn thất về con người cũng như tiền bạc.
Giới quan sát cũng lo ngại Bình Nhưỡng đang ngày càng khôn khéo hơn trong việc che giấu những hoạt động của mình, khiến Washington có thể trở tay không kịp.
Ý kiến cho rằng Mỹ có thể dùng vũ lực để thay đổi chế độ ở Triều Tiên cũng được cho là không khả thi.
Trong tháng 7, Giám đốc CIA Mike Pompeo cho biết sự thay đổi chế độ có thể là một cách tiếp cận đáng lưu tâm, nhưng đồng thời ông thừa nhận có những rủi ro đối với phương pháp này, cụ thể là người Mỹ vẫn chưa tính toán được điều gì sẽ xảy ra sau đó.
Trong khi Ngoại trưởng Rex Tillerson đã liên tục bác bỏ ý tưởng hôm 2/8 rằng đó không phải là chính sách của Mỹ.
Tình hình hiện tại vẫn cho thấy, Mỹ đang hy vọng sẽ đạt được một giải pháp ngoại giao để ngăn chặn chương trình tên lửa phát triển nhanh chóng của Triều Tiên và sẽ chỉ sử dụng hành động quân sự khi nguy hiểm đã cận kề.
Chính quyền Trump có khả năng xem xét các lựa chọn quân sự mạnh tay hơn, so với việc chỉ điều một máy bay ném bom B-1 bay trên vùng trời bán đảo. Bên cạnh đó cũng có những người khác nghĩ rằng, một cuộc tấn công trực tiếp là chưa cần thiết, bởi họ hy vọng có thể sớm mang CHDCND Triều Tiên trở lại bàn đàm phán.
Quốc Vinh