Thứ Năm tuần trước, lực lượng liên quân do Mỹ dẫn đầu đã phát động một cuộc không kích nhằm vào quân ủng hộ Chính phủ Syria gần thị trấn al-Tanf ở phía nam Syria vì “xâm phạm vùng cấm xung đột”. Lầu Năm Góc cho rằng, những chiến binh ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad đã tạo ra mối đe dọa với Washington ở phía Nam Syria, gần biên giới Jordan.
Trước đó, ngày 6/4, khu trục hạm của hải quân Mỹ đã phóng 59 quả tên lửa vào căn cứ không quân Sha’irat ở phía Tây Syria, khẳng định rằng đó là “lời cảnh báo” đối với Damascus sau vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở tỉnh Idlib mà Washington cáo buộc Chính phủ Syria thực hiện. Đây là lần thứ hai chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sử dụng sức mạnh quân sự để đối phó trực tiếp với Damascus.
Damascus đã lên tiếng phủ nhận cáo buộc trên. Thế giới vẫn đang chờ Mỹ và các đồng minh cung cấp bằng chứng cho thấy chính quyền Tổng thống Assad có liên quan tới cáo buộc về vụ tấn công hóa học nói trên.
Chủ tịch Hội đồng Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng Nga, ông Fyodor Lukyanov đã bình luận, cuộc tấn công bằng hàng chục quả tên lửa của chính quyền Donald Trump nhằm vào Syria giảm bớt những áp lực đối với Nhà Trắng vì phần nào được dỡ bỏ cáo buộc “có quan hệ với Nga”.
Vào thời điểm này, vụ không kích đang kéo sự chú ý của cả những nghị sĩ đảng Dân chủ và Cộng hòa.
Tuy nhiên, trong 10 ngày qua, mây đen lại kéo tới trên đầu Tổng thống Trump sau khi ông ra quyết định sa thải Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) James Comey cũng như sau cuộc gặp giữa ông với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tại Nhà Trắng.
Việc sa thải ông James Comey vào ngày 9/5 đã khiến Nhà Trắng thực sự đau đầu. Hôm 16/5, tờ New York Times đã đưa tin về một mẩu giấy trong đó cựu Giám đốc FBI đã viết rằng, tại phòng Bầu Dục hồi tháng 2, Tổng thống Trump yêu cầu ông ngừng tiến hành cuộc điều tra về cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael T.Flynn.
Ông James Comey đã đồng ý tham gia điều trần công khai trước Quốc hội sau ngày Tưởng niệm (29/5) và sẽ chắc chắn phải đối mặt với những câu hỏi xung quanh quyết định sa thải ông.
Tờ Washington Post tiếp tục khiến mọi thứ trở nên rối rắm hơn với Nhà Trắng khi đưa tin khẳng định Tổng thống Trump đã tiết lộ với ông Sergey Lavrov và Đại sứ Nga tại Mỹ Sergey Kislyak thông tin mật về nguy cơ khủng bố bằng máy tính xách tay trên máy bay, có thể gây tổn hại tới an ninh quốc gia của Mỹ.
Tất cả những yếu tố nêu trên khiến ông Trump đứng trước tình thế “căng như dây đàn”, nhiều người lên tiếng kêu gọi luận tội ông.
Theo nhà quan sát Nga Vladimir Ardaev, chính tình thế khó khăn trên đã đẩy ông Trump phải đưa tới quyết định cho đánh bom không kích lực lượng Syria vào cuối tuần qua để giảm bớt sự quan tâm của dư luận vào “mớ bòng bong” ở trong nước.
“Công thức đó rất đúng: Để xoa dịu những đối thủ của bản thân, ông Trump chí ít cũng nên ra lệnh tấn công Syria thêm một lần nữa”, ông Ardaev kết luận trong một bài viết trên Sputnik.
Xem thêm: Mỹ dội bom đoàn tăng Syria: Tử huyệt là vùng ‘tam giác vàng’ ?
Danh Tuyên