Mỹ thử tên lửa đánh chặn, đã đủ để 'dằn mặt' Triều Tiên?

Mỹ thử tên lửa đánh chặn, đã đủ để 'dằn mặt' Triều Tiên?

Trương Mạnh Kiên

Trương Mạnh Kiên

Thứ 4, 31/05/2017 21:47

Vụ thử bắn hạ tên lửa kiểu Triều Tiên của Mỹ đã ngốn 244 triệu USD, tuy nhiên dường như hành động này chẳng tác động gì đến Triều Tiên...

"Họ thường xuyên thất bại nhưng luôn tuyên bố trái ngược”

Mỹ đã thành công trong cuộc thử nghiệm đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm xa hôm 30/5, khi đầu đạn đánh chặn đã nhắm trúng và tiêu diệt quả tên lửa mục tiêu trên bầu trời.

Đây được coi là màn trình diễn quân sự ấn tượng của Lầu Năm Góc, nhưng để chứng minh rằng hệ thống phòng thủ hiện tại có thể bảo vệ được Mỹ trước một cuộc tấn công đến từ Triều Tiên hay không, vẫn còn là điều chưa chắc chắn, cây bút Brian Barret từ tạp chí Wired bình luận.

Tiêu điểm - Mỹ thử tên lửa đánh chặn, đã đủ để 'dằn mặt' Triều Tiên?

Tên lửa phóng từ căn cứ không quân Vandenberg của Mỹ đã thành công trong việc tiêu diệt một tên lửa mục tiêu trên không.

244 triệu USD là cái giá phải trả cho cuộc thử nghiệm phòng thủ tên lửa của Washington ngày hôm qua trong điều kiện tối ưu nhất.

Tuy nhiên, khả năng năng vận hành trong điều kiện thực tế trước sự tiến bộ về công nghệ ngày càng nhanh của Triều Tiên đang đặt ra những câu hỏi đầy lo ngại bởi “cỗ máy” phòng thủ nước Mỹ đã già nua và cũ kỹ.

Theo Wired, đầu đạn trong cuộc thử nghiệm ngày hôm qua vốn là một phần trong chương trình chống tên lửa mà Mỹ đã phát triển từ hơn 20 năm về trước, với mục tiêu ban đầu là chống lại mối đe dọa từ Nga và Trung Quốc.

Quân đội Mỹ bắt đầu thử nghiệm chương trình phòng thủ tên lửa từ năm 1999 với nguyên tắc khá đơn giản: Phóng một tên lửa đủ mạnh để tiêu diệt tên lửa đối phương.

Sau khi tên lửa đánh chặn được phóng lên, lần lượt các đầu đạn tiêu diệt (kill vehicle) - một thiết bị với 4 tên lửa đẩy được lắp trên thân được trang bị hệ thống dò tìm hồng ngoại sẽ được tách ra, tiếp cận mục tiêu và tiêu diệt.

Tuy hoàn hảo về mặt lý thuyết, trên thực tế sẽ có nhiều điều Lầu Năm Góc cần phải lưu ý. “Các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có thể đi với vận tốc 24.000km/h. Đầu đạn đánh chặn có thể bắt kịp tốc độ đó nhưng có thể sẽ chậm hơn một chút”, Laura Grego – chuyên gia về an ninh toàn cầu tại Union of Concerned Scientists cho biết. “Việc so sánh tên lửa đánh chặn với khả năng của ICBM là một sự khập khiễng”.

Điều đó giải thích cho lý do các lần thử nghiệm của Mỹ luôn mang tỷ lệ thành công không đồng đều. Nước này đã thử nghiệm 19 lần hệ thống đánh chặn của mình kể từ năm 1999 cho đến nay và mới chỉ thành công một nửa trong số đó.

Cuộc kiểm tra gần đây nhất cách đây 3 năm đã đánh dấu một lần thành công khác, nhưng kết quả 3 cuộc thử nghiệm trước đó có thành công hay không, lại mang đến những ý kiến trái chiều.

Philip Coyle, cựu Giám đốc văn phòng kiểm tra và đánh giá của Lầu Năm Góc nói: "Những thử nghiệm này được mô tả là thành công. Điều đó làm tôi thấy bất ngờ khi họ thường xuyên thất bại nhưng luôn tuyên bố trái ngược”.

Trên thực tế, các cuộc thử nghiệm thành công của Mỹ thường đòi hỏi một sự tính toán và chuẩn bị vô cùng tỉ mỉ, điều vốn dĩ sẽ khó có đủ thời gian để thực hiện, nếu một cuộc tấn công tên lửa thực sự diễn ra.

"Cơ quan phụ trách hệ thống đánh chặn đều có những thông tin chính xác về mục tiêu trong lúc thử nghiệm", chuyên gia Grego nói. "Tuy nhiên, Lầu Năm Góc gần như chắc chắn sẽ không biết liệu Triều Tiên hay bất cứ một quốc gia nào khác sẽ phóng một tên lửa vào lúc nào".

Tiêu điểm - Mỹ thử tên lửa đánh chặn, đã đủ để 'dằn mặt' Triều Tiên? (Hình 2).

Triều Tiên đang gây căng thẳng với những vụ thử tên lửa liên tục trong vài tuần trở lại đây.

Các cuộc thử nghiệm cũng không thể hiện rõ tính hiệu quả của một số thành phần như hệ thống radar, cảm biến hồng ngoại hay các đầu đạn tiêu diệt.

Tất cả đều điều này cho thấy ý nghĩa thực sự của vụ thử nghiệm thành công ngày hôm qua chỉ mang đến thận trọng nhiều hơn thay vì sự tự tin cho Lầu Năm Góc, giống như phát biểu khiêm tốn của Phó đô đốc Jim Syring, giám đốc Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ: "Các dấu hiệu cho thấy cuộc thử nghiệm đã đạt được mục tiêu ban đầu đề ra".

“Nói cách khác, nó đã làm tốt trong ngày hôm nay. Nhưng điều đó không có nghĩa là hệ thống này sẽ có hiệu quả vào ngày mai hoặc khi nước Mỹ thật sự cần nó”, cây bút Brian Barret bày tỏ sự hoài nghi.

Lời cảnh báo gửi đến Bình Nhưỡng

Cuộc thử nghiệm của Mỹ diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Triều Tiên đang gia tăng và được cho là mang đến một thông điệp rõ ràng.

Bruce Bennett, nhà nghiên cứu quốc phòng thuộc tập đoàn Rand nói cuộc thử nghiệm sẽ là cách để “thuyết phục chính quyền Kim Jong - un đừng bao thử đụng đến Mỹ”.

Tuy nhiên, cựu quan chức Lầu Năm Góc Philip Coyle cho rằng, lời cảnh báo này không mang nhiều trọng lượng: "Nếu Triều Tiên có được ICBM đủ khả năng vươn tới Mỹ và họ tin rằng, hệ thống phòng thủ tên lửa của chúng ta sẽ hoạt động, họ chỉ đơn giản là chế tạo thêm nhiều tên lửa nhằm áp đảo hoàn toàn hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ”.

Ngược lại, một số chuyên gia khác lo ngại nếu Mỹ tiến hành cuộc chạy đua sức mạnh phòng thủ tên lửa, một cơn lốc chính trị lại diễn ra giữa các siêu cường khi Nga và Trung Quốc sẽ coi đây là mối đe dọa với các nước này.

"Cuộc thử nghiệm hệ thống đánh chặn của Lầu Năm Góc sẽ giúp trấn an công chúng và các đồng minh của Mỹ rằng họ thực sự đang làm một điều gì đó thay vì ngồi im", chuyên gia Laura Grego nêu quan điểm. “Tuy nhiên, sự tự tin thái quá chỉ chuốc lấy hậu quả”.

Đọc thêm>>> TT Putin bất ngờ mổ xẻ vấn đề Nga ở Mỹ và Syria

Quốc Vinh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.