Hãng tin Fox News dẫn thông tin từ giới chức Mỹ cho biết, ngày 3/5 Iran đã thực hiện một vụ phóng tên lửa hành trình từ tàu ngầm nhưng thất bại.
Các quan chức Lầu Năm Góc đã tìm thấy một số bằng chứng về mối liên hệ giữa Triều Tiên và Iran với các báo cáo tình báo nói rằng chiếc tàu ngầm của nước cộng hòa Hồi giáo được dựa trên thiết kế của Bình Nhưỡng, cùng loại với chiếc đã sử dụng trong vụ tàu chiến Hàn Quốc-Triều Tiên đụng độ năm 2010.
Theo các quan chức quốc phòng Mỹ, đây được coi là lần đầu tiên Iran thử phóng một tên lửa hành trình Jask-2 dưới nước, tuy nhiên vụ phóng không thành công. Các chuyên gia từ lâu đã nghi ngờ Triều Tiên và Iran đang chia sẻ kinh nghiệm trong việc phát triển các chương trình tên lửa.
Jeffrey Lewis, chuyên gia tại viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở Monterey (Mỹ), nói: "Tên lửa đầu tiên chúng ta thấy ở Iran chỉ đơn giản là bản sao tên lửa của Triều Tiên. Qua nhiều năm, chúng tôi đã nhìn thấy bức ảnh các quan chức Triều Tiên và Iran đến thăm lẫn nhau và chúng tôi đã nhìn thấy các loại vũ khí giữa họ đều có điểm chung”.
Khi Iran thử nghiệm một tên lửa đạn đạo vào cuối tháng 1, Lầu Năm Góc cho biết nó được dựa trên thiết kế của Triều Tiên. Mùa hè năm ngoái, Iran từng tiến hành một vụ thử với loại tên lửa rất giống Musudan - tên lửa tiên tiến nhất của Bình Nhưỡng đã thử thành công cho đến nay.
Các nhà phân tích nói rằng tên lửa Taepodong của Triều Tiên dường như giống hệt loại tên lửa có tên Shahab của Iran.
"Trong quá khứ, chúng ta từng thấy một số thứ có trước ở Triều Tiên và sau đó xuất hiện ở Iran. Nhưng vài năm trở lại đây, có những thứ xuất hiện ở Iran trước và sau đó lại có mặt ở Triều Tiên. Có vẻ như quan hệ thương mại cả hai đã đảo chiều" , Lewis nói thêm.
Iran đã có vụ phóng tên lửa hành trình lần đầu tiên từ một tàu ngầm nhỏ ở eo biển Hormuz. Trong khi đó Triều Tiên đã có vụ thử lần đầu vào năm 2015.
Chỉ có hai nước trên thế giới triển khai tàu ngầm lớp Yono - Triều Tiên và Iran. Tàu ngầm loại nhỏ này dễ dàng ẩn mình và hoạt động hiệu quả trong vùng nước nông. Tàu ngầm của Triều Tiên được cho là đã đánh chìm một tàu chiến Hàn Quốc dài 88m vào năm 2010 - làm thiệt mạng hơn 40 thuỷ thủ. Triều Tiên sau đó đã phủ nhận bất cứ sự liên quan nào trong vụ chìm tàu.
Một viên chức thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ giấu tên cho biết: "Những tàu ngầm loại nhỏ sử dụng nguồn năng lượng tích trữ nên rất yên tĩnh và khó phát hiện".
Ông Harry Harris, người đứng đầu lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương, cảnh báo nước này không có tên lửa tầm ngắn hoặc tầm xa trên đất liền do bị hạn chế trong cam kết INF, được ký kết năm 1987 giữa Nga và Mỹ. Tuy nhiên, Iran và Triều Tiên có thể phát triển một cách không hạn chế.
Theo Fox News, điều đáng lo ngại nhất đối với Washington là Tehran đã cố gắng thử tên lửa ở eo biển Hormuz nơi có diện tích hẹp và đông đúc và là điểm trung chuyển trên tuyến đường giao thương dầu của thế giới.
Hơn một năm trước đây, Iran đã bắn một số tên lửa không có đầu đạn gần tàu sân bay USS Harry Truman khi chiếc tàu này đang có hành trình đi qua eo biển Hormuz. Hải quân Mỹ gọi vụ việc là "khiêu khích" khi nói rằng tàu sân bay chỉ cách tên lửa Iran 2400km.
Theo các quan chức tình báo nhiều nước, trong tháng 7/2016, hai ngày trước ngày kỷ niệm thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và thế giới, quốc gia này đã cố gắng phóng một loại tên lửa đạn đạo mới sử dụng công nghệ của Triều Tiên.
Đây là lần đầu tiên Iran khởi động một phiên bản tên lửa đạn đạo Musudan BM-25 của Triều Tiên, với tầm bắn tối đa lên tới 4000km, có khả năng đưa lực lượng Mỹ ở Trung Đông và Israel trong tầm ngắm.
Theo các quan chức, Bình Nhưỡng không tham gia nhiều vào các vụ thử của Iran ngoại trừ việc chia sẻ công nghệ của họ.
Tại Washington hôm 4/5, Ngoại trưởng Rex Tillerson đã cố gắng hỗ trợ thêm các biện pháp trừng phạt của LHQ đối với Triều Tiên bằng cách kêu gọi sự ủng hộ từ các nhà lãnh đạo từ Đông Nam Á.
Trước đó, khi Iran thử tên lửa đầu tiên trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, Nhà Trắng đã cảnh báo Iran đã được đưa vào “tầm ngắm”.
Đọc thêm>>> Infographic: Những phát ngôn 'dậy sóng' của TT Trump về Triều Tiên
Quốc Vinh