Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lại một lần nữa trở thành tâm điểm dư luận quốc tế khi tiếp tục có thêm những lời công kích nhạy cảm vào giới lãnh đạo Mỹ.
Mới đây, ông Duterte đã nói Tổng thống Mỹ Obama "hãy xuống địa ngục" và dọa dẫm chấm dứt các cuộc tập trận quân sự, hay thậm chí từ bỏ hiệp ước quốc phòng với Washington.
Nhận định về những sự kiện liên tiếp thời gian qua, bình luận viên Prashanth Parameswaran trên trang bình luận Rappler cho rằng điều này là không quá bất ngờ, bởi bất cứ ai theo sát ông Duterte đều hiểu rằng ông từ lâu đã mất lòng tin vào Mỹ.
Giới quan sát nhận thấy, ông Duterte đang muốn xoáy sâu vào bộ phận dân chúng từ lâu đã có sự hoài nghi với di sản chính trị của Washington.
Trên thực tế, dù những phát ngôn của Duterte đang gây căng thẳng, nhưng các cuộc hội đàm các cấp hay các chuyến viếng thăm của quan chức hai nước vẫn tiến triển tốt và thường xuyên.
Điều này cho thấy rằng, vấn đề không phải là do quan điểm cá nhân của Tổng thống Duterte vì ai cũng hiểu rằng, dù lãnh đạo có thể thay đổi nhưng lợi ích quốc gia luôn là điều bất biến.
Do đó, có thể kết luận, sự bất đồng với đồng minh Mỹ đã hiện hữu ở Manila từ rất lâu. Nhưng, chỉ đến thời của Duterte, mọi thứ mới lộ diện một cách rõ ràng hơn.
Xem thêm >>> Viễn cảnh Đông Nam Á hậu 'tái cân bằng Obama'
Bây giờ có thể chỉ là mình ông Duterte, nhưng sau đó sẽ là một chính quyền mới ở Mỹ với một trong hai người: Hillary Clinton hoặc Donald Trump, người sẽ ngồi chiếc ghế ở Phòng Bầu dục kể từ tháng 1/2017. Không còn Obama, những tranh cãi sẽ trở thành câu chuyện thường xuyên hơn.
Bình luận viên Prashanth Parameswaran cho rằng để đạt được một quan điểm chung trong thời kỳ mới, đòi hỏi cả hai phải nhận ra một vài thực tế.
Tổng thống Philippines tất nhiên có quyền nói về những hành động sai trái Mỹ đã làm với Philippines trong quá khứ. Và họ cũng có lý trong việc mong muốn theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập nhiều hơn, trong đó tìm kiếm thêm những đối tác mới như Nga, Trung Quốc.
Ở Đông Nam Á, gần như nhà nước nào cũng đang cố gắng để cân bằng mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, bên cạnh hợp tác với các cường quốc khác. Ông Duterte chỉ đang cố gắng điều tiết phần nào mối quan hệ đang tràn ngập căng thẳng với Bắc Kinh mà thời cựu Tổng thống Aquino đang để lại.
Tuy nhiên, ông sẽ phải thận trọng trước thực tế rằng, dù có phấn đấu cho lý tưởng đối ngoại độc lập, điều này sẽ phải mất khá nhiều thời gian khi Philippines vẫn phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ.
Xem thêm >>> Đảng Cộng hòa muốn thay ông Trump sau những phát ngôn gây sốc
Liên minh Mỹ-Philippines dưới thời Tổng thống Obama và cựu Tổng thống Philippines Benigno Aquino III đã đạt đến một đỉnh cao mới với việc thiết lập thêm các cuộc đối thoại cấp cao, ký kết một hiệp ước quốc phòng mới, và thậm chí lợi ích của Philippines trong TPP cũng được làm nổi bật.
Không chỉ là đồng minh bảo đảm về mặt quân sự, cường quốc này còn là đối tác kinh tế, nhà đầu tư quan trọng hàng đầu đối với Manila.
Với thực tế này, sở thích cá nhân của ông Duterte sẽ phải nhường bước cho chủ nghĩa thực dụng, đó là tiếp tục mối quan hệ hòa hảo với Washington vì lợi ích quốc gia, đồng hành với việc xây dựng quan hệ tốt hơn với các nước khác.
Thứ hai, bản thân Duterte cùng người Philippines sẽ phải nhận ra rằng quan hệ với Mỹ sẽ phải là một con đường hai chiều. Sẽ không có chuyện Manila chỉ tranh thủ đồng minh của mình để mang lại lợi ích riêng cho bản thân mà không mang lại gì cho đối tác.
Quốc hội Mỹ cũng từng đưa vấn đề mất cân bằng trong liên minh hai nước, khi rõ ràng Philippines thường kéo trọng lượng về phía mình nhiều hơn.
Dưới thời Duterte, việc bỏ qua giá trị trong các cuộc họp ASEAN, hạ nhiệt vấn đề Biển Đông, giảm thiểu mối quan tâm về nhân quyền - đã dẫn đến bất ổn sâu sắc trong việc thúc đẩy quyền lợi và tầm ảnh hưởng đang được mở rộng của Washington.
Về phía Mỹ, Washington cũng phải tìm cho mình sự cân bằng giữa việc tìm hướng đi mới trong tương lai của liên minh Mỹ-Philippines, trong khi giữ trong tâm trí triển vọng về những lợi ích có thể đạt được dưới chính quyền Duterte.
Vẫn còn quá sớm để nói rằng đại sứ mới mà Mỹ cử tới làm nhiệm vụ ở Philippines có thể làm được nhiệm vụ dung hòa quan hệ giữa hai nước hay không, nhưng rõ ràng Mỹ đã thể hiện một sự kiên nhẫn nhất định.
Một thực tế khó khăn nữa Washington cần phải chấp nhận đó là: sẽ không còn cơ hội cho liên minh hai nước có thể đạt đến một sự liên kết chiến lược mạnh mẽ giống như thời của Tổng thống Aquino.
Với điều này, Mỹ không cần phải hy vọng và chờ đợi một sự thay đổi từ Tổng thống Duterte. Thay vào đó, họ nên chuẩn bị cho mình một triển vọng khiêm tốn về hợp tác trên một số lĩnh vực quan trọng, hoặc thậm chí ở mức tối thiểu, để tránh một sự thù địch có thể manh mún lớn dần với chính quyền Duterte.
Nếu Mỹ tiếp tục nhận những tín hiệu ngược dòng từ Manila, Nhà Trắng sẽ phải vẽ ra cho mình một "lằn ranh đỏ" để thiết lập một ranh giới rõ ràng để giữ gìn những gì đã đạt được, cũng như trở thành nền tảng cho những hy vọng hợp tác trở lại trong tương lai.
Quốc Vinh