Tuần vừa qua, những vụ việc trẻ em bị xâm hại tình dục nhận được nhiều sự quan tâm hơn cả. Dư luận không chỉ xót xa, đồng cảm với nạn nhân bị xâm hại mà còn bày tỏ sự bức xúc, phẫn nộ với những gã “yêu râu xanh”.
Bên cạnh những vụ việc trên, nữ nhà báo Nguyễn Ngọc Diệp cũng đã lên tiếng công khai bí mật mà chị giấu kín suốt 27 năm qua đó là chị cũng từng là nạn nhân bị xâm hại tình dục.
Câu chuyện của nữ nhà báo Nguyễn Ngọc Diệp khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: những nạn nhân từng bị xâm hại tình dục nên im lặng hay lên tiếng công khai sự thực?
Trước câu hỏi này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi nhanh với BS.ThS. Hoàng Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số.
PV: Thưa bà Tú Anh, với những nạn nhân đã từng bị xâm hại tình dục, khi họ đã lớn lên và có địa vị trong xã hội thì họ có nên chia sẻ hay im lặng để quá khứ trôi đi?
BS.ThS. Hoàng Tú Anh: Việc một người trưởng thành có nên chia sẻ việc bị xâm hại trong quá khứ hay không tùy thuộc vào từng hoàn cảnh cụ thể. Trong bối cảnh hiện nay, nhận thức về xâm hại còn thấp, việc đổ lỗi cho nạn nhân hay gia đình nạn nhân và bao che, dung túng cho người phạm tội vẫn còn, việc những người lớn đặc biệt những người có ảnh hưởng xã hội chia sẻ những trải nghiệm này có vai trò rất quan trọng.
Những câu chuyện của họ có thể giúp thức tỉnh xã hội, giúp bảo vệ cho nhiều trẻ em cũng như giúp cho nhà nước có những biện pháp phù hợp để phòng ngừa và xử lý công minh các vụ việc. Tuy nhiên, nếu một ai đó cảm thấy chưa sẵn sàng để chia sẻ thì cũng không có lý do gì để lên án hay trách móc người đó.
Ở nước ta, định kiến với những người phụ nữ hoặc bé gái là nạn nhân của xâm hại tình dục vẫn rất nặng nề. Việc nói ra có thể không giúp giải quyết gì mà còn gây tổn thương, tổn hại rất nhiều cho người bị hại. Một người trưởng thành tự chịu trách nhiệm cho hành động của mình do vậy họ sẽ tự cân nhắc tình huống của mình và quyết định.
PV: Vậy theo bà, trẻ em ở độ tuổi nào thì bố mẹ nên dạy cho con về giới tính?
BS.ThS. Hoàng Tú Anh: Dạy con về giới tính cần là một quá trình liên tục từ khi trẻ nhỏ đến tuổi vị thành niên vì mỗi tuổi lại có những vấn đề giới tính khác nhau. Tùy từng tuổi mà có các nội dung dạy phù hợp. Việc dạy con về giới tính đặc biệt là phòng tránh xâm hại có thể bắt đầu từ khi trẻ 3-4 tuổi. Ở tuổi này trẻ có thể nhận biết được các bộ phận trên cơ thể, biết nói để có thể kể lại cho bố mẹ về những việc đã xảy ra với mình.
PV: Thời gian gần đây, liên tiếp xuất hiện các vụ việc trẻ bị xâm hại tình dục, vậy làm sao để trẻ có thể tránh bị xâm hại tình dục và nhận biết được mình bị xâm hại thưa bà?
BS.ThS. Hoàng Tú Anh: Trẻ cần được dạy về các vùng trên cơ thể và mức độ nhạy cảm hay riêng tư của mỗi vùng. Trẻ cần biết có những vùng là rất riêng tư chỉ có trẻ hoặc người rất thân như cha mẹ mới được động chạm và ngay cả cha mẹ cũng chỉ động chạm trong những tình huống đặc biệt ví dụ như: Khi tắm, vệ sinh cho trẻ hay khi cần kiểm tra xem trẻ có bị thương tổn ở vùng đó; bác sĩ có thể động chạm vào những vùng này trong trường hợp cần kiểm tra sức khẻo của trẻ nhưng với sự cho phép và có mặt của bố mẹ trẻ.
Dạy trẻ về 5 tình huống báo động:
Báo động nhìn (khi có người lạ hoặc người quen nhìn vào những bộ phận nhạy cảm của trẻ hoặc yêu cầu trẻ nhìn vào những bộ phận nhạy cảm của người đó);
Báo động sờ (khi có người lạ hoặc người quen sờ, động chạm, vuốt ve vào những bộ phận nhạy cảm của trẻ hoặc yêu cầu trẻ sờ, động chạm, vuốt ve vào những bộ phận nhạy cảm của người đó);
Báo động nói (khi có người lạ hoặc người quen nói về những bộ phận nhạy cảm hoặc hành vi tình dục theo cách mà trẻ thấy không thích hoặc yêu cầu trẻ nói về những điều đó);
Báo động ôm (khi có người lạ hoặc người quen ôm trẻ theo cách trẻ không thích hoặc yêu cầu trẻ ôm người đó) và báo động một mình (trẻ được yêu cầu đi một mình hoặc ở trong tình huống phải ở một mình với người ai đó).
PV: Trong trường hợp phát hiện con bị xâm hại, cha mẹ nên làm gì và xử trí thế nào?
BS.ThS. Hoàng Tú Anh: Trong bối cảnh một số vụ xâm hại xảy ra liên tục, nhiều báo đã đăng tin về cách xử trí của cha mẹ khi phát hiện con bị xâm hại. Ở đây tôi chỉ muốn nhấn mạnh một vài điểm:
- Trong mọi tình huống, không mắng, đổ lỗi cho trẻ cũng như tỏ ra quá đau thương trước mặt trẻ vì điều đó có thể làm cho trẻ sợ và mặc cảm nhiều hơn. Cha mẹ cần rất bình tĩnh, trấn an, động viên trẻ.
- Khuyến khích trẻ kể lại sự việc đã xảy ra. Ghi âm hoặc quay camera lại để trẻ không phải kể lại nhiều lần cho những người khác, trừ trường hợp rất cần thiết. Nếu trẻ nhắc đến một người cụ thể mà gia đình biết, khuyến khích trẻ nhận diện qua ảnh và cũng ghi âm hay ghi hình lại quá trình nhận diện này. Nếu trẻ đang trong quá trình sốc, đau mà không sẵn sàng thì không cố gắng ép trẻ làm điều này. Lúc này, trấn tĩnh cho trẻ, bảo vệ trẻ quan trọng hơn là việc xác định người phạm tội.
- Kiểm tra tổn thương, chụp ảnh lại nếu có thể.
- Không tắm, rửa hay giặt quần áo hay các đồ dùng có thể có dấu vết của việc xâm hại
- Không đi tìm gặp người nghi ngờ là kẻ xâm hại vì điều này có thể gây nguy hiểm cho gia đình và có thể đánh động để nghi phạm trốn thoát.
- Gọi điện đến đường dây nóng toàn quốc bảo vệ trẻ em để báo cáo trường hợp và xin tư vấn quy trình tố tụng cũng như hỗ trợ về tâm lý cho trẻ và cho gia đình.
- Báo công an càng sớm càng tốt để đảm bảo không bị mất các chứng cứ và yêu cầu thực hiện giám định cũng như các biện pháp bảo vệ cho trẻ ví dụ như phòng tránh mang thai, phòng lây nhiễm HIV hay bệnh lây truyền qua đường tình dục.
- Tìm luật sư hỗ trợ quá trình tố tụng
Xin cảm ơn chia sẻ của bà!
Xem thêm:
Những tiết học truyền lửa của cô giáo 'câm'
Diễn viên, người mẫu Diễm Hằng nói không với chụp ảnh nude
Thanh Lam