Những viên gạch trên khối thể rực rỡ của nhà thờ Đức Bà cứ nguyên vẹn sắc hồng như thế từ năm 1880. Từ ấy, một quần thể kiến trúc bao quanh khu nhà thờ nảy nở dần. Với một dinh thự tổng thống, một khu công viên vút cao bởi những hàng cây thẳng. Thời gian chồng lấn lên nhau khi mấy cao ốc hiện đại ra đời, ghé vai vào cạnh bên nhà thờ.
Và thế là chúng ta có... cafe vỉa hè nhà thờ!
Thành phố ở trong tách cafe
Công viên 30/4, vỉa hè nhà thờ, vỉa hè trường học, vỉa hè bưu điện, vỉa hè thương xá đều trở thành quán cafe. Người lạ đến Sài Gòn sẽ ngạc nhiên khi những ánh đèn chiều đổ oặt màu đỏ xuống phố, cafe nhà thờ khuấy lên một buổi tối sôi động với những tiếng cười trẻ măng và những bài hát vang vang từ nhiều nhóm bạn.
Chẳng biết từ bao giờ, nhà thờ Đức Bà trở thành điểm hẹn. Người ta cứ đến đấy, ngồi hàng giờ trên những vỉa hè xây cao hơn mặt đường chút xíu. Những tờ báo được giở ra. Sách vở được trầm tư suy tưởng. Những cuộc thảo luận sôi nổi về kĩ năng trại, săn sóc bệnh nhân ung thư, cứ thế nở thêm ra mãi trong buổi cuối tuần, ở bất cứ khoảnh hiên nhà thờ, công viên nào trống chỗ.
Những tay nhiếp ảnh mang máy ảnh đến công viên, cùng tập chụp và cùng trao đổi kĩ thuật. Nhiều buổi offline diễn đàn nhiếp ảnh được ghi dấu từ một góc công viên với tấm ảnh cô người mẫu đứng cạnh màu gạch đỏ nhà thờ. Thỉnh thoảng mấy tay đi motor thích tiếng bô “độc” cũng tụ tập vào một túm ngay đầu công viên, xếp xe thành một hàng dài, tha hồ chụp ảnh, tha hồ thử tiếng bô xe cho nhau. Cạnh ngay các đàn anh đeo kính đen, ăn mặc hầm hố ấy có khi lại là một nhóm tình nguyện Hoa Hướng Dương mặc áo vàng rực đang quây thành vòng tròn hát bài “Một con vịt”.
Ảnh minh họa
Người si mê cafe ở chốn này sẽ còn thấy cả một ông lão hay xách đàn violin ra chơi. Ông già chỉ biết chơi vài bài đệm hát, kể biết bao “chiến tích” thu phục tụi Tây balo khoái văn nghệ. Đội nón cowboy, mặc áo đen nhếch nhác, đeo cái bao đựng vợt chơi tennis (mà thực ra lão để nhét cây đàn), chiều chiều nào ông già cũng ngồi trong giữa công viên, nhìn nắng chiều chảy trên những thớ gạch tươi rói của nhà thờ. Cứ thế, violin, mangdolin, rồi hát, rồi cười đùa. Đời giang hồ, vui thêm vì có cái công viên.
Có một anh chàng khác, tóc dài, thỉnh thoảng cũng vác cây guitar màu trắng ra công viên ngồi. Đông vui với bạn bè thì anh chàng ngồi đệm cho mấy cô hát. Hát từ lúc nắng còn rộm cho đến khi trời gục tắt vẫn chưa thôi. Hứng lên thì cả hai chục phút anh ta ngồi “múa” ngón tay trên một bản classic nào đó anh ta đang tập tành. Dân nhạc viện, anh chàng chỉ cần khảy bước một lát từ trường học là đã ra đến cafe nhà thờ để tha hồ cho cây đàn được hít thở khí trời.
Cứ thế, năm này sang năm khác, cafe nhà thờ Đức Bà (thiên hạ còn gọi là cafe Hàn Thuyên – vì công viên nằm ngay đường Hàn Thuyên) đắp lên thời gian biết bao gương mặt mới của người, trẻ trung và vô tư, trầm tư suy tưởng với nhiều ẩn ức. Mọi ý niệm bị cuốn vào li cafe màu đen sánh đặc ở chốn ấy.
Đói cafe, đói không gian...
Cafe ở nhà thờ thì dở. Dở kinh tởm. Cafe toàn mùi bắp. Ko có mùi bắp thì thể nào cũng là mùi khét. Ko phải mùi khét thì sẽ là thứ vị đắng chát ngấy. Nhất quyết ko có mùi cafe!
Có lần, tôi hỏi cô bé bạn tôi, tên Hiếu Thảo, sinh viên trường Nhân Văn, về cái chỗ em hay mò ra ấy. Em bảo: “Không ra đó thì cũng không biết đi đâu. Bảo ra công viên nào khác em cũng thấy nó cứ xô bồ, rồi giật túi xách, không an toàn gì cả. Ở đây vừa thoáng vừa an toàn.” – Em gái ấy lí tính nên biện giải cả bằng so sánh. Nhưng còn biết bao nhiêu người khác tôi hỏi thì chỉ đơn giản là cần phải ra đó, cần phải ngồi ở cái vỉa hè đó, đọc tờ báo, nhìn thành phố, trò chuyện với bạn bè. Bao nhiêu thứ diễn ra ở đó mà tự do và thoải mái vô cùng.
Ngồi ở công viên cạnh nhà thờ, người ta có thể nhìn thấy cả nhà thờ từ màu hồng đổi thành màu vàng cam khi nắng tưới lên, rồi hây hây trở lại khi nắng chiều nhạt dần. Màu đỏ vàng thẫm phủ xuống khi đèn thành phố thay cho ánh mặt trời. Cái vẻ đẹp ấy làm người ta thấy cả một cơn gió lành thổi vào tâm hồn mình, bình an và dịu dàng, giữa tiếng máy rốc lên xoáy vào tai và những cơn ùng oàng không nguyên cớ của hàng trăm ngàn cái xe máy xe hơi thi nhau đổ xuống đường khi phố vào giờ tan sở.
Người trẻ tuổi từ những ngôi trường không sân chơi, từ giảng đường đại học không có khu vực thảo luận đã đem tất cả rồi bày ra chốn công viên ấy. Nhiều giờ học vẽ của sinh viên kiến trúc được lấy chủ đề là nhà thờ. Những buổi thảo luận làm trang phục, tổ chức thi thố văn nghệ, tập múa... cũng diễn ra ngay giữa các hành lang đường đi ngang dọc trong công viên.
Gạch nhà thờ màu đỏ có từ năm 1880 ấy hẳn đã thấy tất cả gương mặt của thành phố xuất hiện ngay bên trên vỉa hè ấy. Mỗi ngày có hơn chục cặp cô dâu – chú rể sắp cưới đứng ôm nhau chụp những tấm ảnh kỉ niệm đầy lãng mạn cho ngày quan trọng của đời họ. Mỗi ngày có biết bao anh chàng nhiếp ảnh, thợ ảnh bấm hàng trăm shot hình với những rung động và khoảnh khắc nhỏ xíu của những con người đang đi lại và sống dưới cái bóng màu đỏ hình khối lớn của nhà thờ cạnh những hàng cây râm mát của công viên.
Tôi có quen một đôi vợ chồng đã có một con gái. Ngày đi học đại học, họ trốn học ra ngồi cafe nhà thờ Đức Bà với nhau. Họ yêu nhau. Cưới nhau. Họ sống những ngày của thành phố dù là những kẻ từ quê mùa lên phố tìm chốn mưu sinh. Có khi chỉ một thoáng thèm nhớ, anh lại nhắn tin rủ chị “lén lút” hẹn hò ngoài nhà thờ Đức Bà. Hai người đã khá giả và thành đạt lại ngồi bệt xuống, tựa lưng vào những viên gạch của nhà thờ, ôm ly cafe tám nghìn đồng toàn mùi bắp. Họ chờ đợi nhau và yêu đương nhau bằng cả những kí ức được sinh ra bởi một góc công viên hồn nhiên và lãng mạn. Có biết bao nhiêu tình yêu khác, ở giữa thành phố quá bon chen và dữ dội này, được tượng hình và thăng hoa bởi hàng cây mát lịm người và lời cầu kinh đêm có nến vàng thắp dưới chân Đức Mẹ ngay trước sự chứng giám của nhà thờ.
Thành phố chật. Hiên nhà thờ rộng. Phố bức bối và bon chen. Công viên hồn nhiên và rộng mở. Bởi thế cafe nhà thờ chẳng lúc nào kịp nguôi những kẻ đi về và trầm tưởng yêu quý chỗ ngồi quen thuộc của họ.
Vâng, cho dù cafe dở thậm tệ!
Khải Đơn