Theo thông tin từ Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), tiểu hành tinh có tên là 2017 EG3 sẽ đi qua Trái Đất vào ngày 17/3 (giờ Mỹ, bước sang ngày 18/3 giờ Việt Nam).
2017 EG3 lần đầu tiên được đài quan sát Mt Lemmon (ở đông bắc Tucson, Arizona, Mỹ) phát hiện vào ngày 7/3.
May mắn thay, EG3 2017 chỉ có đường kính 23m. Do đó, nó sẽ không quá nguy hiểm.
Theo quỹ đạo của mình, 2017 EG3 phải mất hai năm mới hoàn thành "quãng đường" đi quanh Mặt Trời. Ngoài ra, nó còn đi vào quỹ đạo của Sao Mộc.
Nó đi theo quỹ đạo giống như 1862 Apollo, cũng là một tiểu hành tinh kiểu Q, được phát hiện bởi Karl Reinmuth.
Trước đó, một tiểu hành tinh khổng lồ đã “sượt” qua Trái Đất vào ngày 31/5/2013 ở khoảng cách được cho là khá gần, 5,8 triệu km. Tiểu hành tinh này có tên gọi là 1998 QE2, đường kính 3,2km bằng khoảng 9 chiếc tàu du lịch biển. Điều đặc biệt là 1998 QE2 còn có "bạn đồng hành" là một khối đá nhỏ hơn nhiều, được gọi là vệ tinh, quay quanh quỹ đạo của nó – giống như Mặt Trăng quay quanh Trái Đất của chúng ta.
Tất cả các tiểu hành tinh đi qua quỹ đạo Trái Đất, khi được phát hiện đều được đặt tên và đánh số.
Hiện nay, số lượng tiểu hành tinh đã được biết đến là hơn 8.000. Trong đó, có gần 1.500 tiểu hành tinh đủ lớn và có khoảng cách gần Trái Đất nhất để được coi là có khả năng gây nguy hiểm.
Đến nay, các nhà khoa học chưa phát hiện ra bất cứ tiểu hành tinh nào có khả năng va chạm với Trái Đất nhưng điều này có thể thay đổi trong tương lai.
Trường Giang