Tình huống đặc biệt với quân đội Đức
Căn cứ không quân Buchel hiện vẫn chứa hơn 20 quả bom hạt nhân của Mỹ và đây là cơ sở duy nhất ở Đức nơi vũ khí hạt nhân được triển khai.
Hiện tại, các phi công của lực lượng quân đội Đức Bundeswehr và những nhân sự thuộc các quốc gia thành viên tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang thực hành các thủ tục xử lý vũ khí hạt nhân.
“Cuộc tập trận này mang tên “Steadfast Noon”, được tổ chức giữa các thành viên trong liên minh, diễn ra thường niên tại những căn cứ quân sự khắp châu Âu”, Otfried Nassauer, một nhà nghiên cứu tại trung tâm Thông tin An ninh Berlin (BITS) nói với tờ Sputnik.
Ông giải thích, trong cuộc tập trận được giám sát bởi nhân sự của quân đội Mỹ, họ sẽ thực hành các quy định an toàn khi gắn một quả bom hạt nhân lên máy bay và theo dõi cho tới khi nó cất cánh.
Tuy nhiên, không có vũ khí hạt nhân thật được sử dụng trong các cuộc tập trận này.
Kể từ những năm 1960, theo quy định cam kết hạt nhân của NATO, 4 quốc gia châu Âu phi hạt nhân được phép sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp xảy ra chiến tranh.
Theo giới chức NATO, cam kết hạt nhân này dù tuân thủ hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân nhưng thường bị các nhà phê bình chỉ trích.
“Lập luận của họ (các nhà phê bình) là hành động của NATO sẽ tạo ra một nhóm các quốc gia mới, nằm ở giữa những nước hạt nhân và phi hạt nhân trong khuôn khổ hiệp ước. Nhóm này gồm những quốc gia hạt nhân giả, chưa thực sự có hạt nhân và không được đề cập tới trong hiệp ước”, Nassauer nói.
Theo luật pháp quốc tế, lực lượng quân đội Đức không được phép sử dụng vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, trong các cuộc tập trận hiện tại, nhân lực của Đức không nhận lệnh từ bộ Quốc phòng mà trực tiếp nhận từ chỉ huy của NATO.
“Nó tạo ra một tình huống tréo ngoe. Luật cấm quân đội Đức sử dụng vũ khí hạt nhân, nhưng họ lại nhận lệnh từ NATO. Họ có thể không tuân theo các mệnh lệnh đó bởi nó tiềm ẩn những nguy cơ, vì theo luật pháp của Đức, một người lính không được phép tiếp nhận mệnh lệnh bất hợp pháp”, chuyên gia nhận xét.
Moscow mong muốn giải trừ toàn diện vũ khí hạt nhân trong tương lai
Theo Đại tá nghỉ hưu của quân đội Đức, ông Ulrich Scholz, người từng tham gia lên kế hoạch cùng không quân NATO, những cuộc tập trận này có “vấn đề đáng nghi vấn”, chúng có khả năng mang theo động thái chính trị chống lại Nga.
Ông Ulrich Scholz cũng bày tỏ những lo ngại nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia Đức.
“Nếu chúng ta từ bỏ vũ khí hạt nhân vì những lý do an toàn nhưng vẫn dự trữ hạt nhân trên lãnh thổ và tham gia những cuộc tập trận kiểu này, thì tôi có một câu hỏi: Có ai đang quan ngại về an ninh của Đức hay không”, Đại tá Ulrich Scholz nói. Cựu sĩ quan này cũng lưu ý rằng lợi ích địa chiến lược của Washington giờ đây lại đang tập trung vào Nga giống như thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Còn theo ông Nassauer, Mỹ đang quan tâm tới việc liên kết tất cả các đồng minh lại với nhau để chống lại “sự đe dọa từ Nga”. Lần đầu tiên, Ba Lan, Hy Lạp và Cộng hòa Séc tham gia các nội dung tập trận trong năm nay. Hơn nữa, cuộc tập trận này đã được tổ chức ở những căn cứ quân sự khác nhau.
“Trên đà tiếp tục những căng thẳng giữa Nga và phương Tây, tất cả những hành động kể trên giống như một tín hiệu chính trị từ NATO gửi đến Moscow”, ông nói.
Tuần trước, tại Câu lạc bộ Thảo luận quốc tế Valdai, Tổng thống Nga Vladimir Putn khẳng định, Kremlin đặt niềm tin vào các quốc gia phương Tây là sai lầm lớn nhất của chính sách đối ngoại Nga trong suốt 15 năm qua.
“Sai lầm chính yếu nhất của chúng tôi về phương Tây là chúng tôi đã tin tưởng họ quá nhiều”, nhà lãnh đạo Nga nói.
Theo ông Putin, đã tới lúc Nga và các quốc gia phương Tây “phải lật sang trang khác để bước về phía trước”. Mối quan hệ đó phải dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và đối xử với nhau như những đối tác bình đẳng.
Cũng trong tuần trước, tại một hội nghị về không phổ biến vũ khí hạt nhân ở Thủ đô Moscow, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã kêu gọi dỡ bỏ vũ khí hạt nhân Mỹ tại các quốc gia châu Âu và ngừng các cuộc tập trận hạt nhân tại các quốc gia phi hạt nhân.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Putin khẳng định Moscow mong muốn giải trừ toàn diện vũ khí hạt nhân trong tương lai và điều đó hoàn toàn có khả năng thực hiện được.
5 cuộc tập trận lớn trong thời gian qua 1. Ample Strike –cuộc tập trận phòng không, không quân quy mô lớn ở lãnh thổ Cộng hòa Séc với sự tham gia của hơn 1.300 binh sĩ và 40 máy bay của 18 nước thành viên NATO, giúp luyện tập khả năng tác chiến trên không. 2. Zapad 2017 - cuộc tập trận quy mô lớn nhất của Nga với Belarus từ sau Chiến tranh Lạnh, diễn ra vào tháng 9/2017, khiến NATO chỉ trích dữ dội. 3. Courageous Channel – cuộc tập trận bắn đạn thật giữa Mỹ - Hàn Quốc vào tuần trước nhằm đối phó với các hành động khiêu khích tiềm năng từ Triều Tiên. 4. Indra-2017 – cuộc tập trận thường niên Nga - Ấn Độ vừa khai hỏa tuần trước với sự tham gia của gần 2.000 lính nhằm tăng tương tác phối hợp hiệp đồng tác chiến giữa hai bên. 5. Silver Arrow (Mũi tên bạc) 2017 – cuộc tập trận đa quốc gia (Mỹ, Anh, Đức, Latvia…) trong khuôn khổ NATO đang diễn ra, dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 29/10 tới. |
Xem thêm: Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt áp sát Triều Tiên trong lúc căng thẳng
D.T