Ngành ngành đòi làm bảo tàng
Một thực tế mà ai cũng nhìn rõ đó là đa phần bảo tàng hiện nay của chúng ta rơi vào tình trạng không có khách tham quan. Một số bảo tàng ế ẩm đã chuyển hướng kinh doanh sang cho thuê mặt bằng làm quán café, tổ chức hội nghị, đám cưới thậm chí là trông xe. Điều này có thể được chứng minh khi đến thăm nhiều bảo tàng tại Hà Nội như bảo tàng Phụ Nữ, bảo tàng Lịch sử Việt Nam... Lý do khiến cho bảo tàng trở nên ế khách vẫn được nhiều người cho rằng bảo tàng thiếu hiện vật và một lý do đơn giản khác là người Việt Nam… không thích đi bảo tàng!
Bảo tàng Dân tộc học là một trong số ít bảo tàng hoạt động hiệu quả
Trong khi những lý do trên thường được đưa ra nhiều nhất mỗi khi có hội thảo, hội nghị hoặc một diễn đàn nào đó bàn luận về hệ thống bảo tàng thì các nhà hoạch định chính sách liên quan đến bảo tàng lại không hề nhận ra hoặc cố tình không nhận thấy hệ thống bảo tàng của chúng ta đang bị xé nhỏ. Chỉ tính riêng hệ thống bảo tàng thuộc quân đội quản lý đã có tới mấy chục bảo tàng, hay bảo tàng Hồ Chí Minh cũng được đặt ở khắp nơi. Người xem có thể xem vài phút đã hết một bảo tàng với những hiện vật na ná như nhau được bày trong tủ kính.
Thế nhưng, các dự kiến xây dựng bảo tàng mới vẫn ầm ầm xuất hiện, các dự án làm bảo tàng mới vẫn liên tiếp được phê duyệt. Có lẽ, việc xây dựng một dự án thường kèm theo những lợi ích nhất định. Vì thế, ngoài hệ thống bảo tàng mang tính chất Quốc gia, thì các ngành nghề của nước ta đều đua nhau xin được thành lập bảo tàng.
Điều đáng buồn là việc xin phép này vẫn được các đơn vị chủ quản đồng tình ủng hộ. Vì thế, điều đó đã thể hiện ngay trong quy hoạch bảo tàng đến năm 2020 của Việt Nam. Nếu theo đúng những quy hoạch này thì sắp tới, Việt Nam sẽ có hàng loạt bảo tàng như Bảo tàng Cao su, Bảo tàng Các thế hệ trẻ Việt Nam, Bảo tàng Ngân hàng, Bảo tàng Tiền, Bảo tàng Hàng không, Bảo tàng Y dược học, Bảo tàng Bưu điện, Bảo tàng Dầu khí, Bảo tàng Dệt may, Bảo tàng Giáo dục, Bảo tàng Giao thông, Bảo tàng Kiến trúc, Bảo tàng Mỹ thuật ứng dụng, Bảo tàng Nông nghiệp, Bảo tàng Xi măng, Bảo tàng Tem, Bảo tàng Than, Bảo tàng Hóa học....
Chỉ cần nghe những tên bảo tàng như trên đã cho thấy rất khó có hiện vật để trưng bày cho phù hợp và nếu có đủ hiện vật thì liệu có ai muốn đến tham quan?
Cần đập tan cách quy hoạch manh mún
Gần đây, khi dự án siêu bảo tàng với tổng đầu tư lên tới hơn 11.000 tỷ đồng xuất hiện đã khiến dư luận không khỏi hoảng hốt. Quả thực, con số khổng lồ trên không thể khiến người dân an lòng khi nhìn vào thực tại èo uột của hệ thống bảo tàng trong nước.
Ban đầu, khi dự án siêu bảo tàng nói trên xuất hiện, nhiều người tỏ ra vui mừng vì sẽ có một bảo tàng ra tấm ra món xuất phát từ việc sáp nhập 2 bảo tàng là Bảo tàng Cách mạng Việt Nam và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Tuy nhiên, các đơn vị chức năng lại thông báo địa điểm cũ của 2 bảo tàng được sáp nhập sẽ lại được trưng dụng thành 2 bảo tàng mới. Như vậy, về cơ bản thì việc sáp nhập của 2 bảo tàng cũ không giảm đi được số lượng bảo tàng nhỏ mà lại làm tăng lên.
Nhìn ra thế giới, có thể thấy ở nhiều nước, hệ thống bảo tàng không nhiều về số lượng nhưng đều có quy mô cực lớn. Bảo tàng Cổ vật tại Đài Loan, người xem có thể đến xem liên tục trong 1 tuần cũng chưa hết được các hạng mục và hiện vật trưng bày. Hay đến với Bảo tàng Thượng Hải của Trung Quốc, người xem có thể cảm nhận ngay được đây là một công trình cực kỳ vĩ đại. Bảo tàng diễn tả một cách sống động lịch sử của thành phố Thượng Hải từ khi còn những người dân lao khổ cho tới ngày nay.
Như vậy, việc người dân phản đối xây dựng một siêu bảo tàng là một điều không quá khó hiểu. Cho dù các phản ứng này được xuất hiện như một hiện tượng có tính chất dây chuyền thì cũng đều xuất phát từ các điều kiện thực tế. Trong trường hợp, các đơn vị làm bảo tàng chứng minh được bảo tàng mới sẽ giảm được các lãng phí từ hệ thống bảo tàng cũ, đồng thời tạo ra được một địa điểm thực sự có ý nghĩa thì có lẽ con số đầu tư nói trên sẽ không làm ai thấy tiếc!
Hoàng Phương