Khi xem cảnh ông Lê Tấn Thịnh - Trưởng công an xã Quảng Điền (Krông Ana, Đắk Lăk) - lập lại trật tự lòng lề đường theo phong cách “đá thúng, đụng nia”, ý nghĩ đầu tiên xuất hiện trong đầu tôi là: “Người dùng Facebook sẽ cho ông biết thế nào là“đạo đức”,“văn hóa”!
Thời buổi này, điện thoại thuộc loại thông minh hay “không thông minh cho lắm” cũng tích hợp chức năng quay video và kết nối mạng. Một đoạn clip chưa đầy một phút, dù bị rung lắc, nhòe nhoẹt cũng có thể khiến cuộc đời một con người rẽ sang hướng khác.
Huống hồ, những hành động xấu xí như la lối, đá văng nải chuối, thau cá của vị Trưởng công an xã trong clip vừa phản cảm, vừa thể hiện sự bất lực. Kết quả không ngoài dự đoán của tôi, ông Thịnh phải hứng cả rổ gạch đá, bao gồm cả những lời chửi bới và hăm dọa từ cộng đồng mạng. Sau đó, ông Thịnh phải xin lỗi công khai các tiểu thương, người bán hàng rong ở chợ Điện Bàn – nơi xảy ra sự việc kể trên.
Còn nhớ, trước khi chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ bùng nổ trong năm nay, các cán bộ quản lý trật tự đô thị ở các thành phố lớn đã mang tiếng “cường hào” với các hộ dân kinh doanh trên vỉa hè. Có người sẵn sàng tấn công, xúc phạm cán bộ trật tự khi bị lập biên bản, tịch thu phương tiện kinh doanh (bàn ghế, hàng hóa...).
Hầu hết những thước phim lan truyền trên mạng chỉ ghi lại “phân đoạn” người vi phạm bị đuổi, thu giữ tang vật và do đó khiến cộng đồng nảy sinh ác cảm với những người thực hiện nhiệm vụ khó khăn này.
Tràng vỗ tay tán thành của người dân tham dự buổi xin lỗi được tổ chức tại hội trường thôn 2 của xã Quảng Điền cho thấy sự việc ồn ào đang dần khép lại, ông Thịnh có lẽ đã nhận được bài học nhớ đời về cách xử lý vi phạm thiếu văn hóa, thiếu tình người của mình.
Nhưng trong đầu tôi cứ lặp đi lặp lại một câu hỏi: Nếu hôm đó ông Thịnh không đá văng thau cá thì “bộ mặt” chợ Điện Bàn có thay đổi như hôm nay, với vạch sơn đỏ sát lề đường của UBND xã và ý thức “dẹp sát vào lề” của những người bán hàng khi báo chí viếng thăm?
Vì chưa thể trả lời câu hỏi này nên người viết mạn phép trích lại câu nói của một người bán hàng tại chợ Điện Bàn và không bình luận gì thêm: “Vì cuộc sống mưu sinh, nhiều người tranh thủ thời gian lúc sáng sớm ngồi bán đồ ở ngoài đường, trước chợ Điện Bàn. Do vậy, mỗi khi có cán bộ đến thì chúng tôi bưng đồ chạy đi, còn vắng cán bộ thì mọi người lại bày ra lề đường bán”.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả