"Thích lệnh trừng phạt"
Ngày 2/6, hãng tin Nga RT dẫn lời Phó Thủ tướng Nga Igor Shuvalov khẳng định, Moscow coi những biện pháp trừng phạt của Mỹ là một phương tiện nhằm đạt được ưu thế trong kinh doanh chứ không phải đòn bẩy chính trị, đồng thời ông nói thêm rằng Nga đã học được cách tạo ra lợi ích từ những động thái thù địch của các quốc gia phương Tây.
Việc áp đặt các biện pháp trừng phạt qua lại giữa Nga và phương Tây bắt đầu từ năm 2014 sau khi Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các đồng minh đưa ra những hạn chế đối với công dân và doanh nghiệp Nga như một phương thức trừng phạt với vai trò bị cáo buộc của Moscow trong xung đột ở miền đông Ukraine cũng như việc sáp nhập bán đảo Crimea.
Trong cùng năm đó, Nga đã đáp trả bằng một lệnh cấm vận rộng rãi với nhập khẩu lương thực từ tất cả những quốc gia đã tham gia trừng phạt Moscow.
Kể từ đó, lệnh trừng phạt đã được nhiều lần mở rộng và tăng cường bởi cả hai phía. Tháng 6 năm 2016, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một sắc lệnh kéo dài các lệnh trừng phạt trả đũa cho tới cuối năm 2017.
Các quan chức Nga đã nhiều lần khẳng định rằng những áp lực từ phía bên ngoài sẽ không khiến họ thay đổi quyết định trên.
Theo một cuộc thăm dò dư luận được tiến hành hồi giữa tháng 3 năm nay, khoảng 75% người Nga cho rằng chính phủ không nên đầu hàng trước những áp lực từ phía ngoài và thay đổi chính sách chỉ vì những lệnh trừng phạt về kinh tế.
Chỉ có 18% số người tham gia khảo sát cho rằng các lệnh trừng phạt đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng với nền kinh tế Nga và chính phủ phải hành động để dỡ bỏ những biện pháp hạn chế đó. Khoảng 59% nói rằng họ sẵn sàng chịu đựng những khó khăn về kinh tế hiện nay để duy trì chính sách đối ngoại mà nước Nga đang theo đuổi, đặc biệt khi nhắc tới vấn đề Ukraine.
Xem thêm: TT Putin bất ngờ đưa ra những bình luận đặc biệt về Tổng thống Trump
Danh Tuyên