Hãng thông tấn Syria Call cho hay, ông Alexander Lavrentyev tuyên bố sẽ xóa sổ hoàn toàn các phần tử nổi dậy nếu các tay súng này không chịu rời khỏi “thành trì” ở phía Bắc tỉnh Idlib của Syria.
Bình luận trên được đưa ra trong vòng thứ 9 của đàm phán hòa bình Astana, trong đó ông đã nhắc tới các nhóm phiến quân ở Đông Ghouta, những người đã chịu thất bại thảm hại trước chiến dịch quân sự của quân đội Chính phủ Syria hồi tháng trước. Ông Lavrentyev cam kết rằng nếu những tay súng tại Idlib không chấp nhận thỏa thuận rời khỏi thì cũng sẽ phải chịu số phận tương tự.
Ông Lavrentyev cũng chỉ trích Mỹ vì đã không điều phái đoàn tới theo dõi những vòng đàm phán gần nhất về vấn đề Syria, tuy nhiên khẳng định sự vắng mặt của Washington không tác động tới quyết định của cuộc hòa đàm này.
“Không có ai nghi ngờ về tính hiệu quả của hòa đàm Astana trong việc đạt được sự ổn định ở Syria ngoài Mỹ và đồng minh của họ, vì thế sự vắng mặt sẽ không tác động tới các cuộc đàm phán”, ông nói thêm.
Đây là cuộc đàm phán do Nga đứng đầu, bàn về tiến trình hòa bình ở Syria, kết thúc vào chiều ngày hôm qua, sau khi những nỗ lực chính trị nhằm kết thúc cuộc chiến kéo dài 7 năm có khả năng đi vào bế tắc. Tương lai của những nỗ lực ngoại giao nhằm kết thúc khủng hoảng vẫn đang bất định.
Dẫn đầu bởi cựu Thủ tướng Chính phủ lâm thời Syria Ahmed Tuma, đoàn đại biểu đối lập gồm 24 thành viên đại diện cho một số nhóm do Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ. Nhưng những bất đồng đã xuất hiện trong cuộc đàm phán khi phe đối lập từ chối tham dự cuộc họp cấp cao tiếp theo về vấn đề Syria nếu nó được tổ chức ở thành phố Sochi của Nga.
“Chúng tôi muốn tổ chức ở Astana và chỉ Astana. Nếu các quốc gia bảo lãnh muốn tổ chức ở một quốc gia khác thì đó là vấn đề của họ”, ông Tuma nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Bashar Jaaafari, người đứng đầu đoàn đại biểu Chính phủ Syria tại Astana, lại bày tỏ sự hài lòng với kết quả đàm phán, nhấn mạnh rằng Chính phủ nước này sẽ tiếp tục chống khủng bố và giành lại lãnh thổ của mình.
Bình luận của đặc phái viên Nga được đưa ra cùng ngày xuất hiện của bản báo cáo từ Trung tâm nghiên cứu Bạo loạn và khủng bố IHS Jane. Trong đó, báo cáo cho hay các cuộc không kích nhằm vào lực lượng đối lập ở Syria đã tăng 150% sau khi Nga bắt đầu đưa quân sang quốc gia Trung Đông này nhằm giúp chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.
Ngoài ra, báo cáo này chỉ thêm, chỉ có 14% các cuộc không kích của Nga là nhằm vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Nga và Syria hiện áp dụng chiến thuật đánh vào tiền đồn của những nhóm phiến quân nhỏ đồng thời sơ tán các chiến binh và người dân ra khỏi vùng phía Bắc tỉnh Idlib.
Xem thêm: Sau vụ Israel tấn công Pantsir-S1, thực sự năng lực lá chắn tên lửa Nga đến đâu?