“Lời hăm dọa sẽ tiến hành tấn công quân sự đơn phương nhằm vào Syria, trong đó có Damascus, giống như hồi cuối tháng 4/2017 dựa vào những cáo buộc không chính xác với Chính phủ Syria về sử dụng vũ khí hóa học, là không thể chấp nhận được.
Chúng tôi đã nói rõ ràng với các đại diện của Mỹ thông qua các kênh ngoại giao và quân sự”, ông Lavrov nói với các phóng viên.
Trước đó, trong tuần này, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley đã đe dọa rằng Washington sẽ tấn công Damascus trong trường hợp vũ khí hóa học được sử dụng tại Syria.
Phản ứng với tuyên bố của bà Haley, Tổng tư lệnh quân đội Nga cho hay các lực lượng vũ trang của nước này sẽ đáp trả nếu mạng sống của quân nhân Nga ở Syria bị đe dọa.
Ông Lavrov hôm nay 16/3 nhắc lại về sự cần thiết phải tách biệt các tay súng khủng bố với lực lượng đối lập, thúc giục Mỹ chống lại khủng bố ở vùng Đông Ghouta.
“Tôi hy vọng liên quân do Mỹ dẫn đầu sẽ nhận ra sự cấp thiết của việc không bảo vệ các nhóm khủng bố, giống như những gì đang xảy ra ở Đông Ghouta, mà sẽ chống lại các nhóm cực đoan một cách kiên định và có nguyên tắc”, ông Lavrov nói.
Ngoại trưởng Nga khẳng định những kết quả đạt được tại hòa đàm Astana về Syria, trong đó có nỗ lực của phía Nga, đã không được hoan nghênh bởi những lực lượng đang cố gắng muốn chia quốc gia Syria thành nhiều vùng đất nhỏ hòng dễ kiểm soát.
Đông Ghouta nằm dưới sự kiểm soát của khủng bố từ năm 2012, với khoảng 10 đến 12.000 tay súng đang kiểm soát khu vực này, theo ước tính của quân đội Syria.
Đại diện của trung tâm hòa giải Nga ở Syria, Thiếu tướng Vladimir Zolotukhin vừa cho hay trong mỗi giờ có hơn 800 người rời khỏi Đông Ghouta vào hôm qua 15/3 thông qua hành lang nhân đạo.
"Hơn 11 nghìn người đã rời khu định cư Hamuria, Sakba và Khazze qua hành lang nhân đạo, theo đánh giá của Trung tâm hòa giải các bên trong cuộc chiến ở Syria", ông Vladimir Zolotukhin nói.
Ở một diễn biến khác, Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) vừa cho hay, quân đội Syria ngày hôm qua đã giành lại thị trấn Hammuriyeh, một thị trấn quan trọng ở Đông Ghouta của Syria, sau khi các phiến quân Hồi giáo thuộc nhóm Failaq al-Rahman bị đẩy lui và hàng nghìn dân thường rời khỏi nơi đây.
Cùng ngày, người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, ông Ibrahim Kalin cho biết Cơ quan tình báo nước này (MIT) đang làm việc để đưa các tay súng của Mặt trận al-Nusra ra khỏi Đông Ghouta.
Xem thêm: Vì sao cái chết của một nhà báo khiến Thủ tướng Slovakia phải từ chức?