Nga lại 'đi đầu xu thế' với hợp đồng mua dầu 'khủng' từ Iran

Nga lại 'đi đầu xu thế' với hợp đồng mua dầu 'khủng' từ Iran

Chủ nhật, 26/02/2017 09:44

Với hợp đồng mua 1,5 triệu thùng dầu trong nửa tháng, Nga - Iran tiếp tục nối lại mối quan hệ ngày càng khắng khít về thương mại, ngoại giao và quân sự.

Hãng thông tấn Sputnik đưa tin, Iran đã bắt đầu triển khai kế hoạch bán 100.000 thùng dầu/ngày sang Nga trong vòng nửa tháng tới. Thông tin về giao dịch khổng lồ trên được xác nhận bởi ông Bijan Zanganeh, Bộ trưởng Bộ dầu khí Iran trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng thông tấn ISNA hôm 24/2.

Ông Zanganzeh khẳng định với Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak rằng chính quyền Tehran sẽ bán cho Moscow 1,5 triệu thùng dầu và nhận thanh toán một nửa bằng tiền mặt, một nửa bằng hàng hoá và dịch vụ.

Tiêu điểm - Nga lại 'đi đầu xu thế' với hợp đồng mua dầu 'khủng' từ Iran

 Iran nổi tiếng là quốc gia đứng đầu thế giới về trữ lượng dầu mỏ.

Ông Zanganeh bày tỏ nhiều kỳ vọng rằng việc bán dầu của Iran tại Nga sẽ giúp mở rộng hoạt động xuất khẩu cũng như thu hút thêm nhiều khách hàng tiềm năng khác. "Chúng tôi đang nỗ lực tìm kiếm và mở rộng các hoạt động thương mại lâu dài với Nga để giảm thiểu hậu quả nặng nề suốt thời gian bị trừng phạt kinh tế bởi các nước phương Tây", ông Zanganeh nói.

Tiêu điểm - Nga lại 'đi đầu xu thế' với hợp đồng mua dầu 'khủng' từ Iran (Hình 2).

 Người đứng đầu Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran, ông Ali Akbar Salehi kỳ vọng nhiều vào hợp đồng mua bán dầu với Nga.

Người đứng đầu Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran, ông Ali Akbar Salehi chia sẻ với báo giới: "Lĩnh vực sản xuất nhiên liệu của Nga và Iran là một trong những đề tài thu hút nhất thường xuyên được thảo luận trong các cuộc đàm phán hạt nhân. Chúng tôi thực sự cần những chuyên gia hàng đầu của Nga hỗ trợ trong lĩnh vực này".

Đi đầu về thoả thuận với Iran, Nga đã một lần nữa thể hiện lập trường "chủ động trong mọi tình huống" khi "xích" lại gần Iran, củng cố mối liên minh quân sự và ngoại giao giữa hai nước này càng gắn bó, bền chặt hơn.

Moscow đã trấn an được các nước đồng minh khi càng khẳng định hướng đi đúng đắn, khó có thể bị tác động bởi Mỹ hay phương Tây trong bối cảnh Iran được nới lỏng trừng phạt như hiện tại. Bước đi này mang cả lợi ích về chính trị và kinh tế, bởi Iran vẫn là quốc gia đứng đầu thế giới về trữ lượng dầu mỏ cũng như giá dầu rẻ hơn nhiều quốc gia khác.

Tiêu điểm - Nga lại 'đi đầu xu thế' với hợp đồng mua dầu 'khủng' từ Iran (Hình 3).

 Chính quyền Trump được cho là có mục tiêu nỗ lực chia rẽ mối quan hệ Nga - Iran.

Bình luận về động thái của Nga, chuyên gia phân tích về năng lượng độc lập, ông Omid Shokri Kalehsar cho hay: "Moscow đã trở thành khách hàng đầu tiên của Iran sau khi Tehran được dỡ bỏ lệnh trừng phạt. Điều này sẽ tạo cơ hội thu hút thêm các đối tác châu Âu cho thị trường dầu mỏ của Iran".

Ngoài ra, Nga đã "mạnh tay" chi khoản kinh phí lớn đầu tư cho năng lượng, điều này càng củng cố thêm vị trí của Moscow trong lĩnh vực này. Trong khi đó, các nước phương Tây vẫn còn do dự, chờ đợi thăm dò động thái của Tổng thống Mỹ Donald Trump với Iran.

Thực tế suốt quá trình tranh cử, ông Trump đã nhiều lần bày tỏ phản ứng khá gắt gao về thoả thuận năng lượng với Iran. Trang Business Insider dẫn lời Tổng thống Trump trong một bài tranh luận từng phân tích thoả thuận với Iran là "một trong những giao dịch tồi tệ nhất từng thương lượng". Phản ứng này đã khiến nhiều chuyên gia nghiên cứu dự đoán về nguy cơ sau khi đắc cử, ông Trump có thể sẽ kiềm chế hoạt động của các công ty nước ngoài muốn tiếp cận, đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Iran.

Bản hợp đồng dầu mỏ với Iran cũng một lần nữa "đánh sập" chiến lược chia rẽ mối quan hệ Nga - Iran của Mỹ. Đầu tháng 2 vừa qua, tạp chí Wall Street Journal cũng dẫn thông tin từ một quan chức cấp cao giấu tên trong chính quyền ông Trump, người này khéo léo tiết lộ nội dung cuộc tranh luận của các nhà đối ngoại nhằm chia rẽ mối quan hệ giữa Nga và Iran.

Theo tạp chí Wall Street Journal, chính quyền Mỹ được cho là đang nghiên cứu các lựa chọn để chia rẽ Nga và Iran nhằm mục tiêu chấm dứt sớm cuộc xung đột ở Syria, đồng thời thúc đẩy cuộc chiến chống lại nhóm tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Không ít chuyên gia cho rằng nỗ lực này khó có thể thành công khi Nga vốn có mối quan hệ khắng khít với Iran, đồng minh quan trọng nhất của Moscow ở Trung Đông. Hai nước này vốn không chỉ có nhiều mối liên hệ ngoại giao, thương mại mà gần đây còn có sự hợp tác về quân sự khá thành công trên mặt trận Syria.

Hà Nguyễn 


Xem thêm >>> Nga công nhận giấy tờ từ miền Đông Ukraine: chiến lược mới khó đoán?

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.