Hãng tin Interfax của Nga dẫn một nguồn tin giấu tên cho biết Moscow sẽ bắt đầu sửa chữa đường băng thứ hai ở căn cứ không quân Hmeimim ở tỉnh Latakia, ven biển phía tây Syria.
Hmeimim là căn cứ không quân thường trực của Nga ở Syria, nằm về phía đông nam Latakia và liền kề với sân bay quốc tế Bassel al-Assad. Căn cứ Hmeimim là nơi chứa hàng chục máy bay chiến đấu của Nga được sử dụng để không kích các tổ chức khủng bố ở Syria.
Ngày 12/1, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov cho biết, Moscow đã rút 6 tiêm kích Sukhoi Su-24 khỏi căn cứ không quân Hmeimim, thay vào đó là 4 chiếc Sukhoi-Su-25.
Nguồn tin trên cũng cho hay Nga còn lên kế hoạch nâng cấp căn cứ hải quân ở Tartus, thành phố cảng lớn thứ hai ở Syria, nơi Nga đã hỗ trợ và duy trì lực lượng hải quân từ năm 1977. Căn cứ Tartus cách 86km về phía nam Hmeimim, sau khi nâng cấp, có khả năng đón các tàu tuần dương cỡ lớn.
Căn cứ ở Syria là nơi đóng quân duy nhất của Nga tại nước ngoài. Trước đây, Tartus chỉ là cảng hậu cần nên không có khả năng neo đậu các tàu chiến. Những hoạt động tiếp tế và trang bị cho cảng Tartus cũng như thay quân cho nhóm tàu Địa Trung Hải đều phải thông qua eo biển Bosphorus của Thổ Nhĩ Kỳ.
Khi Tartus đã trở thành căn cứ thường trực chuyên dụng, một nhóm lớn tàu thuyền hay thậm chí cả tàu sân bay cũng có thể đóng thường trực tại đây. Ngoài ra, Nga có thể tích tụ lượng lớn vũ khí và các trang thiết bị quân sự, hàng hóa mà không còn phải phụ thuộc vào eo biển Bosphorus của Thổ Nhĩ Kỳ, vì thế việc điều tàu ra Địa Trung Hải không bị gián đoạn.
Còn việc nâng cấp căn cứ không quân Hmeimim giúp Nga đưa tới đây nhiều máy bay hơn và cả những phi cơ hạng nặng. Hiện tại, với sức chứa của Hmeimim, những oanh tạc cơ cỡ lớn tầm Tu-95MS hay Tu-160 không thể đỗ được. Chính vì lý do trên, Nga đã từng phải mượn sân bay của Iran để làm nơi xuất kích cho các máy bay ném bom cỡ lớn hoặc làm “sân sau” cho chiến dịch tấn công khủng bố Hồi giáo tự xưng IS.
Bên cạnh việc nâng cấp hai căn cứ trên, Moscow cũng triển khai các hệ thống phòng không đất đối không S-300 và những bệ phóng tên lửa bờ Bastion ở những căn cứ hải quân này.
Tháng 12/2016, người đứng đầu Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Nga Valery Gerasimov nói rằng Moscow có đủ khả năng phòng không ở Syria nhờ vào hệ thống S-300 và S-400 được triển khai ở đây.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã từng yêu cầu 2 lần rút bớt lực lượng khỏi Syria nhưng vẫn giữ một số lượng vừa đủ đễ hỗ trợ quân chính phủ Syria chống IS và các nhóm đối lập khác. Syria cũng đã ký thỏa thuận với Moscow cho phép Nga sử dụng vô thời hạn những căn cứ trên lãnh thổ của mình.
Xem thêm: Báo Nga: Mỹ triển khai quân đến Ba Lan là một ‘chiến dịch PR’
Danh Tuyên