TT Putin: Đừng dồn Triều Tiên vào chân tường
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 19/10 lên tiếng yêu cầu các cường quốc không nên dồn Triều Tiên “vào chân tường”, đồng thời kêu gọi nước này đối thoại để chấm dứt bế tắc hạt nhân với Mỹ.
Ông Putin không đề cập đến Mỹ trong quan điểm của mình, nhưng nói về khả năng nguy cơ xung đột đang gia tăng và nêu rõ, Triều Tiên là một "quốc gia có chủ quyền".
"Vấn đề này cần được giải quyết trong đối thoại và Triều Tiên không nên bị dồn vào thế đường cùng”, ông chủ Điện Kremlin nói trong một bài phát biểu trước giới quan chức chính sách đối ngoại của Nga và khách mời nước ngoài tại cuộc họp của Câu lạc bộ Thảo luận Valdai ở Sochi.
Trong những tháng gần đây, Nga đang tham gia nhiều hơn vào cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Triều Tiên dưới vai trò trung gian hòa giải.
Trước đó, bà Choe Son-hui, Vụ trưởng Vụ các vấn đề Bắc Mỹ thuộc bộ Ngoại giao Triều Tiên đã có chuyến công du Nga và hội đàm với ông Oleg Burmistrov, cấp phó đàm phán của Nga về vấn đề hạt nhân tại Moscow.
Hai bên được cho là tham vấn nhau về một số vấn đề đang gây căng thẳng thời gian qua.
Cách đây vài ngày, phía Nga tiếp tục sắp xếp cho phái đoàn chính khách Triều Tiên và Hàn Quốc tổ chức đàm phán trực tiếp về chương trình hạt nhân và tên lửa ở thành phố St. Petersburg. Tuy nhiên, hai bên đã không đồng ý gặp mặt.
Thay vào đó, Chủ tịch Thượng viện Nga Valentina Matviyenko có cuộc thảo luận riêng rẽ với các đại diện Triều Tiên và Hàn Quốc bên lề.
Lấp đầy khoảng trống những điểm nóng trên thế giới
Theo NBC News, những minh chứng trên cho thấy, Moscow đang dần có vai trò quan trọng hơn ở vùng chiến lược Đông Bắc Á. Theo đó, những tranh cãi ở bán đảo Triều Tiên không còn là việc riêng giữa Mỹ và đồng minh.
Với việc Mỹ đang rút lui dần khỏi vị trí dẫn đầu đối với một số vấn đề quốc tế, các chuyên gia nhận định, đây là cơ hội để Tổng thống Vladimir Putin cho thấy sự tự tin trở lại của nước Nga.
Angela Stent, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu Á-Âu, Nga và Đông Âu tại đại học Georgetown nhấn mạnh, Nga đã nổi lên như một thế lực mạnh mẽ ở Trung Đông, đặc biệt kể từ khi tiến hành giúp đỡ chính quyền Tổng thống Assad trong cuộc xung đột ở Syria năm 2015.
Dưới thời Tổng thống Barack Obama, Mỹ từng trở lại với vai trò đầy tích cực ở Trung Đông khiến Nga gần như “không có cơ hội chen chân”.
Thế nhưng tình thế giờ đây đã thay đổi khi "Nga được đánh giá là cường quốc duy nhất trong khu vực mà được cả người Shiite, Sunni cùng với Israel kiêng nể", Stent nhận định.
Dưới sự điều hành của chính quyền Tổng thống Donald Trump, Mỹ bất ngờ xét lại các hiệp định quốc tế như thỏa thuận hạt nhân của Iran và hiệp ước chống biến đổi khí hậu Paris. Động thái gây nên sự quan ngại sâu sắc đối với các đối tác trên thế giới.
Trong khi phương Tây còn đang lao đao trước việc “đầu tàu” Mỹ rời bỏ các “toa hàng” thì nội bộ các nước châu Âu bắt đầu có những biến động không mong muốn.
Trong đó rắc rối đầu tiên bắt đầu từ việc Anh trưng cầu dân ý rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) – Brexit - khiến tổ chức này có nguy cơ bị tổn thất nặng nề.
Phong trào chính trị cánh hữu nổi lên trên khắp lục địa, đe dọa vị thế của phe chính trị truyền thống vốn cầm quyền trong nhiều thập kỷ.
Gần đây nhất, cuộc khủng hoảng hiến pháp Tây Ban Nha với việc khu tự trị Catalonia bỏ phiếu ly khai đã tiếp tục kéo châu Âu lún sâu vào những rắc rối.
Đứng trước cơ hội nói trên, Nga với một tình trạng tinh thần rất ổn định nghiễm nhiên trở thành người lấp đầy khoảng trống mà phương Tây đang lơ là ở những điểm nóng trên thế giới.
Dẫu vậy, cựu Đại sứ Nga ở Washington Sergey Kislyak cho biết, ông không tin Moscow đang tìm kiếm một vai trò lớn hơn trên trường quốc tế.
“Chúng tôi chỉ đơn thuần là chính mình", ông nói. “Là một đất nước, chúng tôi có lợi ích cần phải đem sức lực và quyết tâm ra để bảo vệ”.
Fyodor Lukyanov, Giám đốc nghiên cứu quỹ Phát triển và Hỗ trợ của Câu lạc bộ Thảo luận Valdai cho biết, lãnh đạo Nga nhìn thấy những hành động của Mỹ là “rất khó đoán”, đặc biệt giữa thời điểm mọi thứ chưa vào khuôn khổ khi Trump mới lên nắm quyền.
"Moscow tin rằng tình hình có thể vượt tầm kiểm soát dễ dàng hơn nhiều so với trước đây”, Lukyanov nói và lấy cuộc khủng hoảng Triều Tiên là một ví dụ.
Phương Tây không còn chiếm ưu thế
Chuyên gia Sergey Karaganov từ Hội đồng Đối ngoại và Chính sách Quốc phòng Nga cho biết, phương Tây không còn chiếm ưu thế về mặt quân sự khiến các nước khác hoàn toàn bị che mờ.
“Hiện tại giống như một cuộc đua mở”, ông nói thêm rằng Nga có thể sử dụng cơ hội này để đảm nhận một vai trò mạnh mẽ hơn hiện tại nhưng vẫn hạn chế ở một mức nào đó.
“Chúng tôi sẽ không cố chiếm ưu thế - ít nhất mọi người sẽ thấy một sự cân bằng và Nga sẽ chia sẻ vai trò an ninh cho toàn thế giới”, Karaganov cho biết, đồng thời nói việc Moscow lún sâu là quá mạo hiểm.
Vấn đề trong nước hiện tại cũng đặc biệt quan trọng đối với Tổng thống Putin khi có những tin đồn ông sẽ tái tranh cử, trong khi Nga vẫn đang phục hồi từ cuộc khủng hoảng kinh tế.
Ông Putin đã trải qua gần 14 năm làm Tổng thống và trở thành một phần gắn kết quan trọng với nước Nga.
Theo thăm dò dư luận, cử tri Nga đang quan tâm nhiều hơn đến phát triển nền kinh tế, giáo dục, bảo hiểm y tế, lương hưu và bảo hiểm xã hội, thay vì các mối lo khác trên thế giới.
Kết quả này đang thúc giục chính quyền Putin phải giải quyết các vấn đề nội bộ bằng việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng tốc phát triển toàn diện trong nước.