Ông Putin và ông Zelensky. Ảnh: Getty
Ngày 22/4, Nga và Ukraine đã đưa ra các điều kiện cụ thể để tiến tới đàm phán trực tiếp, làm dấy lên hy vọng về khả năng khôi phục đối thoại sau thời gian dài bế tắc. Tuy nhiên, các yêu cầu từ Moscow và Kiev vẫn cho thấy khoảng cách lớn trong lập trường chính trị và chiến lược.
Theo Reuters, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 22/4 cho biết, Ukraine sẵn sàng tham gia đàm phán với Nga "ngay sau khi một thỏa thuận ngừng bắn được thiết lập và các cuộc giao tranh chấm dứt". Ông Zelensky nhấn mạnh, Kiev có thể ngồi vào bàn đàm phán "ở bất kỳ hình thức nào" miễn là không rơi vào tình trạng bế tắc.
“Sau một lệnh ngừng bắn, chúng tôi có thể ngồi xuống đàm phán theo bất kỳ hình thức nào để tránh bế tắc", ông Zelensky nói.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Ukraine cũng cảnh báo quá trình này sẽ không nhanh chóng, khi còn nhiều vấn đề “phức tạp và nhạy cảm” cần xử lý – bao gồm an ninh quốc gia, quyền gia nhập NATO và vấn đề lãnh thổ, đặc biệt là bán đảo Crimea.
Ông khẳng định Ukraine không công nhận việc Nga sáp nhập Crimea và cho rằng bất kỳ thỏa thuận nào công nhận điều đó đều vi phạm hiến pháp Ukraine.
Đài RT ngày 22/4 đưa tin, Điện Kremlin cũng bày tỏ sẵn sàng nối lại đàm phán, nhưng với điều kiện Ukraine phải dỡ bỏ lệnh cấm đàm phán trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin – một sắc lệnh được ông Zelensky ký vào tháng 10/2022.
Phát ngôn viên Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, nhấn mạnh: “Nếu phía Ukraine thực sự muốn nối lại tiếp xúc, họ cần phải có những bước đi pháp lý để dỡ bỏ các rào cản đang tồn tại".
Tổng thống Putin được cho là đã ngỏ ý xem xét khả năng ngừng tấn công cơ sở hạ tầng dân sự, nếu Ukraine cũng có động thái tương tự. Đây là một phản hồi trực tiếp sau khi ông Zelensky hôm 20/4 đề xuất hai bên cùng ngừng các cuộc tấn công tầm xa vào mục tiêu phi quân sự.
Thái độ hoài nghi vẫn bao trùm khi cả hai bên đều cáo buộc nhau thiếu thiện chí. Tổng thống Putin cho rằng Ukraine chỉ miễn cưỡng chấp nhận lệnh ngừng bắn trong dịp lễ Phục sinh do “sức ép từ phương Tây”, và chỉ trích phản ứng của Kiev là mang tính “chiêu trò”.
Trong khi đó, ông Zelensky tuyên bố sẽ tiếp tục vận động ngoại giao quốc tế mạnh mẽ trong tuần này, bao gồm các cuộc gặp với Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa và các lãnh đạo Tây Ban Nha, Ba Lan, và Cộng hòa Séc.
Ukraine cũng dự kiến tham dự các cuộc gặp cấp cao tại London với đại diện Mỹ, Anh, Pháp và Đức để bàn về lệnh ngừng bắn một phần hoặc toàn phần.
Kể từ khi xung đột bùng nổ vào tháng 2/2022, Ukraine và Nga đã trải qua nhiều vòng đàm phán không có kết quả. Căng thẳng tiếp tục leo thang với các đợt không kích, thiệt hại và bất ổn kéo dài, đặc biệt tại các vùng Donbass, Zaporizhzhia và Kherson. Lệnh cấm đàm phán do Ukraine ban hành năm 2022 được xem là rào cản lớn nhất cho bất kỳ cơ hội đàm phán nào.
Nguyễn Thái - Reuters, RT