Ngậm ngùi cất bằng đại học đi làm... thợ xây

Ngậm ngùi cất bằng đại học đi làm... thợ xây

Thứ 4, 09/01/2013 09:16

Nhiều cử nhân trẻ mới ra trường, sau một thời gian chật vật tìm việc làm không được, đành đi làm... thợ xây để có tiền trang trải cuộc sống.

Đỗ đại học là niềm vui của nhiều bạn trẻ, nhiều gia đình, bởi nỗ lực học tập và thi đỗ vào một trường nào đấy và ra trường đồng nghĩa với việc nhiều người sẽ có một công việc tốt với thu nhập ổn định. Tuy nhiên, với tình hình khó khăn hiện nay, nhiều sinh viên mới tốt nghiệp, thậm chí đã ra trường vài ba năm vẫn chưa tìm được một công việc như ý, nhiều người đã phải vào các khu công nghiệp làm… công nhân, bán rau ngoài chợ… trong thời gian tìm việc phù hợp.

Không dám "khoe" mình... tốt nghiệp đại học

Qua ba cuộc hẹn, tôi mới tiếp xúc được Trần Ngọc Vinh (tốt nghiệp khoa Du  lịch - Khách sạn, trường đại học Thương mại Hà Nội) trong phòng trọ nhỏ ở Triều Khúc (Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội). Vinh rất e dè khi gặp "người lạ", sau mấy câu xã giao, cậu cởi mở hơn và kể cho tôi nghe tình cảnh "dở khóc, dở cười" mà cậu đang gặp phải. Tốt nghiệp đại học năm 2009, nhưng đến nay, Vinh chưa được đi làm theo đúng chuyên ngành mình học. Cậu đành cất tấm bằng cử nhân dưới đáy tủ để… đi làm thợ xây trong một công trình nhà ở phường La Khê (Hà Đông, Hà Nội).

Vinh cho biết, nhiều bạn của cậu tốt nghiệp đại học, có người được bằng giỏi, nhưng vẫn chưa tìm được việc làm như ý. Vinh cùng một người bạn tốt nghiệp khoa Kế toán (trường đại học Thương mại) đi làm trong các công trình nhà ở của tư nhân, mỗi tháng ngoài ăn uống tại công trình ra, Vinh và người bạn được "ông chủ" trả cho 3 triệu đồng, số tiền ấy cũng đủ để hai người trả tiền phòng, tiền điện nước hàng tháng.

Xã hội - Ngậm ngùi cất bằng đại học đi làm... thợ xây

Theo nhận định của nhiều người, tại phiên giao dịch việc làm ở trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội, năm 2012 có khoảng vài nghìn người tham gia, nhiều cử nhân mong muốn có được một công việc không kể là cần bằng cấp hay lao động phổ thông. Vì thế, chuyện nhiều người đã ngậm ngùi cất bằng cử nhân đi làm lao động chân tay đã trở thành chuyện… thường ngày ở huyện.

Hồng Nga, tốt nghiệp khoa Xã hội học, trường đại học Lao động Xã hội (Hà Nội) cho biết, sau hai năm ra trường, cô vẫn… trắng tay. Cầm tấm bằng loại khá về quê, cô muốn xin vào phòng Văn hóa của huyện Bình Giang (Hải Dương) nhưng rất khó, sau 5 tháng chờ việc không được, Hồng Nga lại "khăn gói quả mướp" trở lại Hà Nội để tìm đường mưu sinh.

Hồng Nga cho biết: "Được đào tạo bài bản, có bằng cử nhân đại học mà phải làm công việc của lao động phổ thông thì cũng xấu hổ. Nhưng không lẽ, mình cứ đi rải hồ sơ rồi ngồi ở nhà chờ gọi phỏng vấn và để gia đình gửi tiền nuôi?. Sau mỗi lần phỏng vấn xin việc, mình lại rơi vào khủng hoảng và mang cảm giác của kẻ thất bại, vì nhiều công ty yêu cầu rất cao, mới ra trường mà họ toàn đòi có kinh nghiệm, tiếng Anh… như gió". Nhiều  lúc, Hồng Nga bị stress, muốn về quê, làm ruộng và… lấy chồng, nhưng được bạn cùng phòng động viên, Nga cũng kiên trì bám trụ Thủ đô để chờ cơ hội xin việc. Rồi áp lực từ việc kiếm tiền để trang trải chi phí ăn uống, thuê phòng và từ gia đình khiến Nga quyết định đi làm… công nhân.

Hiện tại, Hồng Nga đang làm ở bộ phận giao hàng cho một công ty tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội), với mức lương khoảng 2,5 triệu đồng/tháng. Nếu tăng ca, mỗi tháng Hồng Nga có được 3,5 triệu đồng. Bố mẹ vẫn đinh ninh Nga làm việc ở một công ty tư nhân, chứ không biết rằng, cô đang làm công nhân ở Hà Nội. Hồng Nga cho biết thêm, chỉ những bạn bè thân mới biết cô đang làm ở khu công nghiệp, chứ không dám nói với ai. Trong những lần cả lớp tổ chức họp gặp mặt, cô cũng lấy lý do bận để từ chối tham gia. Ở công ty, Nga cũng không dám khoe mình tốt nghiệp đại học, hồ sơ xin đi làm công nhân của cô chỉ ghi: "Tốt nghiệp THPT Bình Giang, Hải Dương".

Hai bằng đại học vẫn... thất nghiệp

Ngọc Linh - tốt nghiệp trường đại học Công đoàn (Hà Nội) cũng trải qua nhiều nghề "tay chân", mặc dù sau bốn năm đèn sách, cô đã có trong tay tấm bằng ngành Bảo hộ Lao động. Ra trường từ tháng 7/2010, nhưng hàng tháng bố mẹ Ngọc Linh vẫn phải gửi cho cô khoảng ba triệu đồng để cô "cầm cự" đợi ngày xin được việc. Tháng 3/2012, Linh cùng hai người bạn mở một cửa hàng hoa trên phố Thụy Khuê. Thế nhưng, do chưa quen khách hàng và tiền thuê cửa hàng quá đắt, cửa hàng phải đóng cửa vì không thể cạnh tranh được với những shop hoa "kỳ cựu" phố này. May thay, ông anh họ thấy em vẫn thất nghiệp, liền xin cho vào một công ty in ở khu Công nghiệp Ngọc Hồi (Thanh Trì), với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Linh bảo với tôi, có khi làm đến tết là nghỉ và tích cực đi tìm việc làm thêm, chứ tốt nghiệp đại học mà đi làm công nhân thì… xấu hổ quá!.

Ông Trần Nam Ngọc - giám đốc công ty Cung ứng Lao động Blue cho biết: "Có nhiều sinh viên tốt nghiệp các trường như đại học Lao động xã hội, đại học Công đoàn, viện đại học Mở… đến đây tìm các công việc như làm osin, bán hàng, làm tạp vụ, pha café… nhưng nhiều khi chúng tôi cũng không dám nhận các bạn ấy vào làm việc, vì nếu có đi làm, cũng chỉ là "thời vụ". Nếu tìm được việc tốt hơn thì họ sẽ bỏ ngang luôn, thiệt thòi chúng tôi phải chịu!".

Ông Ngọc cho biết thêm, có những bạn có tận… hai bằng đại học nhưng vẫn ngồi chờ việc, bởi không phải công việc mình cần lúc nào cũng sẵn. Đào Ngọc Thư (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: "Cô tốt nghiệp khoa Kế Toán và Quản trị nhân lực trường đại học Công đoàn, nhưng hiện giờ vẫn đang đi bán quần áo cho bà chị họ ở chợ Ngã Tư Sở. Đi nộp hồ sơ mấy lần, cô đều nhận được cái lắc đầu. Đi bán hàng là thế, nhưng hàng ngày cô "nơm nớp" lo sợ bạn bè, người quen bắt gặp. Chính vì sự tự ti này nên có nhiều chàng trai đến tìm hiểu, cô đều từ chối. Thư cho biết, cô đang gửi đơn xin việc đến các công ty, khi nào có việc làm ổn định, cô mới tính đến chuyện… yêu đương.

Theo một chuyên viên của trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội, hiện có rất nhiều sinh viên mới ra trường thất nghiệp, nhất là sinh viên ngoại tỉnh muốn bám trụ ở Hà Nội. Nếu muốn đi làm ngay, bắt buộc họ phải làm trái nghề. Ví như học kế toán thì có thể làm thu ngân, bán hàng, làm kho, nhân viên kinh doanh hoặc làm nhân sự. Thậm chí, nếu không tìm được công việc thì trung tâm cũng tư vấn cho họ nên tìm một công việc lao động phổ thông phù hợp. Nhiều bạn không tìm được việc ở thành phố, đành chấp nhận lên vùng cao như Sơn La, Hà Giang, Yên Bái… lập nghiệp. Giải pháp này cũng là một trong những lựa chọn của nhiều sinh viên hiện nay.

Theo khảo sát mới đây của viện Khoa học Xã hội, có đến hơn 30% sinh viên cho biết đã mất việc, trên 10% sinh viên tiết lộ vẫn chưa có việc kể từ khi ra trường. Điểm yếu của những sinh viên này là họ chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa chịu được những áp lực mà nghề nghiệp mang lại, nên nhiều bạn trẻ… tự xin nghỉ việc do không đáp ứng được yêu cầu công việc. Do đó, với những người trẻ không thể tự thích nghi với môi trường công sở, ranh giới giữa có việc với thất nghiệp cũng rất… mong manh.

Ngồi trong phòng trọ rộng 18m2, Trần Ngọc Vinh cho chúng tôi biết thêm, cậu đang cố gắng tận dụng các mối quen biết của bố mẹ, họ hàng để xin đi làm trong cơ quan Nhà nước hay một công ty để chứng tỏ bản thân. Bởi, với tấm bằng đại học trên tay, nhiều bạn trẻ đã thành công trên con đường sự nghiệp. Mấy năm làm công nhân, làm thợ… coi như là một kinh nghiệm tốt để hoàn thiện bản thân trên con đường lập nghiệp.

Cần có những kỹ năng mà thị thường lao động cần

Thạc sĩ Lê Tuấn Hùng (trung tâm Hỗ trợ sinh viên và Quan hệ doanh nghiệp, số 4 Tôn Thất Tùng, Hà Nội) cho biết: "Tình trạng sinh viên ra trường không tìm được việc làm đang rất phổ biến, nhất là trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay. Nhiều cơ sở đào tạo đang rất thiếu và yếu về định hướng cho sinh viên biết nên tập trung học những gì để sau khi tốt nghiệp được doanh nghiệp săn đón. Thay vì cố học để đạt điểm cao, sinh viên cần cố gắng để có kỹ năng làm việc mà thị trường lao động cần. Việc quan trọng hơn hết là phải có chương trình đào tạo ngành rộng chứ không hẹp và cứng nhắc như hiện nay. Ở nước ngoài, khi thị trường việc làm có biến động, sinh viên có thể được chọn lựa học nhiều môn học khác. Làm sao để khi ra trường, sinh viên không xin việc được trong ngành chuyên môn chính thì có thể xin việc qua chuyên môn thứ 2, thứ 3…".

Lạc Thành

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.