Chưa bao giờ đồng vốn của người dân lại được chăm sóc cẩn thận như hiện nay. Nhiều chuyên gia tài chính cho rằng lãi suất bị đẩy lên cao với một biên độ lớn như hiện nay thể hiện cuộc đua không lành mạnh giữa các ngân hàng.
Cuộc đua không lành mạnh
Theo TS Đặng Đức Sơn - Phó Chủ nhiệm khoa Tài chính Ngân hàng - ĐH Quốc gia HN: "Một điều chắc chắn là đã tồn tại từ rất lâu cuộc đua giữa các ngân hàng trong vấn đề huy động vốn. Trong khi các ngân hàng lớn chủ động được nguồn vốn khá tương đối và được tạo lập sẵn thì các ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ chủ yếu huy động vốn từ tiền gửi. Do vậy, chắc chắn việc huy động vốn là vấn đề rất nóng bỏng".
Ông Sơn khẳng định, thực chất, đây cũng là một biện pháp đối phó của các ngân hàng khi có quy định lãi suất trần là 14%/năm. Trong bối cảnh lãi suất không kỳ hạn tương đối thấp thì một trong những biện pháp để nâng tỷ trọng nguồn huy động ngắn hạn chính là việc tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn. Đây chẳng qua là sự thay đổi giữa các hình thức huy động vốn. Mặc dù tính ngắn hạn và không chủ động được thời điểm khách hàng rút tiền mang lại mức độ rủi ro nhất định đối với các ngân hàng nhưng ngân hàng đành phải chấp nhận tăng lãi suất ngắn hạn để có đủ nguồn vốn theo yêu cầu, đáp ứng hoạt động thanh khoản.
Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết: "Vốn huy động không kỳ hạn là một nguồn huy động không an toàn, tỷ lệ rủi ro cao, nếu huy động 10 đồng thì chỉ cho vay được 2 - 3 đồng. Trong khi đó, với huy động có kỳ hạn, nếu huy động 10 đồng thì có thể cho vay được từ 7 - 8 đồng. Khi cho vay quá nhiều từ nguồn huy động không kỳ hạn sẽ dễ "vỡ trận" vì khách hàng có thể rút bất cứ lúc nào và ngân hàng sẽ gặp khó khăn trong thanh khoản".
Áp lực lên lãi suất cho vay
Theo ông Sơn, hiện Ngân hàng Nhà nước có một quy định tương đối chặt chẽ là thanh tra, kiểm tra nghiêm ngặt hoạt động của các ngân hàng thương mại. Gần đây, một loạt các ngân hàng đã bị Ngân hàng Nhà nước và Thanh tra Chính phủ kiểm tra đảm bảo độ an toàn trong việc sử dụng các đồng vốn. Tuy nhiên việc nâng lãi suất huy động không kỳ hạn như hiện nay sẽ ảnh hưởng đến chi phí và khả năng huy động vốn của các ngân hàng.
"Mục đích giảm lãi suất cho vay về lâu dài thì sẽ đạt được khi những giải pháp được áp dụng một cách đồng bộ. Nhưng hiện nay khi lạm phát đang tăng, hầu hết các yếu tố của nền kinh tế đều đang lạm phát nên không ai có thể giảm lãi suất xuống được, kể cả tiền vay và tiền gửi. Có dự báo rằng lạm phát sẽ cao (lạm phát kỳ vọng) và người dân đang chờ một mức lạm phát cao hơn nữa để có mức lãi suất tiền gửi cao. Đây là một cuộc đua rất không hay vì những tác động tích cực thì ít mà tiêu cực thì nhiều", ông Kiêm nhận định.
Thực tế lãi suất cho vay hiện nay đang ở mức quá cao so với thế giới cũng như so với trình độ kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước. Nếu lãi suất cho vay tăng lên nữa sẽ là "đòn chí mạng" đối với các doanh nghiệp. Thêm nữa, trong tình hình hiện nay, nếu lãi suất bị đẩy lên cao thì có nghĩa lạm phát cũng sẽ tăng và lạm phát sẽ bị kích do yếu tố tâm lý chứ không phải do yếu tố cung - cầu cụ thể.
Ông Kiêm đề xuất: "Ngân hàng Nhà nước cần phải có hướng dẫn chỉ đạo chứ không thể để mạnh ai nấy làm. Nguyên tắc của thị trường tài chính là lãi suất không kỳ hạn phải thấp hơn có kỳ hạn, ngắn hạn phải thấp hơn dài hạn, nhưng một số ngân hàng thiếu khả năng thanh toán ra thị trường đã làm đảo lộn hết cả những quy luật này và làm méo mó các chính sách".
Hiện nay các ngân hàng huy động tiền gửi hầu hết từ 12 - 14%/năm, thậm chí còn giao dịch ngầm ở những mức lãi suất cao hơn đồng nghĩa với việc phải cho vay đến 20%/năm và có thể cao hơn. Bình quân các doanh nghiệp kinh doanh tốt cũng chỉ lãi được 20 - 25%, trong khi đó phải trả lãi suất cũng tương đương thì làm sao doanh nghiệp có lợi nhuận? Nhiều chuyên gia nhận định vấn đề này đang thực sự trở nên nghiêm trọng, nền kinh tế bị đe dọa với nguy cơ rủi ro cao, phát triển không có tính bền vững.
Lại Quỳnh