Ở chuyện nghề số 14 chúng tôi đã phản ánh đến độc giả báo Người Đưa Tin bài viết: Nghẹn lòng với câu chuyện "làm đẹp cho giày". Trong chuyện nghề số 15 mời độc giả đọc tiếp bài viết: "Cạm bẫy" rình rập những người thợ đánh giày, để hiểu hơn về những khó khăn, thách thức mà những người làm nghề đánh giày phải trải qua. |
Nhiều người cho rằng, nghề đánh giày nhàn nhã, không phải đầu tư nhiều, chỉ cần có hộp đồ nghề, chịu khó lượn lờ vài ba tuyến phố là có thể kiếm được khách. Tuy nhiên, chỉ ai theo nghề mới hiểu được những nỗi nhọc nhằn mà những người đánh giày phải đối mặt.
Trò chuyện với PV, ông Hưng (Nam Định) người có hơn 5 năm đánh giày cho hay, những ngày đầu mới vào nghề, ông đi khắp các con đường để tìm kiếm khách nhưng bị xua đuổi vì lý do "ma cũ bắt nạt ma mới". Nếu chẳng may đi lạc vào địa phận làm ăn của người khác, ông có thể bị mắng, chửi, thậm chí là bị đánh, lấy hết đồ nghề.
Do đó, ông Hưng rất cẩn thận trong quá trình làm việc, ông tự mình tìm đến những tuyến phố ít ai đến. Khổ nỗi, phố vắng, cũng ít khách, do đó, phải mất một thời gian dài, ông mới quen với công việc.
Hỏi về những khó khăn trong nghề ông Hưng chia sẻ: "Những ngày đầu mới đi làm, thấy mình đi lang thang, nhiều người rủ mình làm nghề nọ, nghề kia được nhiều tiền hơn, nhưng tôi đều từ chối. Tôi nghĩ rằng, chẳng có nghề nào là dễ kiếm tiền, chưa kể, tôi và họ có quen biết gì nhau. Ở đời, chẳng ai cho không ai cái gì cả".
Có thể nói, người làm nghề đánh giày dạo còn gặp rất nhiều tình huống bi hài, cám dỗ, nhưng chính họ tự nhắc mình, phải làm chủ được bản thân. Như câu chuyện của chị Thu Hiền (Nam Định), làm nghề đánh giày được gần 3 năm là một minh chứng điển hình.
Chị Hiền cho biết: “Tôi đi lên đây làm nghề đánh giày dạo, ngoại hình của tôi cũng khá ưa nhìn, không ít lần tôi bị các bác chủ quán massage chào mời, rủ tôi bỏ nghề đánh giày, theo họ và tôi sẽ được trả lương hậu hĩnh, tuy nhiên, tôi đều từ chối. Tôi nói thẳng quan điểm, tôi thích làm nghề đánh giày hơn".
Có lần, chị Hiền còn bị khách nam gạ gẫm, bảo theo anh ta vào nhà nghỉ sẽ được cho tiền nhiều gấp 5 lần đánh giày. Tuy nhiên, chị Hiền từ chối, đáp lại thái độ của chị, vị khách còn nhắn nhủ: "Số điện thoại của anh đây, khi nào em thay đổi ý định, hãy gọi cho anh nhé". Chị Hiền sợ quá, từ hôm đó, không dám đi qua tuyến phố ấy nữa.
Không chỉ bị “dụ dỗ” mà chị Hiền còn chịu oan ức khi được gọi vào nhà “mông má” hàng chục đôi giày cho khách. Vốn là người cẩn thận, chị phân loại từng chất liệu của giày vì sợ đánh hỏng sẽ bị chủ bắt đền.
Tỉ mỉ cọ rửa, lau chùi, phủ xi, không ngờ khi về vị khách đó vẫn không ưng ý bắt chị làm lại nhiều lần. Đã vậy vị khách ấy còn nói bóng gió đã bị mất một đôi giày đắt tiền, và cho rằng trong lúc họ đi vắng đã giấu đi.
"Tôi có thanh minh như thế nào họ cũng không tin. Phải đến khi vị khách đó mở camera ra xem mới chứng minh được suốt 3 tiếng vừa qua, tôi chỉ ngồi cặm cụi đánh giày cho họ chứ không hề rời khỏi chỗ", chị Hiền kể.
Chị Hiền còn kể, một lần chị đi đánh giày vào ban đêm chị thấy có một người gọi chị, những tưởng lại thêm được một vị khách nữa, nhưng không ngờ lại là một tên nghiện.
Hắn lại gần nắm chặt tay chị để xin tiền, hoảng hốt, định tháo chạy nhưng không kịp. Chị nhất quyết không đưa tiền và nói với hắn hôm nay mưa gió không có khách đánh giày, hắn nhất định không tin, cầm kim tiêm dọa, vậy là chị đành đưa cả túi tiền kiếm được cả ngày cho hắn. Không những thế, hắn còn lấy luôn cả hộp xi đánh giày và mấy miếng lót giày của chị.
Dù biết vất vả, khó khăn, nhưng những người thợ đánh giày vẫn phải kiên trì theo nghề, bởi không làm, đồng nghĩa với việc không có tiền.
Trò chuyện với PV, ông Nguyễn Trọng Ti (65 tuổi) cho hay: "Làm nghề đánh giày cũng cực lắm, biết là vất vả, khó khăn, nhưng không làm lấy tiền đâu mà trang trải cuộc sống thường ngày. Trung bình, mỗi đôi giày chỉ được 10 nghìn đồng, cả ngày có khi cũng chỉ kiếm được 50 nghìn đồng. Nói chung góp lại, cũng có chút tiền gửi về quê để nuôi vợ con".
Trong sự nghiệp làm nghề của mình, ông Ti cho hay một ngày đánh giày kỷ lục nhất của ông là được 70 đôi. Nhưng để đánh được 70 đôi giày đâu đơn giản, đánh xong ông mỏi nhừ tay, xà phong ăn hết da tay, không những thế xi đánh giày bám vào rất khó có thể tẩy, rửa sạch được.
Ông Ti nói thêm: “Bây giờ người đi đánh giày dạo cũng dày đặc, nên một ngày kiếm được 100 -200 nghìn đã là may lắm rồi".
Có thời gian ông Ti mất 7 ngày ở Hà Nội không làm được gì, vì trời mưa. Mưa không có khách mà tiền ăn, tiền nhà vẫn phải thanh toán đều. Hàng ngày, ông lang thang qua các khu phố, rong ruổi mãi tới khi mỏi chân, buồn ngủ thì nằm tạm ở vỉa hè. Tối về ngủ ở ngoài đường hoặc về căn phòng trọ chung với 20 người nữa.
Nhiều tháng, còn chẳng dám ở trọ vì tốn kém quá. Nhưng làm lâu ông lại “yêu” cái nghề này, thấy khách gật gù khen ông “trang điểm” khéo tay ông thấy hạnh phúc. Ông Ti bảo với chúng tôi, bất kể là nghề gì cũng cần phải phải có cái tâm. Mình làm đúng, đủ và coi giày của khách như của mình thì mới giữ nghề lâu được và khách nhớ đến.
Quả thực, có quan sát và đi theo những người thợ đánh giày một ngày chúng tôi mới hiểu, họ là người rất tỉ mỉ, kiên trì. Những đôi giày được đánh đi đánh lại, đợi khách gật đầu, xỏ giày vào chân họ mới đi tìm khách mới.
Chuyện nghề 12: Buôn đồng nát 'nuôi' giấc mơ đại học cho con
Chuyện nghề 13: Ấm áp tình người sau những chuyến xe đồng nát
Mai Thu - Thanh Lam