Nghề đạo diễn và những căn bệnh nhức nhối

Nghề đạo diễn và những căn bệnh nhức nhối

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:03
0
Các hãng phim tư nhân ồ ạt sản xuất phim cũng như dàn dựng những video clip ca nhạc đã phần nào giải quyết công ăn việc làm cho đạo diễn. Tuy nhiên, bên cạnh những cống hiến thì nhiều vấn nạn đang có nguy cơ nở rộ.

"Đạo phim" - căn bệnh "biết rồi - khổ lắm - nói mãi"

Không còn âm ỉ trong dư luận nữa mà "nghi án" đạo phim thực sự bùng nổ trước sự kiện bộ phim Giao lộ định mệnh của Victor Vũ được cho là sản phẩm nhái của Shattered - phim hành động của Mỹ. Chàng đạo diễn Việt kiều sau một hồi cố gắng chứng minh cho sự trong sạch của mình bằng cách kể lể chi tiết về quá trình... "thai nghén" kịch bản phim thì rồi vẫn phải thừa nhận: "Có những điểm giống nhau đến anh cũng phải... run người". Chưa hết, Cô dâu đại chiến của đạo diễn này cũng tiếp tục dính "nghi án" đạo phim của đạo diễn Phi Tiến Sơn, tác giả kịch bản Nguyễn Quỳnh Trang một lần nữa lại khiến khán giả hồ nghi về cái gọi là "tài năng thực" của anh.

Không chỉ ở lĩnh vực phim ảnh, hiện nay việc các ca sỹ đua nhau đánh bóng album mới của mình bằng những video clip độc đáo, ấn tượng không phải là chuyện mới. Tuy nhiên, đôi khi những thước quay của ca sỹ lẫn ê kíp lai là sản phẩm của sự "bắt chước". Mới đây clip Đừng vội vàng của Hoàng Thùy Linh được cho là rất giống với clip What the hell của rock-chic Avril Lavigne làm không ít khán giả hồ nghi về vai trò của đạo diễn. Để chứng minh điều này nịckname luvy bức xúc trên diễn đàn nhachothot.vn: "Vừa đi vừa hát rồi vào shop thay đồ... thì y chang Avril rồi, còn nhân vật nam chính lại có tạo hình giống nhau đến cả cái áo sơ mi kẻ caro xanh".

"Quyền phán xét thuộc về khán giả" - bệnh vô trách nhiệm

Quay lại với hàng loạt nghi án đạo phim của Victor Vũ, để có câu trả lời dứt khoát "có" hoặc "không" từ vị đạo diễn trẻ này xem như là điều không thể. Công chúng thực sự thất vọng khi "cha đẻ" của nó đã khéo "vẽ việc" cho khán giả khi nói: "Bây giờ, sự phán xét và quyết định là của khán giả, không phải nằm trong tay tôi nữa".

Đem chuyện đi hỏi đạo diễn có tiếng Phi Tiến Sơn, tạm gọi là "nạn nhân" của nghi án đạo phim, thì một lần nữa khán giả lại được khoác áo người cầm cân nảy mực một cách bất dắc dĩ "để khán giả xem phim và tự rút ra kết luận cho riêng mình" mặc dù trước đó ông bày tỏ sự bất ngờ khi thừa nhận có những tình huống, cách nhìn và tạo hình nhân vật trong Cô dâu đại chiến của Victor Vũ khá giống với phim của ông.

Khi được trao quyền hẳn khán giả không lấy gì làm thích thú, thậm chí còn cảm thấy bị xúc phạm bởi lẽ không ai muốn những bộ phim đươc xem lại là sản phẩm của sự cóp nhặt sao chép lộ liễu, nói cách khác khán giả không thể ăn cơm trộn... đá tảng, mà vẫn phải công nhận gạo nấu nên cơm thuộc hàng "Việt Nam chất lượng cao". Điều này không chỉ thể hiện sự vô trách nhiệm của người trong cuộc mà còn thấp thoáng bóng dáng một thứ bệnh cao ngạo, coi thường khán giả của một bộ phận những người Việt trẻ sớm thành danh trên con đường nghệ thuật.

"Lớp trẻ" thì thế còn "lớp già" lại chọn cách nói lấp lửng, đúng sai gì cũng phó mặc cho khán giả. Vẫn biết nghệ thuật giải trí luôn ẩn chứa nhiều sự phức tạp nhưng với cách thể hiện quan điểm theo chủ nghĩa "ngại đụng chạm", tự đặt mình sang bên lề dòng chảy mặc những người trẻ đang vấp ngã thì có nên không?

Bệnh "vô ý thức" - một thảm họa mới

Cách đây không lâu ca sỹ Thủy Tiên uốn éo ở phòng trưng bày các bức tượng - chiến tích chiến tranh của Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh trong clip Em đã quên khiến dư luận xôn xao. Cách tạo dựng hình ảnh giữa một bên là những bức tượng nghiêm trang thể hiện tình quân dân thắm thiết với một bên là ca sỹ với trang phục và vũ đạo bốc lửa khiến người xem không khỏi băn khoăn về tầm nhận thức của người thực hiện lẽ nào lại yếu kém đến mức không phân biệt nổi "giá trị mang tính truyền thống" và "giá trị mang tính giải trí nhất thời"?

Trước sự việc trên, ca sỹ ánh Tuyết thẳng thắn bày tỏ quan điểm: "Ngay cả hát ca khúc ngợi ca về người mẹ, người chiến sĩ thì ca sĩ cũng nên xem giai điệu, ca từ, nội dung như thế nào và chuyện ca sĩ ăn mặc, nhảy nhót ra sao tùy thuộc vào suy nghĩ, hiểu biết của từng ca sĩ. Còn đây là ca khúc nhạc trẻ do chính cô sáng tác được quay video clip thì phải xem lại vấn đề đạo diễn. Tôi không trách gì về cô đó mà tôi trách đạo diễn. Đạo diễn là người chọn cảnh mà. Đạo diễn toàn quyền quyết định thì phải có suy nghĩ của mình chứ sao lại chọn cảnh như vậy được. Khi một cái clip bị cho là phản cảm thì lỗi ở người đạo diễn là trước tiên...".

Những tưởng sự cố của Thủy Tiên là bài học để các ca sỹ trẻ nung nấu ý tưởng xây dựng nên những clip độc, thậm chí siêu độc, rút kinh nghiệm nhưng vừa mới đây cô nàng được mệnh danh là "Vàng Anh gãy cánh" Hoàng Thùy Linh lại tiếp tục gây sốc khi hăm hở tung ra clip Đừng vội vàng với nhưng bước chân "hồn nhiên" trên đường ray xe lửa, hay xông ra giữa đường phố đông như mắc cửi để "tìm người yêu". Video clip khiến cộng đồng mạng vô cùng bất bình bởi sự vi phạm giao thông một cách nghiêm trọng và Hoàng Thùy Linh bị dư luận trì trích gay gắt là vô ý thức trong clip này.

Không phủ nhận việc những video clip hay, có ý nghĩa... là một sự trợ giúp khá hoàn hảo cho mỗi bài hát nhưng việc các ca sỹ trẻ đua nhau chạy theo những cái gọi là ấn tượng, táo bạo... chẳng khác nào con dao hai lưỡi sẵn sàng quay lại phản chủ.

Mốt quay clip nhạc Việt hiện nay lại "sốt" bởi liên tục được cài cắm những cảnh nóng (Giấc mơ của Triệu Hoàng và Midu, Còn mãi đam mê với sự diễn xuất của vợ chồng Duy Mạnh...); trang phục khêu gợi, lả lơi (Chỉ yêu mình anh của Ngân Khánh, Bình minh xua tan bóng đêm của Minh Hằng...); hay sự nghèo nàn trong ý tưởng của đạo diễn như việc thể hiện các cung bậc của tình yêu thì chẳng có sự tạo hình nào mới mẻ hơn bộ dạng mặc độc một cái áo sơ mi buông chùng để lộ chân thon hết lượn lờ từ phòng ngủ ra phòng khách rồi ôm gối lăn lộn trên giường...

Cùng với "trào lưu" quay clip sexy thì sự "vô ý thức " thể hiện trong việc mượn những bối cảnh quay độc đáo, khác người... nhằm gây sự chú ý của khán giả đồng thời góp phần che đậy phần nào sự non nớt, mờ nhạt của âm giọng thực sự đang góp thêm một bệnh mới cho "thảm họa" nhạc Việt hiện nay.

Đạo diễn Đinh Đức Liêm đã từng nhận định: "Sự thành công hay thất bại của một bộ phim khẳng định vẫn là năng lực của đạo diễn", tuy nhiên giữa thời nghệ thuật đang bị thương mại hóa thành một công cụ để đẩy mạnh tên tuổi cho những người trong giới showbiz cần lắm những đạo diễn thực sự có tâm với nghiệp mà mình đã chọn.

Linh Nhi