Đón Tết trong hầm địa đạo
Người con gái năm xưa, chính là bà Võ Thị Mô (thường gọi Bảy Mô, SN 1946, ngụ ấp Phú Lợi, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, TP.HCM) Đội trưởng đội Du kích Củ Chi.
Chúng tôi tìm gặp bà vào một ngày cuối năm để nghe bà kể chuyện đón Tết trong hầm địa đạo. Bà vừa mới phẫu thuật cắt bỏ hai khối u nên sức khỏe khá yếu.
Bà kể: “Ngày đó, làm gì có chuyện đón Tết vui vẻ như bây giờ. Tôi và các chiến sĩ du kích đều đón Tết trong địa đạo, phải luôn trong tâm thế sẵn sàng chiến đấu. Quân địch không bao giờ cho mình nghỉ ngơi ăn Tết. Vì thế, có khi Tết trôi qua lúc nào chúng tôi cũng không biết.
Chỉ đến khi một vài anh chị em được người nhà ngoài chiến khu gửi vào cho đòn bánh tét, cặp bánh chưng mới biết là Tết đến. Những lúc như vậy, vui không tả nổi. Chúng tôi chia nhau từng mẩu bánh, đọc từng mẩu tin của người nhà gửi vào. Dù không phải thư của mình nhưng qua thư, chúng tôi vẫn có thể tưởng tượng ra khung cảnh ăn Tết ở ngoài”.
Tuy nhiên, theo bà, điều khổ nhất trong dịp Tết là đào hầm đứng để theo dõi địch. Bà nói: “Để theo sát quân địch, các du kích Củ Chi không chỉ đào hầm, địa đạo trong chiến khu mà còn phải mở rộng ra các xã vùng ngoài. Tuy nhiên, đất vùng ngoài khá trũng, lại là đất bùn nên không thể đào địa đạo được.
Vì thế, chúng tôi chỉ đào hầm đứng để theo dõi địch. Những hầm đứng này đào ở cánh đồng, lại là vùng trũng nên mỗi lần đứng, nước ngập lên tận cổ. Mà đứng chỉ một tư thế đội nắp hầm để nước không bị trào ra, không được để nắp hầm nhúc nhích nếu không sẽ bị quân địch phát hiện. Mỗi đợt như vậy, chúng tôi phải đứng hàng tháng trời. Trong đợt đó, rất nhiều anh chị em du kích đã hy sinh, nói gì đến ăn Tết”.
Dù phải sống cả năm dưới hầm địa đạo, ngâm thân trong bùn hàng tháng nhưng chị em du kích Củ Chi vẫn được khen ngợi không chỉ dũng cảm, kiên trung mà còn vô cùng xinh đẹp. Để rồi, các họa sĩ chiến trường khi gặp Bảy Mô đã phải thốt lên: “Sao trong khói lửa chiến tranh, lăn lộn trong chiến hào, địa đạo lại có người con gái trắng như bông bưởi, đẹp như hoa mai,... Cô ấy thật quá anh dũng, quá xinh đẹp. Thật đáng khâm phục”.
Tha chết cho 4 lính Mỹ vì thấy… thương
Năm 1965, Bảy Mô trở thành Chỉ huy của Trung đội nữ Du kích Củ Chi. Đến đầu năm 1966, quân Mỹ mở cuộc hành quân đại quy mô đánh vào Củ Chi. Bảy Mô được giao nhiệm vụ chỉ huy đội nữ Du kích giữ trận địa Nhuận Đức. Lúc này, bà đang nấp trong ụ để phục kích tiêu diệt địch thì bất ngờ trước mũi súng của bà lần lượt xuất hiện 4 lính Mỹ bò ra từ bụi rậm.
Bà kể: “Họ trải một tấm vải dù ngay vị trí tôi gài quả mìn. Sau đó, họ ngồi chụm lại với nhau, khui đồ hộp đặt giữa tấm vải rồi lấy thư và bức hình mẹ bồng con ra xem. Sau đó, 4 lính Mỹ đốt thư và bức ảnh rồi ôm nhau khóc”. Thấy cảnh đó, tự nhiên lòng tôi thương cảm. Tôi nghĩ, chắc chắn đó là thư và hình vợ con của những người lính Mỹ vừa chết trận. Vì vậy, tôi đã không bắn phát súng nào”. Sau vụ việc, Bảy Mô bị Bí thư Chi bộ khiển trách. Nhưng khi nghe bà kể sự tình, vị Bí thư hiểu ra nên im lặng không nói gì.
Về sau, sự việc trên tiếp tục được cán bộ du kích tên T. khơi gợi lại khi người này đầu hàng địch. Bà kể: “Để lấy lòng địch, T. đã khai báo cách bố trí lực lượng chiến đấu của ta. Ngoài ra, ông này còn kể lại việc tôi tha mạng cho 4 lính Mỹ. Sau đó, 1 trong 4 lính Mỹ này đã tìm đến T. để hỏi chi tiết. Người lính Mỹ năm đó chính là Trung úy John Penycate”. Nghe câu chuyện, John Penycate đã ghi tạc trong lòng ân nghĩa của nữ du kích Bảy Mô phía bên kia chiến tuyến.
Năm 1970, Bảy Mô rút về làm Phó Huyện đội trưởng Củ Chi. Sau đó, bà Nguyễn Thị Định đã đưa bà đi học trường Sỹ quan Lục quân 2. Học xong, Bảy Mô được giữ lại làm cán bộ giảng dạy tại trường. Kết thúc chiến tranh, Bảy Mô vẫn tiếp tục giảng dạy tại trường Sỹ quan Lục quân 2. Đến 1978, do ảnh hưởng của chiến tranh, sức khỏe suy giảm, bà đành phải ra quân với hàm Trung úy.
Ân nghĩa hơn 20 năm gặp lại
Về phần John Penycate, ông chán ghét chiến tranh nên quay trở về Mỹ đi học rồi trở thành nhà văn, nhà báo. Sau đó, bằng ngòi bút của mình, ông tích cực tham gia phản đối chiến tranh và dò hỏi, tìm bà Bảy Mô – ân nhân của mình.
Đầu 1989, John Penycate kết hợp với đạo diễn Tom Mangold cho xuất bản cuốn sách The tunnel of Cu Chi (tạm dịch Địa đạo Củ Chi, nhà xuất bản Berkly New York). Tác phẩm ca ngợi cuộc chiến đấu chính nghĩa, nhân văn của nhân dân Việt Nam qua hình tượng người du kích Củ Chi. Cuốn sách dành hẳn một chương ca ngợi nữ du kích Bảy Mô, tha chết cho 4 lính Mỹ. Sách bán chạy ở Anh, Mỹ, Pháp và được tái bản nhiều lần.
Giữa 1989, John Penycate và đạo diễn Tom Mangold trở lại Củ Chi, quyết tìm bằng được Bảy Mô để nói lời cảm ơn. Tuy nhiên, lúc này, cuộc sống vô cùng khó khăn nên bà trôi dạt lên tỉnh Tây Ninh bươn chải đủ thứ nghề. Cuối cùng, sau một tháng tìm kiếm, một đồng đội cũ đã gặp bà chạy xe ôm ở Tây Ninh nên thông tin cho John. Và John tìm lên tận Tây Ninh gặp ân nhân của mình.
Khi gặp được bà, John và đạo diễn Tom Mangold đã tổ chức một cuộc đón tiếp long trọng tại một khách sạn ở Tây Ninh để tặng sách. Khi đến nơi, thấy tấm thảm đỏ, Bảy Mô rụt rè bỏ dép bên ngoài. Tuy nhiên, John đã vội cầm đôi dép nhựa đưa vào bên trong rồi quỳ xuống mang vào chân cho bà.
John nói: “Ở đây, bà là người quan trọng nhất. Bà không cần phải bỏ dép ra”. Sau khi kết thúc buổi nói chuyện thân mật, thấy cuộc sống của Bảy Mô quá khó khăn, không có nhà để ở, John hỏi: “Bây giờ, bà mong muốn gì? Bà có muốn tôi giúp bà một số tiền để xây nhà không? Điều bà muốn, tôi chắc chắn sẽ làm được”.
“Thực sự, lúc đó, cuộc sống của tôi quá khó khăn, tôi rất cần một ngôi nhà để ở. Tuy nhiên, nếu nói tôi cần nhà, cần tiền trang trải cuộc sống, họ sẽ nhìn nhận, đánh giá như thế nào? Cuối cùng, sau ít phút, tôi trả lời: “Tôi muốn đất nước tôi mãi mãi hòa bình, không có chiến tranh, không ai đến xâm lược. Nếu các ông đến xâm lược đất nước tôi lần nữa, tôi vẫn sẽ cầm súng để tiếp tục đánh trả””, bà Mô kể lại. Những năm tháng sau đó, mỗi khi có dịp đến Việt Nam, John đều tranh thủ về Củ Chi để thăm lại bà.
Con tem bưu chính Võ Thị Mô
Với tài chỉ huy và đánh du kích của Bảy Mô, tiếng tăm bà vang khắp chiến khu. Đoàn phim Giải phóng về trận địa quay cảnh Bảy Mô chiến đấu và dựng thành phim “Nữ du kích Củ Chi”. Hình ảnh Bảy Mô trở thành biểu tượng cô du kích xinh đẹp ôm súng chiến đấu ngoan cường ở khắp chiến trường miền Nam. Họa sĩ Huỳnh Phương Đông và Lê Văn Chương xem phim tài liệu về Bảy Mô đã xúc động muốn gặp bà để vẽ bức họa du kích Võ Thị Mô.
Những bức họa này được nhà xuất bản Giải Phóng đưa vào tập sách ký họa “Miền Nam Việt Nam - Đất nước con người”. Bản thảo được gửi sang Liên Xô in ấn hàng triệu bản và phát hành khắp thế giới, kể cả Mỹ. Riêng bức ký họa của họa sĩ Lê Văn Chương được Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam in vào con tem bưu chính, ghi rõ tên, đơn vị. Sau này, Bảy Mô cũng được chọn làm hình mẫu nhân vật trong tác phẩm Sen hồng trong bão táp của nhà văn Trầm Hương và Huyền Thoại trong lòng đất của nhà văn Mã Thiện Đồng. Các tác phẩm đều được chọn để dựng thành phim.
Dương Hạnh