Theo thời gian, Katana lùi dần vào quá khứ. Thế nhưng, cho đến ngày nay, dẫu đã qua thời hoàng kim, Katana vẫn là một phần của văn hóa Nhật Bản, vẫn là loại vũ khí được ưa chuộng nhất. Loại vũ khí mang trong mình tinh thần người Nhật đã vượt qua biên giới đảo quốc này, vươn ra thế giới như một thú chơi tao nhã, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó, giới trẻ đang biến thú chơi kiếm Nhật trở thành một thú chơi nguy hiểm khi nó được rao bán một cách tràn lan.
Katana đỉnh cao của nghệ thuật rèn đúc vũ khí
Bí ẩn nghệ thuật chế tác Katana
Cách đây hàng ngàn năm, Katana là biểu tượng của đẳng cấp võ sĩ Nhật. Theo đó, chỉ có những Samurai mới được niềm vinh hạnh lớn lao đeo thanh Katana bên mình. Đó là biểu tượng của tinh thần võ sĩ đạo, tinh thần có riêng của đất nước mặt trời mọc. Và để xứng danh biểu tượng trên, Katana phải được tôi luyện, chế tác với một nghệ thuật đặc biệt, bí mật. Theo đó, các bộ phận của Katana như: Lưỡi kiếm, cán kiếm, vành chắn và vỏ kiếm cũng phải được chế tác riêng biệt với những phương pháp bí truyền.
Điều đáng bất ngờ hơn cả là lưỡi kiếm không như người ta vẫn tưởng là được rèn từ một khối sắt đặc mà từ sắt non và thép già, mỗi loại có hàm lượng carbon khác nhau. Lõi của thanh kiếm được rèn bằng cách pha trộn giữa sắt thô với thép lá. Sau đó mới là vỏ bao bên ngoài cái lõi đó cũng bằng kỹ thuật trên nhưng dùng sắt non và thép lá.
Theo những người này, ngoài việc kiếm Nhật có vẻ đẹp thanh thoát gợi sự mạnh mẽ cho người sở hữu, nó còn là biểu tượng của nền văn hóa Nhật trong một thời gian dài. Hơn thế, Katana cũng là biểu tượng của tinh thần Võ sĩ đạo, một tinh thần lấy "Nhân, nghĩa, lễ, dũng, tín" làm lẽ sống, lấy tinh thần khắc kỷ và chân thật, trung thành làm lý tưởng. |
Vỏ bao có thể dát ra rồi gập lại 15 lần nhưng nếu nhiều hơn nữa có thể làm thép trở nên dòn và không đều. Lưỡi kiếm sau đó được chêm vào giữa những lớp vỏ bao, rèn cho thật liền, thật khít. Lớp vỏ mềm giúp cho cái lõi cứng ở bên trong, khiến cho lưỡi kiếm chịu được va chạm mạnh, dẻo dai hơn kiếm đúc theo kiểu Âu Tây.
Theo tiết lộ của ông Matsuba, một chuyên gia rèn Katana theo những phương pháp bí truyền được đánh giá vào hàng nghệ nhân thì, điều tối quan trọng khi chế tác Katana là phải rèn trong không gian hoàn toàn tối. Nguyên nhân của điều kiện này không được nghệ nhân này bật mí nhưng ông cũng đưa ra những tiêu chí đánh giá về một thanh Katana "đúng chất lượng". Theo đó, ba yếu tố để đánh giá tiêu chuẩn chất lượng, đẳng cấp của Katana là hình dáng, cấu trúc bề mặt của lưỡi kiếm và hamon, đường chia cắt giữa lưỡi kiếm và sống kiếm. Quan trọng nhất trong những tiêu chuẩn trên là hamon.
Tiết lộ với Ban tổ chức chương trình Fight Science của Hãng tin National Graphics về kỹ thuật trên, nghệ nhân Matsuba cho biết: Người thợ phải ép hình dáng của hamon ở phần lưỡi kiếm vào lớp đất sét còn ướt. Khi lớp đất sét khô, lưỡi kiếm được đốt nóng trong phòng rèn không có ánh sáng. Người thợ phải quan sát màu sắc của ngọn lửa để nhận biết nhiệt độ cần thiết.
Giai đoạn này được xem là khoảnh khắc khó khăn nhất và giữ vai trò quyết định trong toàn bộ quá trình rèn. Sau khi người nghệ nhân chắc chắn rằng đã đạt đến nhiệt độ cần thiết, lưỡi kiếm sẽ nhanh chóng được nhúng vào bể nước. Khi đó, phần vỏ đất sét mỏng ở lưỡi kiếm nguội đi nhanh hơn, tôi lưỡi kiếm tối ưu. Đất sét ở phần còn lại dày hơn, vì thế mà thép ở đó nguội đi chậm hơn, vẫn còn mềm dẻo hơn.
Sau công đoạn rèn, nghệ nhân tiến hành thao tác làm đẹp thanh kiếm. Theo đó, nghệ nhân cần phải đánh bóng nó. Đây cũng được nhận định là một công tác cam go khi phải trải qua 13 giai đoạn, dùng 13 loại đá mài khác nhau và 13 động tác khác nhau trong 120 giờ làm việc. Nói về công tác này, kiếm sư Matsuba cho biết: "Mài xong, kiếm sư kẹp hai hòn đá mài mỏng dính trên đầu ngón tay, vuốt theo lưỡi kiếm để đánh bóng. Mài kiếm là làm sao cho thanh kiếm thể hiện được tối ưu cái "tinh thần" của nó, để hiển lộ cái "tận mỹ" của nó, để thoát ra cái "huy hoàng" của lưỡi thép đã hoàn thành".
Mua kiếm dễ như... mua rau
Sự ưu việt của kiếm Nhật cùng với những huyền thoại về tinh thần Võ sĩ đạo đã làm cho giá trị của loại vũ khí này ngày càng được khẳng định. Katana hiện nay là những vật sưu tập được ưa chuộng có giá trị rất cao. Những năm trở lại đây, thú chơi kiếm Nhật với những mục đích khác nhau ngày càng phát triển rầm rộ tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng...
Các nhà sưu tập luôn muốn có một thanh Katana trong bộ sưu tập của mình. "Tuy nhiên, thú chơi này chỉ dành cho người có tiền, vì giá của một thanh kiếm Nhật thứ thiệt có khi lên đến nhiều ngàn USD" - một tay chuyên mua bán Katana tại địa bàn quận Phú Nhuận, TP.HCM nói.
Trả lời chúng tôi về nguyên nhân của việc kiếm Nhật trở thành "mặt hàng" rất được ưa chuộng, một số nhân viên thuộc các trang mạng: Cuahangkiem.com, trangkiem.com…, cho biết: "Nhiều khách hàng chỉ vì ngưỡng mộ sự ưu việt và tuyệt vời của loại kiếm này mà tìm mua để sưu tầm. Có người lại vì sự tò mò mà tìm xem, xem rồi thấy thích nên mua. Tuy nhiên, số người tìm đến kiếm Nhật với mục đích trang trí, phong thủy là cao hơn cả" - các nhân viên này tiết lộ thêm.
Việc treo hoặc đặt một thanh Katana ở những vị trí trang trọng trong nhà cũng đồng nghĩa với việc tự răn mình theo tinh thần trọng danh dự của Võ sĩ đạo Nhật bản. Qua người chơi kiếm, người ta thấy được sự am tường, quý trọng trước một nét văn hóa đẹp của nước bạn, cũng như tôn vinh, trân trọng tinh hoa nghệ thuật rèn, đúc vũ khí thế giới.
Ngoài ra, nhiều người còn tin rằng, Katana với nguồn gốc, truyền thống huyền thoại sẽ là một linh khí thiêng liêng có khả năng trấn ma, trừ tà, mang lại may mắn cho gia chủ. Đặt một thanh Katana trong phòng khách nhà ở hay công ty, theo các nhà phong thủy, sẽ đem lại sự hưng thịnh, thanh tịnh và nghiêm trang cho ngôi nhà. Do vậy, phần nhiều các cá nhân đã không tiếc công kiếm tìm, mua bán loại vũ khí này với mục đích phong thủy.
Tuy nhiên, với giá trị của mình, kiếm Nhật đã vượt ra ngoài thú chơi tao nhã ấy và trở nên đại trà khi bị một số cá nhân cố quên đi giá trị tinh thần của kiếm và chỉ nhằm vào giá trị vật chất mà đem Katana ra rao bán tràn lan. Nếu trước đây, để có được một thanh Katana là cả một sự tìm tòi, sưu tầm từ những gia đình, cá nhân có sỡ hữu trong giai đoạn Nhật tiến vào nước ta thì ngày nay, Katana được rao bán một cách công khai, đại trà trên các trang mạng, các diễn đàn mua bán trực truyến như: Rongbay.com, muaban.sieumua.com, ryansword.com, trangkiem.com, 4giây.com, kiemNhat.org…
Theo lời hướng dẫn của một tay "hay kiếm" chuyên buôn bán các loại kiếm Nhật với đầy đủ kích thước trên đường Nguyễn Kiệm (phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM), chúng tôi được biết: Việc mua kiếm Nhật bây giờ dễ hơn trước rất nhiều vì có thể nhập lậu từ Trung Quốc qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), Móng Cái (Quảng Ninh)... Đương nhiên, đấy không phải là những thanh kiếm Nhật chính hãng mà chỉ là hàng nhái có xuất xứ từ Trung Quốc. Tuy nhiên, các loại kiếm này vẫn là mặt hàng được những tín đồ khí giới mê mẩn.
Liên hệ với một số chủ tài khoản rao bán kiếm Nhật trên trang mạng qua số điện thoại: 0902090…., 0977746…, 0126624…, chúng tôi đều nhận được những lời giới thiệu và hứa hẹn hấp dẫn về loại kiếm quý này. Theo đó, khách hàng có thể kiểm tra, đặt hàng trực tuyến và được giao hàng tận nơi hoặc có thể trực tiếp đến cửa hàng, nhà người bán tham khảo. Mức giá được người bán công khai chi tiết theo từng loại kiếm trên các trang mạng, diễn đàn. Theo ghi nhận của chúng tôi, trung bình một cây kiếm Nhật có giá từ 2 triệu đồng trở lên, tùy vào mẫu mã, chất liệu cũng như nguồn gốc của kiếm.
Có thể nói, từ thú vui sưu tầm loại vũ khí được cả thế giới yêu thích với mục đích trưng bày, trân trọng một nét đẹp văn hóa, nghệ thuật rèn đúc kỳ diệu hay phong thủy đang dần biến tướng trở thành việc buôn bán vũ khí nguy hiểm trái phép.
Để có được một hamon đạt chuẩn trong khi rèn, các nghệ nhân sẽ bọc lưỡi kiếm bằng hỗn hợp đất sét kỳ bí. Được biết, hỗn hợp đất sét này phải được các nghệ nhân pha trộn từ nhiều thành phần vật liệu khác nhau. Các thành phần trong hỗn hợp và cách pha trộn cũng phải tuân thủ theo những quy trình, công thức vô cùng bí mật. |
Hà Nguyễn