Nghệ thuật nghi binh xuất thần trong chiến dịch Tây Nguyên

Thứ 3, 29/04/2025 07:00

Nửa thế kỷ đã trôi qua, song âm vang của Chiến thắng Tây Nguyên vẫn còn in đậm trong tâm trí bao thế hệ, nhiều bài học kinh nghiệm rút ra từ chiến dịch vẫn mang mang tính thời sự, còn nguyên giá trị.

Bánh xe hậu cần mở đường cho đại thắng

Mùa Xuân 1975, dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, quân và dân ta tiến hành thắng lợi Chiến dịch Tây Nguyên, giải phóng Tây Nguyên và một số tỉnh Nam Trung bộ.

Chiến dịch này đã mang lại những kết quả vô cùng to lớn. Ta tiêu diệt và làm tan rã Quân đoàn 2 - Quân khu 2 của địch, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 28.000 quân địch, thu và phá hủy 154 máy bay, 1.096 xe quân sự, 17.188 súng pháo các loại; giải phóng 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Phú Bổn, Quảng Đức và một số tỉnh Trung Bộ.

Nghệ thuật nghi binh xuất thần trong chiến dịch Tây Nguyên- Ảnh 1.

Lực lượng của ta tấn công vào thị xã Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) - trận then chốt thứ nhất trong Chiến dịch Tây Nguyên.

Hậu cần chiến dịch Tây Nguyên đã bảo đảm kịp thời đầy đủ cho tác chiến với hàng nghìn ô tô để cơ động bộ đội, vận chuyển hơn 3.000 tấn vật chất trong đó có gần 700 tấn đạn, hơn 1.300 tấn xăng dầu, gần 1.100 tấn lương thực thực phẩm; thu dung cứu chữa 2.416 thương binh.

Thắng lợi ấy đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của bộ đội chủ lực Mặt trận Tây Nguyên.

Thiếu tướng Nguyễn Bá Lực, Tư lệnh Quân đoàn 34 phân tích: "Thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên, một phần quan trọng là ta đã sử dụng lực lượng bộ đội chủ lực kìm chân địch ở hai đầu chiến tuyến và tại chiến trường Tây Nguyên.

Nghệ thuật nghi binh xuất thần trong chiến dịch Tây Nguyên- Ảnh 2.

Quân giải phóng tấn công vào Sư đoàn 23 ngụy tại Buôn Ma Thuột.

Mặc dù lực lượng Quân khu 2 - Quân đoàn 2 của địch vẫn còn nguyên vẹn cũng bị "vô hiệu hoá", do các sư đoàn, trung đoàn chủ lực của ta thực hiện chia cắt, bao vây, cô lập. Ta đã tăng cường cho Chiến dịch Tây Nguyên 2 sư đoàn bộ binh cùng nhiều đơn vị, phương tiện chiến đấu chủ lực khác, do đó đã tạo được thế áp đảo địch".

Tiếp nối khí thế ấy, các trận then chốt tiến công địch đổ bộ đường không tại Phước An và trận truy kích địch rút chạy trên Đường số 7, ta cũng chủ yếu sử dụng lực lượng chủ lực với sức cơ động cao, chuyển hóa thế trận linh hoạt.

Nghệ thuật nghi binh xuất thần trong chiến dịch Tây Nguyên- Ảnh 3.

Thiếu tướng Nguyễn Bá Lực, Tư lệnh Quân đoàn 34 nói về vai trò bộ đội chủ lực trong Chiến dịch Tây Nguyên.

Kế hoạch nghi binh hoàn hảo

Thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên là minh chứng rõ nét cho nghệ thuật nghi binh, tạo thế và giữ quyền chủ động trong tác chiến chiến dịch của quân đội ta.

Đại tá, PGS.TS Hoàng Xuân Nhiên (Học viện Quốc phòng) cho biết, để tạo thế có lợi và phá thế địch, Bộ Tổng Tư lệnh đã chỉ đạo Quân đoàn 2 và Quân đoàn 4 tăng cường lực lượng tại 2 địa bàn chiến lược của địch là Huế – Đà Nẵng và đông bắc Sài Gòn. Điều này buộc địch phải điều động Sư đoàn lính thủy đánh bộ giữ Sài Gòn và Sư đoàn dù bảo vệ Đà Nẵng.

Nghệ thuật nghi binh xuất thần trong chiến dịch Tây Nguyên- Ảnh 5.

Quân ta đánh chiếm Mai Hắc Đế tại thị xã Buôn Ma Thuột.

Thế trận chiến lược kìm chân địch ở 2 đầu Nam – Bắc không chỉ nhằm phân tán lực lượng đối phương, mà còn là đòn nghi binh chiến lược hỗ trợ cho hướng tấn công chính ở Tây Nguyên – Buôn Ma Thuột. Cùng với các hoạt động tác chiến mạnh mẽ trên nhiều hướng, ta đã khiến địch rơi vào thế bị động, không thể xác định được trọng điểm chiến lược của ta, buộc phải căng kéo, phân tán chủ lực trên toàn tuyến.

Trong khi đó, tại chiến trường Tây Nguyên, để bảo đảm thắng lợi cho trận then chốt mở màn chiến dịch, Bộ Tổng Tư lệnh và Bộ Chỉ huy Mặt trận Tây Nguyên đã huy động Sư đoàn 3, Trung đoàn 95A, Trung đoàn 25 cùng lực lượng vũ trang địa phương triển khai các đòn đánh cắt giao thông trên các tuyến đường huyết mạch 14, 19 và 21. Mục tiêu là chia cắt lực lượng địch giữa Tây Nguyên và đồng bằng ven biển, giữa Bắc và Nam Tây Nguyên.

Đặc biệt, để tạo điều kiện thuận lợi cho trận đánh quyết định vào Buôn Ma Thuột, Bộ Tư lệnh chiến dịch đã triển khai một kế hoạch nghi binh chặt chẽ và hiệu quả. Cụ thể, Sư đoàn 10 dùng pháo binh bắn vào Kon Tum, kết hợp các trận đánh nhỏ quanh thị xã; Sư đoàn 320 tổ chức đánh nhỏ trên đường 14, dùng pháo bắn vào La Sơn và Thanh An; Trung đoàn 95 tập kích các tốp xe địch trên đường 19; Trung đoàn Đặc công 198 tập kích kho xăng Pleiku…

Những hoạt động này khiến địch lúng túng, không thể xác định được hướng tiến công chính, góp phần tạo điều kiện thuận lợi để ta bất ngờ đánh chiếm Buôn Ma Thuột.

Bên cạnh các hoạt động nghi binh trực tiếp trên chiến trường, ta còn triển khai nhiều biện pháp nghi binh chiến lược tinh vi. Một trong số đó là việc bí mật điều Sư đoàn 968 từ Nam Lào về thay thế vị trí của Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320 tại Tây Nguyên.

Trong khi 2 sư đoàn chủ lực này hành quân vào Đắk Lắk, toàn bộ cụm điện đài và báo vụ viên vẫn được giữ nguyên vị trí cũ, tiếp tục phát điện báo cáo tình hình như thường lệ nhằm đánh lừa địch. Đồng thời, Sư đoàn 968 tiếp tục duy trì hoạt động giống như Sư đoàn 10 và 320, tạo ảo giác rằng lực lượng chủ lực vẫn án binh bất động.

Từ tháng 9/1974, Bộ Tư lệnh chiến dịch còn cho Trung đoàn Công binh 7 phối hợp với dân công các huyện của tỉnh Kon Tum và Gia Lai rầm rộ làm đường giả hướng vào tỉnh Kon Tum và Tp.Pleiku (tỉnh Gia Lai). Mức độ giữ bí mật cao đến mức ngay cả người dân địa phương cũng tin rằng ta chuẩn bị đánh tỉnh Kon Tum.

Nghệ thuật nghi binh xuất thần trong chiến dịch Tây Nguyên- Ảnh 6.

Đại tá, PGS, TS Hoàng Xuân Nhiên, Học viện Quốc phòng thông tin về nghệ thuật nghi binh tạo thế trong Chiến dịch Tây Nguyên.

Khi Sư đoàn 968 được giao nhiệm vụ đánh đồn Tầm và quận lỵ Thanh An, Thượng tá Thanh Sơn – Tham mưu phó Sư đoàn – còn phải hỏi lại: "Đánh thật hay đánh nghi binh?".

Sau đó, Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320 cùng các binh chủng được bí mật cơ động vào Nam Tây Nguyên. Trước khi hành quân chính thức, Sư đoàn 10 thực hiện các đợt di chuyển giả kéo dài 15 ngày, đổi vị trí liên tục giữa các đơn vị để gây nhiễu thông tin. Cuối cùng, lực lượng được cơ động bằng ô tô, tiến thẳng vào khu vực Đức Lập.

Đến tháng 2/1975, chuỗi hoạt động nghi binh "hư hư thực thực" của ta khiến đối phương hoàn toàn lúng túng. Ngay cả khi ta nổ súng, địch vẫn chưa xác định được ý định chiến lược thật sự của chiến dịch.

Nghệ thuật nghi binh và điều địch của ta trong Chiến dịch Tây Nguyên đã đạt đến mức xuất sắc. Khi chiến dịch tiến công đã bắt đầu, đến tận ngày 6/3/1975, cả Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn và CIA vẫn nhận định sai lầm rằng hướng tiến công chính của ta là Tp.Pleiku và tỉnh Kon Tum.

Ngay cả khi ta nổ súng đánh vào quận Thuần Mẫn (8/3) và Đức Lập (9/3), tức là lúc Tp.Buôn Ma Thuột đã lộ rõ trước mũi súng quân giải phóng, Phạm Văn Phú – Tư lệnh Quân đoàn 2 ngụy – vẫn chưa nhận ra ý đồ thực sự của ta. Chỉ đến 4h sáng ngày 10/3/1975, khi xe tăng ta đã tiến vào Tp.Buôn Ma Thuột, ông ta mới hiểu ra thì đã quá muộn.Đại tá Hoàng Xuân Nhiên khẳng định, bài học và kinh nghiệm nghi binh trong Chiến dịch Tây Nguyên là kho tàng chưa bao giờ vơi. Đó là "vốn quý" để các thế hệ hôm nay và mai sau kế thừa, phát huy trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Sức mạnh của thế trận lòng dân

Ông Nguyễn Đình Trung, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết, chiến thắng Tây Nguyên là kết quả của sự vận dụng sáng tạo đường lối quân sự của Đảng, tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, nghệ thuật quân sự Việt Nam. Đồng thời, là thắng lợi tinh thần đoàn kết, chiến đấu anh dũng, quả cảm của các lực lượng tham gia chiến dịch, đặc biệt là sự phối hợp, giúp đỡ của đồng bào các dân tộc - sức mạnh thế trận lòng dân trên địa bàn Tây Nguyên - nhân tố trực tiếp góp phần làm nên chiến thắng lịch sử này.

Khánh Ngọc

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.