Bài viết trên tờ Le Canard Enchaîné mới đây cho biết, ông Fillon đã được trả tiền để sắp giới thiệu tỷ phú Lebanon Fouad Makhzoumi và tổng giám đốc điều hành tập đoàn đa quốc gia Total SA - Patrick Pouyanné với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tờ Canard Enchaine cho biết, ông Fillon đã thông qua công ty tư vấn riêng 2F Conseil ký kết một bản hợp đồng với Fouad Makhzoumi, giám đốc điều hành tập đoàn Future Pipe Industries của Lebanon. Trong đó, ông Fillon cam kết làm trung gian giữa những nhân vật quyền lực với giới các doanh nghiệp Nga, Algeria, Gabon, Bờ biển Ngà và Pháp.
Theo tờ báo trên, ông Fillon - người từng là Thủ tướng Pháp từ năm 2007 đến năm 2012 - đã được trả 50.000 euro để giới thiệu tỷ phú Lebanon với Tổng thống Nga tại Diễn đàn Kinh tế Saint Petersburg năm 2015.
Trước thông tin này, chính khách người Pháp đã gọi bài viết là một "lời nói dối đáng xấu hổ", trong khi các nhà chức trách Nga bày tỏ sự hoài nghi về tính xác thực của thông tin.
Thư ký báo chí của Tổng thống Putin, Dmitry Peskov, cho biết, báo cáo này "là giả mạo". Phía Moscow cũng khẳng định, tất cả các cuộc họp của tổng thống với các doanh nhân đều diễn ra phù hợp với quy trình chuẩn và không có vai trò nào dành cho người trung gian.
Có hay không cuộc gặp 50.000 euro?
Theo ông Dmitry Orlov, người đứng đầu cơ quan Thông tin Chính trị và Kinh tế, giá dịch vụ của ông Fillon mới chính là vấn đề gây hoài nghi.
Ông Orlov cho rằng, trên thực tế, các doanh nhân có thể tự do gặp gỡ ngay cả với những chính trị gia cấp cao nhất của Nga tại Diễn đàn Kinh tế St Petersburg với khoản phí vào cửa là 290.000 rúp (5.041 USD), thay vì con số quá cao như ở trên.
Trong khi đó, theo tờ RBTH, nếu cáo buộc có là sự thật, hoạt động của ông Fillon cũng hoàn toàn hợp pháp trên danh nghĩa một nhà vận động hành lang. Đặc biệt, điều này càng bình thường hơn khi từ năm 2015, ông không còn giữ một vị trí chính thức nào trong Nhà nước Pháp.
Pavel Salin, giám đốc trung tâm Nghiên cứu Chính trị tại đại học Tài chính Nga cho biết, các chính khách uy tín không còn nắm vai trò trong chính quyền vẫn thường làm công việc vận động hành lang như vậy.
“Dựa trên mối quan hệ được thiết lập trong thời gian hoạt động chính trị, ông ấy có thể liên hệ những cuộc gặp gỡ giữa người này với người kia”, Salin giải thích.
Tuy nhiên, trong tình huống này, có thể ông Putin đã không biết rằng, có sự trung gian sắp xếp trong các cuộc gặp của mình với giới doanh nhân.
Mặc dù vậy, chuyên gia Salin tin rằng, đây là hoạt động chính trị bình thường. Một khi chính khách hay đoàn tùy tùng tổ chức cuộc gặp mặt không nhận khoản tiền nào thì đó không phải là tham nhũng mà là vận động hành lang hợp pháp.
Ông cũng nói rằng, nghi án Fillon-Putin bị khuấy động lên một phần do thời điểm hiện tại, mọi thứ có liên quan đến chính phủ Nga đều đang bị đưa vào tầm ngắm một cách sát sao sau cáo buộc Moscow can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ.
Cũng theo RBTH, vận động hành lang theo kiểu các doanh nhân trả tiền cho các công ty trung gian để gặp mặt chính trị gia cũng là điều thường thấy ở Nga. Mặc dù dự luật về vận động hành lang chưa được nghị viện thông qua, điều này vẫn được coi là hoàn toàn hợp pháp.
Bên cạnh đó, nhiệm vụ của các nhà vận động hành lang là tổ chức cuộc gặp mặt mà đảm bảo "tổng thống không nhận ra rằng khách hàng của họ đã bỏ tiền ra để tạo ra nó". Nếu không, ông Putin sẽ từ chối một cuộc gặp gỡ như vậy.
Chuyên gia Orlov cho biết, các nhà vận động hành lang thường hoạt động một cách thận trọng và làm việc trong hậu trường. Tuy nhiên, có những lúc các doanh nghiệp trả tiền cho các cuộc tiếp xúc với chính quyền một cách công khai nên bị chỉ trích là giống tham nhũng hơn là vận động hành lang.
Đọc thêm>>> 3 lý do thú vị khiến người Trung Quốc hâm mộ Tổng thống Trump
Quốc Vinh