Nghi vấn số tài sản khổng lồ của Trần Lệ Xuân

Nghi vấn số tài sản khổng lồ của Trần Lệ Xuân

Thứ 5, 27/12/2012 23:43

Gần nửa thế kỷ trôi qua, vấn đề tài sản mà Trần Lệ Xuân sở hữu vẫn còn nhiều điều để bàn cãi. Nhiều người vẫn còn kháo nhau ô tô buýt, công ty đường, độc quyền than củi, vé số... đều là của Trần Lệ Xuân.

Buôn lậu á phiện qua đường biên?

Với số tiền khủng lên tới 18 tỉ USD nhiều câu hỏi trong dư luận được đặt ra. Tại sao "đệ nhất phu nhân" Trần Lệ Xuân lại có số tiền lớn đến chừng đó? Một số người không phải là người trong cuộc đều cho rằng Trần Lệ Xuân tham nhũng, mở xổ số, mở trường đua ngựa, thành lập công ty nhưng suy ngẫm lại thì dù bà có kinh doanh đến cỡ nào cũng không thể nào thu được nhiều lợi nhuận đến thế.

Mãi đến năm 1973 cách làm giàu nhanh đến chóng mặt của vợ chồng Ngô Đình Nhu-Trần Lệ Xuân mới được ông Alfed W. Mc Coy, một chuyên viên bài trừ buôn lậu quốc tế từng là cố vấn tại Tổng nha Cảnh sát dưới thời Ngô Đình Diệm tiết lộ trong tập luận án tiến sĩ của ông mang tựa đề "Đông Nam Á: Chính trị dựa vào bạch phiến". Tác giả này đã dành nhiều trang viết về nạn buôn bán thuốc phiện tại miền Nam từ 1954 đến 1973.

Alfed W. Mc Coy tiết lộ, ngay sau khi quân Bình Xuyên bị đánh bật khỏi Sài Gòn vào năm 1955. Ngô Đình Diệm đã mở chiến dịch chống thuốc phiện. Khi ấy, các ổ hút bị đóng cửa, những người nghiện muốn tìm được thuốc rất khó khăn. Từ đó, Sài Gòn không còn là giao điểm nhỏ của đường dây buôn bán ma túy quốc tế. Thế nhưng, chưa đầy ba năm sau, chính quyền Diệm đột nhiên bỏ rơi chiến dịch bài trừ thuốc phiện và bắt đầu mở đường cho việc buôn bán ma túy hoạt động trở lại.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chế độ Diệm cho ma túy hoạt động trở lại nhưng chủ yếu nhất trong khoảng thời gian này là các lực lượng nổi dậy ở các vùng nông thôn trỗi dậy mạnh mẽ làm cho cục diện chính trị ở thành phố rối loạn. Trước tình hình đó, Diệm-Nhu nhận ra rằng cần phải có nhiều tiền để mở rộng tầm hoạt động tình báo và đàn áp chính trị. Trong khi đó CIA và cơ quan viện trợ quốc tế của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lại từ chối yêu cầu tăng viện trợ của Diệm-Nhu.

Pháp luật - Nghi vấn số tài sản khổng lồ của Trần Lệ Xuân

Gia đình Trần Lệ Xuân khi Ngô Đình Nhu đương nhiệm chức cố vấn

Để có tiền tài trợ cho hoạt động chính trị, Nhu đã cho tiến hành việc buôn bán thuốc phiện hoạt động trở lại dẫu rằng các ổ thuốc phiện tại Sài Gòn đã bị đóng cửa khá lâu. Nhằm khôi phục dân nghiện quay trở lại, Ngô Đình Nhu tận dụng các mối quan hệ của mình nhanh chóng liên hệ với lãnh tụ các bang người Hoa ở Chợ Lớn để mở lại các ổ hút và lập một hệ thống phân phối thuốc phiện lậu. Chỉ trong vòng vài tháng, hàng trăm ổ hút được mở cửa lại. Theo số liệu thống kê vào năm 1963 tại khu vực Chợ Lớn có hơn 2.500 ổ hút ma túy hoạt động công khai.

Để cung cấp thuốc phiện cho những ổ hút này, Nhu đã lập hai đường dây từ Lào sang Việt Nam. Người được Nhu tin cậy và triển khai giao dịch trực tiếp là ông Bonaventure Rode Francisci phụ trách hàng không thương mại Lào. Theo Trung tá Lucien Conein, một cựu viên chức CIA cao cấp tại Sài Gòn kể lại, thực chất mối giao dịch của hai người bắt đầu từ 1958 khi Francisci đề nghị với Nhu chủ ý độc quyền buôn bán lậu thuốc phiện từ Lào vào Việt Nam.

Sau khi Nhu bảo đảm an toàn cho sự vận chuyển thuốc phiện, các đoàn máy bay hai chong chóng của Francisci bắt đầu thực hiện những vụ thả hàng bí mật xuống Việt Nam mỗi ngày. Thêm vào các chuyến chở hàng này, Nhu còn phái nhân viên tình báo sang Lào với sứ mệnh gởi thuốc phiện sống qua các chuyến bay vận tải của Không lực Việt Nam, thường bay đi bay về mang theo nhân viên và hàng tiếp liệu.

Pháp luật - Nghi vấn số tài sản khổng lồ của Trần Lệ Xuân (Hình 2).

Bà Trần Lệ Xuân tiếp Hoàng hậu Thái Lan Sirikit ở dinh Gia Long

Người giữ quỹ đen của Phủ tổng thống

Theo nguồn tin từ một số cựu viên chức CIA tại Sài Gòn, ngày trước bác sĩ Trần Kim Tuyến (trùm mật vụ của chính quyền Diệm) mới là người mưu sĩ cho Nhu buôn bán thuốc phiện lậu. Vì Tuyến là người chịu trách nhiệm cho phần lớn các hoạt động tình báo ở nước ngoài cho chế độ Việt Nam Cộng hòa, nên ông ta có thể ngụy trang các hoạt động buôn bán ma túy ở Lào dưới hình thức công tác tình báo thường xuyên.

Ông Barnad Yoh, cố vấn tình báo cho Tổng thống Diệm tiết lộ: Trong năm 1958 Tuyến đã gửi 10-12 nhân viên vào Lào sau khi những nhân viên này đã hoàn tất chương trình huấn luyện kỹ lưỡng dưới sự giám sát của lực lượng đặc biệt của Đại tá Lê Quang Trung. Khi Yoh gửi toán nhân viên này sang Lào để làm việc chung với nhân viên của Tuyến trong thời kì khủng hoảng tại Lào vào năm 1961, thì Tuyến tỏ ra rất ngạc nhiên về sự thiếu khả năng của họ.

Chính Yoh cũng không thể hiểu nổi tại sao những nhân viên này không hề được huấn luyện về truyền tin hay những phương pháp ngụy trang cơ bản lại được giữ tại địa bàn hoạt động trong khoảng thời gian dài như vậy. Qua quá trình tìm hiểu và khám phá thì Yoh nhận ra rằng nhiệm vụ của 12 nhân viên này là chuyển lậu vàng và thuốc phiện về miền Nam Việt Nam.

Sau khi mua vàng và thuốc phiện, nhân viên của Tuyến đưa lên các phi trường ở Nam Lào gần Savankhet hay Pakse. Tại đây, hàng hóa sẽ được vận chuyển về Sài Gòn qua các máy bay vận tải của không lực Việt Nam do Nguyễn Cao Kỳ làm chỉ huy. Theo lời của một cựu nhân viên CIA đã làm việc tại Sài Gòn thời chế độ Ngô Đình Diệm, chế độ Diệm đã dùng số tiền buôn bạch phiến và vàng để chi tiêu cho các hoạt động an ninh tình báo. Và số tiền ấy ít nhiều cũng bị rơi rớt vào hầu bao những nhân viên của tổ chức để làm của riêng.

Mãi về sau, ông Huỳnh Văn Lang là cựu Tổng Giám đốc ngân khố Sài Gòn và cũng là ủy viên Đảng Cần Lao của Ngô Đình Nhu chỉ vì bất mãn với Nhu nên đã bỏ đi nước ngoài khai rằng: "Người ta cũng thường kháo nhau về những chuyện làm tiền của Đệ nhất phu nhân. Nhưng tôi có thể quả quyết rằng những lời đồn đại như của nhiều người về số tài sản khổng lồ của bà Trần Lệ Xuân là không hề có. Thậm chí nhiều người còn kháo nhau ô tô buýt, công ty đường, bà còn độc quyền than củi, vé số...Tuy nhiên đó chỉ lời phao tin. Có thể nói rằng bà Nhu cũng là một phụ nữ ham tiền như nhiều người phụ nữ khác nhưng lòng tham tiền của người đàn bà này không thể so với lòng tham quyền đến mức cực độ, mà đó là thủ đoạn hết sức tinh vi của ông Nhu".

Cũng theo Huỳnh Văn Lang, hàng năm Ngô Đình Diệm có một số tiền rất lớn làm quỹ đặc biệt của Phủ Tổng thống. Số tiền này ông Diệm hầu như giao cho Nhu. Về lí ông Nhu phải trích ra những khoản tiền cho những cán bộ làm công tác đặc biệt thuộc về chính trị như tình báo hay phản gián. Ngược lại Nhu lại buộc những cán bộ này phải tự túc hoàn toàn, còn số tiền các quỹ đen của chính phủ Nhu giao hết cho Trần Lệ Xuân làm của riêng. Và nguyên tắc mà ông Nhu áp dụng mục đích chủ yếu là để làm giàu cho vợ mình mà không phải dính dáng gì vào những chuyện bất hợp pháp, đồng thời có thể làm bẩn được số cán bộ dưới tay để dễ bề thao túng.

Hiện nay, nhiều người không thể nào hiểu rõ về kinh tế thật của gia đình bà Nhu. Có thể những lời của những người từng thân cận với chế độ Diệm-Nhu chỉ đúng một phần nào đó. Tuy nhiên, những minh chứng trên phần nào giải nghĩa được những tài sản mà bà Trần Lệ Xuân có được khi sống lưu vong ở nước ngoài trong nhiều năm liền. Có lẽ vì quá cay cú một số người đã tìm mọi cách để phanh phui, điều tra để làm rõ số tài sản mà Trần Lệ Xuân từng sở hữu. Nhưng câu hỏi do đâu mà Đệ nhất phu nhân có tới 18 tỉ USD vẫn là bí ẩn đối với nhiều người.

Quyên Triệu


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.