Tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, hầu hết nông dân đều phải bắt đầu sản xuất vụ mới bằng cách mua chịu phân, thuốc với lãi xuất 20%, có nơi lên đến 30%. Khi nào đến mùa gặt người dân phải trả tiền cho chủ vật tư, sau đó mua chịu tiếp để sản xuất vụ mới. Vô hình chung tạo thành vòng luẩn quẩn “vay – trả đáo hạn – vay” khiến người nông dân không thoát khỏi được.
“Đơn cử một bao phân có giá 400 ngàn thì chủ vật tư sẽ bán với giá 420 ngàn, mua bao nhiêu thì tính bấy nhiều. Mua thuốc cũng vậy. Cứ lấy trước nhưng đến mùa gặt là phải trả tiền liền. Mình không trả thì người ta không cho vay tiếp để sản xuất, vì vậy lúc đó giá lúa bao nhiêu cũng phải bán. Không bán thì không có vốn sản xuất tiếp”, ông Dương Ngọc Huỳnh (SN 1960, ngụ tỉnh Đồng Tháp) cho biết.
Ảnh: Bà Sương mua phân, thuốc chịu cho cửa hàng vật tư
Nhìn bề ngoài, đây quả là một phương thức cứu cánh cho bà con nông dân có vốn sản xuất. Tuy nhiên, chính việc này lại “ép” người nông dân phải bán lúa như “chạy giặc” sau mỗi vụ để được vay vốn sản xuất tiếp. Nếu bán được giá nông dân coi như có lời, còn giá thấp đành “cắn răng” chịu từ huề đến lỗ.
Ảnh: Bị vướng vào vòng xoáy nợ nần, nhiều nông dân phải bán đất để trả nợ do thua lỗ triền miên.
Bên cạnh đó, nông dân còn phải “hưởng” những chiêu trò marketing của các công ty, cửa hàng bảo vệ thực vật. Nhiều công ty cử một kỹ sư nông nghiệp về vùng nông thôn, xem lúa cho bà con. Sau đó, kỹ sư đó sẽ khuyên bà con mua thêm bao phân này, giống thuốc nọ để rảy cho lúa. Thậm chí, thay vì lúa chỉ bệnh rầy nâu, người kỹ sư này lại khuyên bà con mua thêm nhiều thứ khác để bán được nhiều hàng, được hưởng lợi. “Bởi vậy bà con mình phun thuốc tùm lum, phun bậy, phun bạ mà không hiệu quả vẫn cứ phun”, giáo sư Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam cho biết.
Ảnh: Giáo sư Bùi Chí Bửu bày tỏ bức xúc khi thấy nhiều người dân bị lừa mua phân, thuốc không cần thiết
Bên cạnh đó, vì thiếu hiểu biết nhiều nông dân bị “lừa” mua phân giả, hết hạn sử dụng “bào mòn” thêm túi tiền vốn đã eo hẹp càng thêm cạn kiệt. “Khi nào mua phân, thuốc về bón cho lúa thấy lúa không hết bệnh thì biết phân có vấn đề. Nói cửa hàng, họ đổ lỗi do thời tiết, do mình làm sai quy trình tùm lum hết”, ông Tám buồn rầu nói.
Theo thống kê, trung bình mỗi năm người dân thiệt hại hàng trăm tỷ đồng do sử dụng phân giả, kém chất lượng. Vừa qua, công an tỉnh Đồng Tháp vừa giám định 100 bao phân kali loại 50kg, hiệu Kali Israel – hai con rồng thì phát hiện có đến 80% trộn lẫn cát và phẩm màu. Tại Vĩnh Long, Chi cục quản lý thị trường vừa tiêu hủy 10 tấn phân bón giả hiệu kali.
Năm 2012, cơ quan chức năng tỉnh An Giang kiểm tra 418 cửa hàng, đại lý kinh doanh phân bón và thuốc bảo vệ thực vật phát hiện 158 trường hợp vi phạm. Điều đáng nói là khi đoàn kiểm tra liên ngành bất ngờ ập đến đâu, thì khu vực đó “lòi” ra rất nhiều trường hợp phân giả. Địa phương có tỷ lệ phân kém chất lượng cao nhất là An Giang 63,6%, Long An 55,5%, Tiền Giang 48%,…
Lộc Bình