Theo Washington Post ngày 18/7, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bày tỏ lo ngại về các vụ bắt giữ các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ bị tình nghi có liên quan tới cuộc đảo chính quân sự bất thành của chính phủ Ankara.
Sau cuộc đảo chính quân sự, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố không loại trừ khả năng dùng hình phạt tử hình đối với những người bị kết tội tham gia vào âm mưu này.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Ảnh Pravda
Theo người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ, hành động như vậy là trái với nguyên tắc cơ bản của nền dân chủ, vi phạm quy tắc thành viên của Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO.
Đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện các đề xuất loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi các tổ chức quốc tế hoặc từ chối gia nhập.
Trước đó, các chính trị gia Đức đã phản đối việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên minh châu Âu. Theo quan điểm của họ, các nước còn sử dụng hình phạt tử hình không thể tham gia vào nền chính trị châu Âu.
Đêm ngày 15/7, một nhóm trong lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành đảo chính quân sự ở Istanbul và Ankara. Cuộc nổi dậy đã bị dập tắt vào sáng ngày hôm sau.
Kết quả của hoạt động trên, 190 người đã thiệt mạng, hơn 1.400 người bị thương, hơn 6.000 người bị bắt giữ và gần 9.000 cán bộ, nhân viên cảnh sát bị sa thải.
Trong cuộc phỏng vấn ngày 18/7 trên CNN, Tổng thống Reccep Tayyip Erdogan nói rằng nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ muốn tuyên những bán án tử hình, vốn bị bãi bỏ tại nước này hơn 1 thập niên trước, với các đối tượng dính líu tới cuộc đảo chính quân sự bất thành hồi cuối tuần trước.
Theo Tổng thống Erdogan, việc khôi phục bản án tử hình sẽ do Quốc hội quyết định và ông sẽ ký thành luật dù quốc hội có quyết định thế nào đi nữa.
Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đã xuất hiện một số rạn nứt mới sau cuộc đảo chính quân sự.