Đền Voi Phục nằm trên đường Thụy Khuê, thờ Đức Thánh Linh Lang được xây dựng đầu tiên trong khoảng 269 ngôi đền thờ Đức Thánh. Theo dân gian tương truyền, ngày 13/12 năm Kỷ Tỷ (1030), thứ phi của vua Lý Thái Tông là Hạo Nương đã hạ sinh một hoàng tử khôi ngô tuấn tú tại làng Thụy Chương (nay thuộc phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội) ở ven hồ Dâm Đàm (nay là Hồ Tây). Đức vua vui mừng đặt tên cho hoàng tử là Linh Lang (hay còn gọi là Hoàng Chân).
Từ nhỏ, Linh Lang đã là một người tinh thông võ nghệ, đến năm 14 tuổi đã theo vua cha đi đánh giặc Chiêm Thành. Đến năm 1076 - 1077, nhà Tống đem quân sang xâm chiếm nước ta, ngài đã theo sự phân công của Lý Thường Kiệt đảm nhiệm thủy quân đánh ngược lên phía Bắc, tiêu diệt cụm căn cứ của chánh tướng Quách Quỳ, cùng phối hợp với đạo quân của Lý Thường Kiệt tấn công Triệu Khiết khiến quân Tống thất trận trên phòng tuyến sông Như Nguyệt (sông Cầu, Bắc Ninh ngày nay).
Trong trận quyết chiến này, hoàng tử Linh Lang đã anh dũng hy sinh. Vua hay tin, vô cùng đau xót, để tưởng nhớ công lao đánh đuổi giặc ngoại xâm của Linh Lang, vua đã sắc phong hoàng tử thành Linh Lang Đại Vương thượng đẳng tối linh thần (một sắc phong cao nhất thời Lý) và ban lệnh cho người dân những nơi Linh Lang đã đi qua phải xây đền thờ.
Ngay trên quê hương của ngài, người dân Thụy Khuê đã cho xây đền thờ để tỏ lòng thành kính. Đây là ngôi đền đầu tiên xây dựng thờ Đức Thánh Linh Lang tại miền Bắc. Cụ Nguyễn Văn Tùng (73 tuổi, người trông coi đền) cho biết: "Lúc đầu, đình hướng về Tây Nam thành Thăng Long (đường Hoàng Hoa Thám bây giờ). Tương truyền, trên đình có gác bia, các quan trong triều đến đền, hễ ai từ đó vào mà không xuống ngựa thì ngựa như có ai quất vào chân bị ngã. Các quan thấy đó như là một điều nhắc nhở mình chưa có lòng thành kính với Đức Thánh Linh Lang. Đến cuối đời Trần, người ta quyết định đổi hướng đình thành hướng Bắc như ngày nay, trước mặt đền nhìn ra Hồ Tây có đầm sen tỏa hương, chếch một mé là đền Quán Thánh tạo cảnh quan đẹp hơn cho đình. Đó là hai lý do để đổi hướng đình".
Cái tên đền Voi Phục bắt nguồn từ câu chuyện vào đầu đời Lê. Theo phong thủy, đền nằm trên mình con Phượng Hoàng, trên lưng Phượng Hoàng có một giếng ngọc. Khi đào giếng ngọc, người dân đã tìm thấy một đôi voi đang ở thế phủ phục. Từ đó, đền có tên là đền Voi Phục. Đôi voi đá hiện vẫn được đặt ở cửa đình, đầy uy nghiêm.
Trong đền Voi Phục ở Thụy Khuê hiện còn lưu giữ được khá nhiều hiện vật cổ. Đó là bộ nghi trượng thờ trong hậu cung, nhìn còn mới nguyên nhưng trên thân đã được dán ký hiệu đánh dấu niên đại từ thời nhà Lê (do Hội Di sản Văn hóa dân gian Hà Nội thẩm định). Ngoài hiên chỗ bậc tam cấp còn hai đôi rồng đá được chế tác với những nét hoa văn cách điệu, không chi tiết tinh xảo như hình ảnh rồng đá thời Nguyễn sau này. Những rồng đá ở đây được làm theo phong cách rồng thời Lý với dáng uốn khúc của rồng, còn hoa văn là hình sóng nước, hoa lá.
Thần Linh Lang Đại Vương được nhiều nơi trong cả nước thờ cúng, mỗi nơi đều có bản thần tích riêng. Theo thống kê tại kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, cả nước đã tìm thấy trên 70 vạn bản thần tích ghi chép về sự tích thần Linh Lang. Hình tượng thần Linh Lang là hình tượng người anh hùng trong công cuộc dẹp giặc ngoại xâm giữ nước của dân tộc. Gắn liền với sự tích con voi phủ phục khi nghe tiếng thét của hoàng tử, ngôi đền được gọi là đền Voi Phục từ ấy. Ngày nay, ở cổng đền vẫn còn nguyên hai bức tượng voi phủ phục hai bên, đời đời tưởng nhớ vị anh hùng đánh giặc cứu nước, được nhân dân biết ơn phong Thánh, thờ phụng muôn đời. Đặc biệt, trong khuôn viên di tích còn có chín cây muỗm hơn 700 tuổi, đã được Hội Di sản Việt Nam xếp hạng.
Cũng theo cụ Tùng, việc trồng cây trong các đền, đình Việt Nam là một thói quen của người Việt. Trồng cây để đánh dấu một mốc lịch sử khi xây dựng đền và lý do trồng chín cây với ý nghĩa con số 9 là trường cửu, trường tồn với thời gian. Một số nơi như chùa Láng cũng có chín cây muỗm nhưng tuổi thọ thì không sánh được với những cây ở đền Voi Phục. Kết quả điều tra xác định, tuổi của cả chín cây muỗm này vào khoảng 700 năm. Cây nhỏ nhất có chu vi thân 2,92m, cao 17m; cây to nhất là 5,20m và 29m. Hiện trong đền có tám cây muỗm ở trong khuôn viên. Do biến động của xã hội mà diện tích đền Voi Phục đến nay chỉ còn hơn 2.000m2, cây muỗm còn lại giờ đã ở ngoài khuôn viên đền, nằm đối diện với cửa chính bên kia đường Thụy Khuê trong khu vực nhà dân...
Đỗ Thơm