Nghề chỉ làm vào ban đêm
Chúng tôi tìm về thị trấn Cần Thạnh, nơi có hàng trăm hộ dân kiếm sống bằng nghề cào bạch tuộc (cào xiêm, cào con). Ngoài trời bắt đầu mưa nặng hạt, nhưng tại cảng cá Cần Giờ, những chiếc ghe vẫn thi nhau kéo về cập cảng sau những giờ vùng vẫy với vị mặn mòi của biển. Những túi bạch tuộc nặng trĩu được ngư dân mang lên bờ giao cho các chủ vựa thu mua. Theo tìm hiểu của PV, bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10 âm lịch, các ngư dân bắt đầu bước vào mùa săn bạch tuộc.
Ngư dân Cần Giờ bám biển mưu sinh
Do nhu cầu về sử dụng bạch tuộc làm thức ăn ở các nhà hàng trong và ngoài TP.HCM ngày càng nhiều nên khoảng 10 năm trở lại đây, ở thị trấn Cần Thạnh, nghề săn bạch tuộc đang rất thịnh hành so với các nghề khai thác thủy hải sản khác. Ông Phạm Văn Thắng (Phó chủ tịch UBND thị trấn Cần Thạnh) chia sẻ: "Nghề cào bạch tuộc không đem lại nguồn thu nhập cao như các ngành nghề khác. Tuy nhiên, có thể nói, nghề này đã giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động nghèo tại địa phương. Do nắm được những "tuyệt chiêu" của nghề và niềm tin vào biển cả, các ngư dân quanh năm suốt tháng, bất chấp thông tin về thời tiết xấu, giá cả bấp bênh, giá xăng dầu liên tục tăng vẫn xuất quân chinh chiến ngoài biển cả".
Toàn thân ướt sũng vì trời mưa, song nhìn thấy thành quả lao động được đền đáp bằng hai giỏ bạch tuộc lớn, anh Võ Văn Tấn (39 tuổi, ngụ tại thị trấn Cần Thạnh), người có kinh nghiệm hơn 20 năm đi biển không giấu nổi niềm vui cho biết: "Tối hôm qua, trời yên biển lặng nên mới cào được từng này đó. Xem ra cũng được một khoản kha khá, nhưng trừ tiền xăng dầu đi thì công sức của anh em cũng chẳng được bao nhiêu. Dẫu vậy, số tiền đó cũng đủ để trang trải cho gia đình khoảng hai ngày. Trước đây, ngư dân săn bạch tuộc bằng cách dùng vỏ ốc lớn để dụ những con bạch tuộc vào hang rồi kéo lên để bắt từng con một. Cái hay của cách săn bạch tuộc bằng vỏ ốc là không phải thả mồi, không tốn nhiều hơi sức. Thế nhưng, dùng vỏ ốc để dụ, bạch tuộc sẽ nhanh chóng bị tận diệt".
Lý giải về điều này, ngư dân Võ Văn Tấn chia sẻ thêm: "Bạch tuộc là loài vật thích sống ngụy trang. Bắt đầu từ tháng 10 âm lịch trở đi là mùa đẻ trứng của bạch tuộc. Để trứng được bảo vệ an toàn, bạch tuộc cái sẽ chui vào vỏ ốc, vỏ sò... trú ngụ, làm tổ đẻ nên mùa này ngư dân hầu hết chỉ bắt được bạch tuộc cái. Lợi dụng nhược điểm đó, ngư dân đã dùng vỏ ốc để "bẫy" bạch tuộc. Nếu ngư dân cứ tiếp tục hành nghề theo kiểu này thì chẳng mấy chốc vùng biển Cần Giờ này chẳng còn con bạch tuộc nào nữa. Ý thức được điều đó, các ngư dân tự bảo nhau chuyển sang câu và dùng ghe cào".
Đặc điểm của nghề săn bạch tuộc chỉ hoạt động vào ban đêm nên bắt đầu từ 5h chiều các ngư dân mới xuất quân ra biển. Mỗi đội gồm 10-15 ghe, đi cùng một hướng để đề phòng mưa bão, hay ghe gặp sự cố thì có thể hỗ trợ, giúp đỡ nhau.
Ngư dân Võ Tấn Dũng trở về nhà sau một đêm thức trắng thu phục bạch tuộc
Thu nhập bấp bênh
Trung bình mỗi đêm, ngư dân chỉ đánh được bốn mẻ lưới. Tuy nhiên, không phải mẻ nào cũng thu phục được con mồi. Và thực tế là có những đợt ra khơi, nhiều ghe, tàu phải cập cảng với hai bàn tay trắng. Hơn mười năm gắn bó với nghề cào bạch tuộc, anh Nguyễn Văn Năm (tự Thắm, 44 tuổi, ở phường Phong Thạnh, thị trấn Cần Thạnh) bộc bạch: "Anh em làm nghề này có ai giàu được đâu. Chúng tôi quanh đi quẩn lại chỉ đếm trên đầu ngón tay được vài ngư dân có thu nhập khá. Dù biết thu nhập bấp bênh nhưng chúng tôi vì yêu biển nên tự khuyên bảo, động viên nhau đưa ghe, tàu ra khơi. Trúng mùa biển giận, nổi bão, chúng tôi dù có thức trắng đêm, dùng đủ mọi cách cũng chẳng thu phục được con bạch tuộc nào. Tàu ghe cố gắng cầm cự được thêm một đêm thì hết dầu, hết thức ăn đành phải cập cảng. Lúc đó, chúng tôi trong người không một xu dính túi lại phải nhờ cậy đến các chủ vựa ứng tiền mua dầu, thức ăn cho chuyến khác với đầy hứa hẹn. Chưa kể, ngư dân đi biển toàn dựa vào sức người nên hầu hết đều bị đau lưng, đau khớp triền miên".
Cuộc sống "đắp trước vá sau" của những ngư dân làm nghề cào bạch tuộc diễn ra quanh năm suốt tháng. Người đứng ra "cứu tinh" cho các ngư dân là các chủ vựa thu mua thủy hải sản. "Các chủ vựa sẽ cho các ngư dân ứng tiền trước để mua xăng dầu, thức ăn phục vụ cho những chuyến đi biển. Bù lại, ngư dân chúng tôi phải bán bạch tuộc cho họ. Do đó, giá bạch tuột tại cảng chỉ dao động ở giá 30-35 ngàn đồng/kg. Trong khi đó, giá bán ở ngoài cao gấp đôi, thậm chí gấp ba. Vì thế mà cuộc sống của những ngư dân làm nghề cào bạch tuộc nói riêng và các loại thủy hải sản khác ở vùng biển này khá thiếu thốn. Nhiều gia đình, gia cảnh éo le quá các con đang trong độ tuổi đến trường phải bỏ học giữa chừng để theo cha ra biển đối mặt với những con sóng", anh Nguyễn Văn Năm chia sẻ thêm.
Chỉ mong "trời yên biển lặng" Ngư dân Võ Tấn Dũng (tự là Men, 40 tuổi, ngụ tại đường Giồng Ao, thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ) bày tỏ: "Ngư dân đi biển chỉ mong sao săn được nhiều bạch tuộc. Nhiều ngư dân đến nỗi "say" bạch tuộc đã vô tình xâm phạm lãnh hải của tỉnh bạn nên bị lực lượng kiểm ngư bắt, phạt. Ghe của tôi đã bốn lần bị bắt, lần nào cũng bị thu lưới, thu cào. Để có thể lấy lại phương tiện hành nghề mỗi lần tôi phải nộp phạt từ 500.000 - 4.000.000 đồng. Số tiền đó, tôi làm cả tháng may ra mới đủ nộp phạt. Trong khi đó, gia đình, vợ con nheo nhóc, kinh tế chưa ổn định tôi đành "gửi" lại phương tiện đánh bắt cho lực lượng Kiểm ngư. Sau những lần bị bắt, giờ đây tôi chỉ dám dong ghe quanh quẩn ở vùng biển Cần Giờ săn bạch tuộc". |
Quyên Triệu