Nguyễn Phước Lợi, chàng sinh viên năm cuối Đại học Kinh tế TPHCM sinh ra và lớn lên trên quê hương phố núi. Là con út trong một gia đình có 9 anh chị em, 4 tuổi Lợi mồ côi cha. Một mình mẹ tảo tần nuôi cả đàn con. Hơn ai hết, Lợi thấu hiểu được hoàn cảnh gia đình, thương mẹ vất vả, lam lũ. Lợi quyết tâm làm một điều gì đó có ích cho đời.
Là một cán bộ Đoàn năng nổ, Lợi nhiều lần đi làm từ thiện ở các mái ấm. Hình ảnh những đứa trẻ mồ côi ở đây như vết thương lòng cắt cứa vào Lợi. Lợi thấy trong ánh mắt các em sự cô đơn, thèm khát tình thương. Suốt hơn một năm gắn bó với mái ấm, Lợi hiểu và tìm được sự đồng cảm ở những tâm hồn thơ bé kia.
Đầu năm 2011, một người đàn ông dẫn theo 2 đứa con nhỏ xin gửi vào mái ấm. Vì hai bé vẫn còn cha mẹ nên không đủ điều kiện vào mái ấm. Nhìn người cha đau khổ, bất lực trước hoàn cảnh, lại nhìn hai đứa trẻ hốc hác, thẫn thờ trong bộ dạng đói khát, Lợi động lòng thương. Lợi ngỏ lời xin hai đứa trẻ đem về nhà giúp đỡ, cưu mang và dạy học cho chúng.
Vậy là từ đó, ngôi nhà trọ nằm khuất trong những bóng cây xanh, khuất xa những âm thanh náo nhiệt của phố xá ngày ngày vẫn vang vọng tiếng đọc bài của trẻ thơ, giọng giảng bài trầm lắng của người thầy và cũng là người anh trai. Tiếng lành đồn xa, nhiều đứa trẻ lang thang tìm đến mong được học chữ, được yêu thương.
Lợi tâm sự: "Mình làm việc này hoàn toàn tự nguyện, việc mình làm âm thầm, lặng lẽ không muốn phô trương. Mình thương các em, chúng không có tội. Mình sợ các em tự ti, mặc cảm với thân phận sẽ ảnh hưởng đến suy nghĩ, làm tổn thương tâm hồn chúng".
Tính đến nay, căn nhà trọ của Lợi có cả thảy 12 đứa trẻ. Tại đây, các em được học tập, vui chơi như những đứa trẻ bình thường khác. Mỗi ngày, ngoài giờ đến giảng đường, Lợi tập trung thời gian dạy học cho các em. Lịch học tương đối khắt khe. 6 giờ sáng, dậy ăn sáng, nghỉ ngơi xong 7 giờ vào lớp học đến 9 giờ thì ra chơi 30 phút, xong lại tiếp tục học đến 11 giờ trưa thì nghỉ ăn cơm.
Lợi cho biết thêm: "Giờ giấc học tập mình áp dụng giống như mình học trên trường. ở cái tuổi này nếu không rèn cho các em ngay từ đầu thì sau này lớn lên chúng sẽ dễ bị sa ngã. Mình đem kiến thức ít ỏi đã học được ở trường học và trường đời để dạy lại cho các em. Mình biết nếu chỉ dừng lại ở đó thì các em sẽ không bao giờ thi đậu vào các trường Đại học được nhưng mình muốn các em học để sau này ra đời chúng sẽ biết cách đối nhân xử thế, biết cách sống sao cho có ích với đời".
Nơi nào có tình thương, nơi ấy có sự sống
Để có được chi phí sinh hoạt và học tập cho các em, Lợi đã phải làm đủ mọi nghề từ bốc vác, phụ hồ đến khiêng đất đổ nền nhà để kiếm tiền. "Làm nghề gì cũng được, vất vả bao nhiêu mình cũng vượt qua. Xe máy, cà vẹt, bằng lái mình đã cầm cố không biết bao nhiêu lần để có tiền mua tập vở và đồ ăn cho các em. Mình đói còn được chứ để cho các em đói sao đành. Nhiều lúc mệt mỏi, nghĩ bụng thôi lo cho bản thân mình trước đã nhưng khi nhìn các em ngủ, thấy tội nghiệp và thương vô cùng. Những lúc ấy, mình tự hứa với lòng phải thật quyết tâm và cố gắng vì tương lai những đứa trẻ nghèo khổ hơn mình. Nơi nào có tình thương thì nơi ấy sẽ có sự sống" - Lợi chia sẻ.
Lợi nhỏ nhắn, gầy guộc và vô cùng giản dị. Lợi kể, một lần có mấy người khách tìm đến gặp cậu ngoài cổng hỏi: "Con cho cô gặp Lợi". Lợi bảo dạ con là Lợi đây. Họ không tin nhắc lại lần nữa: "Cô muốn gặp Lợi dạy trẻ lang thang kìa". Một lần nữa Lợi phải khẳng định chính mình là Lợi. Lúc ấy họ mới trố mắt ngạc nhiên, có người nói: "Lợi sao đen đúa giống trẻ lang thang thế". Lợi không thấy làm buồn mà cho đó làm niềm vui, là động lực thôi thúc bản thân làm nhiều việc hơn nữa cho các em.
Nhiều lần vì làm việc quá tải, Lợi bị kiệt sức ngất xỉu ngay ra nhà. Mấy đứa trẻ hoảng quá chạy đi gọi hàng xóm đưa Lợi đi bệnh viện. Lợi bảo bệnh viện Q.12 này ai cũng quen mặt Lợi hết rồi vì thường xuyên thấy cậu nằm đó truyền nước.
Một thân một mình không kham nổi từ việc ăn uống, sinh hoạt học tập của bọn trẻ, Lợi điện cho mẹ từ Gia Lai vào Thành phố phụ mình việc chăm sóc các em. Mẹ Lợi, bà Nguyễn Thị Tánh, đã 68 tuổi nhưng thương con, thương cháu chẳng quản khó nhọc của tuổi già lặn lội khăn gói vào TPHCM cùng kề vai sát cánh với con.
Bà tâm sự: "Khi mới nghe tin thằng Lợi cưu mang trẻ cơ nhỡ, cả gia đình đều phản đối. Người phản đối gay gắt nhất là bà nội. Bà bảo một thân một mình lại còn học hành nữa thì làm sao lo được cho người khác. Bà nghĩ chắc nó nghe theo lời bọn người xấu xúi giục nên làm vậy để lấy danh tiếng thôi. Nếu Lợi không từ bỏ công việc ấy bà sẽ từ mặt đứa cháu nội. Mãi sau này bà mới hiểu ra và không phản đối nữa".
Nơi góc thềm, mẹ già của Lợi hằng ngày vẫn cặm cụi nhận quai nón bảo hộ về làm. Đôi tay chai sần, nhăn nhúm của bà mải miết làm mong kiếm được chút ít tiền phụ giúp con thực hiện ước mơ.
Trong căn nhà trọ ấy, không chỉ có trẻ em mà cả người già, vợ chồng nghèo sa cơ lỡ vận tìm đến xin ở tá túc. Tất cả đều được Lợi giang rộng tay giúp đỡ. Hiện giờ, có vợ chồng chị Tuyết đến ở và xin nấu cơm tình nguyện cho các em.
Những đứa em của Lợi ngoan và sống rất vâng lời. Ngoài dạy văn hóa anh Hai Lợi còn dạy chúng biết yêu thương, chia sẻ với mọi người. Cứ cuối tháng, chẳng ai phải nhắc ai, chúng tự động mang chổi, cuốc, cào ra dọn dẹp đường làng, khu phố. Chúng biết ơn và kính nể anh Lợi từ con người đến việc làm.
Lợi kể: "Mỗi khi các em có lỗi hay hư hỏng, mình không bao giờ đánh chúng. Mình ngồi tâm sự và hỏi chuyện từng em. Mình tự lấy roi đánh vào người mình và nói với chúng "các em hư là lỗi tại anh, anh sẽ đánh vào người anh". Thấy thế đứa nào cũng khóc và hứa lần sau sẽ không phạm lỗi nữa".
Tháng Sáu này, Lợi sẽ làm luận án tốt nghiệp. Tôi hỏi dự định sau khi ra trường của Lợi. Lợi nói: "Mình sẽ vẫn chăm sóc những đứa trẻ này được ngày nào hay ngày ấy. Mình và mẹ có ý định sẽ đưa các em về Gia Lai để tiện chăm sóc, ở đó có sẵn nhà cửa, đất đai không phải thuê mướn gì".
Hoa Nguyên