Người Anh vỡ mộng kiếm hàng tỷ bảng nhờ Olympic

Người Anh vỡ mộng kiếm hàng tỷ bảng nhờ Olympic

Thứ 5, 27/12/2012 23:49

– Hàng loạt khu vui chơi, mua sắm tại Thủ đô London lâm vào tình trạng ế ẩm suốt từ ngày khai mạc Thế vận hội.

Khi giành quyền đăng cai Thế vận hội, những nhà quản lí kinh tế của nước Anh tin rằng giải đấu quy mô này sẽ mang về nguồn lợi khổng lồ cho đất nước. Bất chấp những khó khăn chung của nền kinh tế châu âu và thế giới, một vài dự đoán đã tin tưởng Olympic có thể tạo ra khoảng 62.000 việc làm cùng khoản lợi nhuận thu về lên đến 16,5 tỷ bảng Anh.

Nhưng khi Thế vận hội 2012 mới đi qua non nửa chặng đường, người Anh, mà cụ thể ở đây là các ngành kinh doanh dịch vụ, du lịch lại đang trải qua khoảng thời gian hoạt động ế ẩm và thất thu chưa từng thấy.

“Trái đắng mang tên Olympic

Giới kinh doanh Anh quốc đã tin tưởng tuyệt đối vào cơ hội làm ăn nhờ Olympic sau khi được nghe về những dự báo và khoản lợi nhuận lên tới 16,5 tỷ bảng của Tập đoàn Lloyds Banking. Theo phân tích của Lloyds Banking, suốt 7 năm qua, công tác chuẩn bị Thế vận hội đã tạo ra hàng chục nghìn việc làm.

Khoảng thời gian 5 năm sau Thế vận hội, nước Anh sẽ còn tiếp tục được hưởng lợi khi các công trình xây dựng phục vụ Olympic phát huy công năng, trở thành điểm đến hấp dẫn của khách du lịch.

Thủ đô London, ước tính sẽ thu lợi nhiều nhất, với khoảng 6 tỷ bảng. Các khu vực khác trên cả nước Anh, Scotland, xứ Wales sẽ chia nhau khoản lợi nhuận 10,5 tỷ bảng.

Nhưng giá trị lợi nhuận của tương lai (như Lloyds Banking dự báo) là thứ sẽ còn phải chờ kiểm chứng. Còn lúc này đây, sau một tuần Thế vận hội chính thức khai mạc, hàng loạt doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, mua sắm và thậm chí cả kinh doanh vận tải, đặc biệt tại thủ đô London đang phải đối mặt nguy cơ thua lỗ lớn chưa từng thấy vì tác động tiêu cực của kỳ Olympic trên quê nhà.

Steve Mcnamara (Tổng thư kí Hiệp hội tài xế taxi tại London) chia sẻ: “Trong dịp này, hoạt động kinh doanh taxi đã bị giảm 30-40% năng suất. Hàng loạt khách sạn tại trung tâm thủ đô London, vốn tăng giá gấp đôi trước Olympic vì dự đoán khách du lịch sẽ gây quá tải, giờ phải đồng loạt giảm giá phòng nghỉ bằng, hoặc thậm chí thấp hơn ngày thường vì quá ế ẩm”.

Xã hội - Người Anh vỡ mộng kiếm hàng tỷ bảng nhờ Olympic

“Olympic 2012 rõ ràng chẳng mang lại sự kích cầu nào một nhân viên kinh doanh của khu giải trí West End (Đông London) nói trong ngán ngẩm. Những ngày qua, phần lớn các điểm du lịch, vui chơi giải trí nổi tiếng của thủ đô London vắng bóng du khách. Lượng người ra vào tại các khu mua sắm giảm kỉ lục, có lúc chỉ bằng 50% so với cùng kỳ.

Ông Bernard Donoghue (Chủ tịch Hiệp hội du lịch) thừa nhận: “Nếu tình trạng này cứ tiếp tục, thì sau ba tuần diễn ra Thế vận hội, các ngành dịch vụ của London có thể bị thiệt hại hàng trăm triệu bảng, thay vì đạt mức tăng trưởng ấn tượng”.

Khủng hoảng kinh tế hại người Anh

Khi đưa ra dự báo về con số lợi nhuận ấn tượng 16,5 tỷ bảng, Lloyds Banking tin rằng giai đoạn diễn ra Olympic 2012 sẽ là thời điểm mang ý nghĩa mấu chốt. Theo các chuyên gia của Tập đoàn nổi tiếng này, bầu không khí lễ hội của Olympic, đặc biệt khi nó diễn ra ngay trên quê nhà sẽ tạo ra một thứ gọi là “hiệu ứng hạnh phúc”.

Những người dân bản địa, tại London và từ khắp nơi trên đất nước Anh, Scotland, xứ Wales sẽ đổ về thưởng thức giải đấu thể thao lịch sử này. Họ sẽ chi tiền không tiếc tay để mua sắm, vui chơi, du lịch bên cạnh việc thưởng thức các môn thi đấu.

Điều tương tự, theo Lloyds Banking, cũng sẽ diễn ra với hàng trăm ngàn du khách, VĐV nước ngoài đổ về London dịp này. Nhưng cuối cùng, dự báo ấy đã không trở thành hiện thực.

Cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng tài châu âu và toàn thế giới đã khiến lượng du khách đổ về London trong thời gian diễn ra Thế vận hội 2012 không cao như kỳ vọng.

Một số công ty lữ hành tại Anh nói rằng họ đã nhận được lời dạm hỏi từ nhiều khách hàng, song một phần không nhỏ trong số đó quyết định hủy bỏ kế hoạch đến London ngay khi nghe thông báo về số tiền trọn gói cho một tour phải trả.

Giá vé máy bay tăng, giá phòng khách sạn và hàng loạt dịch vụ khác cũng tăng (ăn theo trước dịp Olympic), cuối cùng lại trở thành con dao hai lưỡi làm hại chính hoạt động kinh doanh của người Anh.

Đáng nói hơn, trong khoảng thời gian diễn ra Olympic London 2012, chính những người dân bản địa lại tỏ ra thờ ơ. Chẳng có bất kỳ hiệu ứng hạnh phúc nào như Lloyds Banking đã dự đoán.

Thay vì ở lại hoặc đến London để gánh chịu chi phí đắt đỏ, phần lớn dân Anh chọn phương án đi du lịch ở các vùng quê hoặc ra nước ngoài. Trong khi những du khách đến London, đa phần chọn giải pháp cắm trại giảm thiểu các khoản tiền và cũng chẳng hề có ý định ghé vào các khu mua sắm.

Giới truyền thông Anh đã nhìn nhận hiện tượng này như tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Còn ngành kinh doanh dịch vụ của nước Anh, đã thất thu vì dự báo sai lầm nhu cầu, cũng như xu thế thắt chặt hầu bao của người dân và khách du lịch trong dịp Olympic.

Vẫn còn hơn một tuần nữa Thế vận hội 2012 mới khép lại, mang theo lượng khách du lịch tiếp tục đổ về London. Nhưng điều chắc chắn, tình hình kinh doanh dịch vụ tại thành phố sẽ chẳng có hy vọng gì được cải thiện.

Olympic 2012 có thể mang về lợi nhuận lớn cho kinh tế Anh quốc, song đó là câu chuyện của quá khứ (khi chuẩn bị) hoặc tương lai lâu dài (như dự báo của Lloyds Banking). Còn thời điểm này, khoản lợi nhuận kỳ vọng lên đến hàng tỷ bảng của người Anh ăn theo những ngày diễn ra Thế vận hội, đơn giản chỉ là một bi kịch vỡ mộng.

Anh sẽ không rơi vào bi kịch của Hy Lạp

Năm 2004, Hy Lạp cũng đổ ra hàng chục tỷ euro từ ngân sách để hoàn thành trách nhiệm đăng cai Thế vận hội Athens. Khoản thân hụt khổng lồ ấy được coi là một trong những nguyên nhân đẩy Hy Lạp hiện nay rơi vào tình trạng phá sản. Nước Anh hiện giờ, với tình trạng kinh doanh ảm đạm từ Olympic 2012, dự báo cũng sẽ phải đối mặt với khoản thâm hụt lớn. Chính phủ Anh đã đầu tư khoảng 14,7 tỷ bảng cho công tác tổ chức và phần cứng thu lại hiện chỉ đạt 1/3 con số này. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế hàng đầu đánh giá Anh sẽ không rơi vào tình cảnh bi đát như Hy Lạp, bởi quy mô cũng như nền tảng kinh tế của nước chủ nhà Olympic 2012 vững mạnh hơn rất nhiều.

Bảo Nguyên


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.