Người đàn bà 25 năm không ngủ

Người đàn bà 25 năm không ngủ

Thứ 6, 28/12/2012 00:00

Bà Trần Thị Cảnh, 47 tuổi, ở QL 1A, thị trấn Phú Long (Bình Thuận). Nhìn nước da trắng, hồng hào, khỏe mạnh như con gái của bà khiến nhiều người ngạc nhiên. Nhưng, sẽ không có gì đáng nói nếu như hơn nửa quãng đời bà đang sống không phải là những đêm thức trắng.

Người đàn bà 25 năm không ngủ

Thương hiệu lẩu bò Ba Ru nổi tiếng mấy mươi năm ở cái thị trấn nhỏ nhưng sôi động của vùng đất gió Lào cát trắng. Thế nhưng, không phải ai cũng tìm được bởi quán nằm gọn trong phần sân vườn nhà, khuất xa âm thanh ồn ào, náo nhiệt của phố thị. Chỉ một lối rất nhỏ dẫn vào nhà rồi bình lặng như một làng quê không có tiếng còi xe. Nó giống như đời người đàn bà bán lẩu 25 năm không ngủ vẫn sống âm thầm, lặng lẽ như thường.

Pháp luật - Người đàn bà 25 năm không ngủ

Chị Trần Thị Cảnh

Theo như lời bà Cảnh kể lại thì vào năm 25 tuổi, khi vừa sinh đứa con đầu lòng xong thì tự dưng bà mất ngủ. Lúc đầu thì chập chờn, giấc lành giấc mộng, càng về sau thì bặt luôn không còn chợp mắt được nữa. Gia đình bà lo lắng, chạy chữa khắp các bệnh viện có tiếng rồi lại các thầy lang bốc thuốc nhưng tất cả đều vô hiệu hóa. Đến nỗi, bà Cảnh đã sử dụng đến thuốc an thần, thuốc ngủ cũng đều bất lực trước hai con mắt của bà.

Gia đình sống bằng nghề nông và bán lẩu bò những khi mùa vụ rảnh rang nên công việc hàng ngày của bà Cảnh nhiều không kể xiết. Bà làm quần quật suốt ngày, người mệt lử. Vậy mà khi đêm về, người ta có thể ngả lưng xuống giường là ngon giấc ngay còn bà nằm hoài vẫn không tài nào ngủ được. “Nhiều khi nhìn thấy mọi người trong nhà ngủ ngon, tôi chỉ có một ước mơ duy nhất là được một giấc ngủ tròn mà không được”, bà Cảnh tâm sự.

Không ngủ được, bà Cảnh lục đục dậy làm việc, lau chùi, quét dọn mặc dù những việc ấy không cần thiết nữa. Rồi bà ra ngắm sao trời, lắng nghe côn trùng rỉ rả trong đêm. Tuy vậy, bà Cảnh không hề suy giảm sức khỏe, chỉ thấy nằng nặng hai con mắt, có đôi lần bị đau mắt đỏ vì đôi mắt phải mở ra nhiều thời gian quá.

Chuyện của bà Cảnh nói ra chẳng ai tin ngay cả những người từng sống cùng bà suốt thời gian dài là chồng và con cái. Mấy đứa con của bà thì bảo do mẹ suy nghĩ nhiều quá nên khó ngủ thôi hãy nghỉ ngơi một thời gian xem thế nào. Nghe theo con, bà Cảnh nghỉ liền một tháng trời không đụng chân tay vào việc gì cũng không suy nghĩ đến chuyện kinh tế gia đình vậy mà đêm về vẫn không sao ngủ được. Hai mắt thì nhắm nhưng vẫn tỉnh táo như thường.

Một hôm có một nhà báo của tỉnh vô tình biết được thông tin này khi tới quán của bà ăn lẩu. Anh ta viết ngay một bài báo về người đàn bà hơn hai mươi năm không ngủ. Sau khi có bài báo, hàng xóm biết được đã cho bà là nói dối, người chứ có phải thánh đâu mà không ngủ được. Họ sống gần bà bao nhiêu năm có bao giờ thấy bà có chuyện gì lạ đâu. Bà vẫn đi chợ, vẫn làm việc và con người thì lúc nào cũng hồng hào, khỏe mạnh.

Nghe thấy thế, bà Cảnh buồn lắm, bà nói: “Chuyện của tôi chỉ mình tôi biết thôi, cũng không muốn nói ra làm gì cho thiên hạ đồn thổi. Không ngủ được nhưng tôi sống bình thường bao nhiêu năm qua rồi. Người ta không tin cũng phải thôi vì tôi không hề có biểu hiện gì khác thường. Tôi thấy buồn vì họ cho tôi là nói dối. Để kiểm chứng lại sự thật, một lần mấy đứa con và cháu của bà Cảnh đã âm thầm để máy ghi hình trong nhà nhằm theo dõi nhất cử nhất động của mẹ mình. Bà Cảnh không hề biết, vẫn lao động và những đêm không ngủ bình thường. Một tuần xem lại băng nghi hình, con bà sửng sốt vì trong mỗi đêm, mẹ mình chỉ nằm một lát trên giường cho đỡ mỏi người sau đó thì dậy đi đi lại lại khắp nhà. Xem ti vi, có khi bà ra bếp dọn dẹp và làm những việc không tên của một người nội trợ.

Tìm căn nguyên không thể ngủ...

Ngay khi vừa phát hiện chuyện lạ của cơ thể, bà Cảnh đã đến bệnh viện Chợ Rẫy khám. Lần ấy bác sĩ chỉ nói bà bị xoang mũi loại xoàng không ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Vì sợ ảnh hưởng về lâu về dài, bà Cảnh đi mổ bỏ xoang cho an tâm. Tiếp tục những ngày tháng không ngủ, gia đình đã đưa bà đi khắp các bệnh viện, thầy lang để tìm hiểu phương thức chữa trị nhưng không nơi nào có kết quả khả quan. Đi đến đâu họ đều không chẩn đoán ra được nguồn căn con bệnh của bà.

Chán nản trở về, bà Cảnh khuyên chồng con thôi thì cứ mặc kệ vì việc diễn ra lâu quá rồi, nó không làm xáo trộn cuộc sống gia đình là được. Rồi cứ thề, ròng rã 25 năm, người phụ nữ này không hề ngủ dù chỉ tính bằng giây, bằng phút. Nhiều lúc nhìn thấy con mình ngủ, bà Cảnh chạnh lòng, bà bảo giá như bây giờ được mua một giấc ngủ bằng vàng bà cũng chịu. Ngày ngày, bà bán lẩu ngay trong khoảng sân vườn nhà không hề có dáng dấp một hình thức kinh doanh. Bà bán lẩu như để tìm kiếm một sự hối hả, tấp nập trong cuộc sống để quên đi khoảng lặng nhàn rỗi cho một người không có giấc mơ.

Chính vì chuyện này mà quán lẩu gia đình của bà ngày càng có nhiều người biết đến. Họ đến ăn lẩu là để gặp bà, để hỏi chuyện và kiểm chứng thực hư chuyện không ngủ của bà. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, thì trường hợp không ngủ của bà Cảnh không phải là độc nhất vì trước đó ở Quảng Nam có một người đàn ông 40 năm không ngủ. Đó là ông Thái Ngọc, người Việt Nam duy nhất trong số 10 dị nhân có khả năng đặc biệt trên thế giới được tạp chí nước ngoài bình chọn. Và cả hai trường hợp không ngủ suốt thời gian là vài chục năm đều tự nhiên bộc phát. Người không ngủ được không hề có triệu chứng của bệnh tật, rất kỳ lạ, khó hiểu.

Theo bác sĩ Nguyễn Bát Tuấn - phó giám đốc Bảo hiểm Xã hội Bình Thuận cho biết: "Chúng tôi rất bất ngờ về chuyện của bà Cảnh không ngủ nhưng vẫn mập mạp, da dẻ hồng hào. Được biết, khi mới bị bệnh, bà Cảnh cũng từng vào Bệnh viện Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh chiếu chụp đầu nhưng không phát hiện ra bệnh gì. Đến khi vào Bệnh viện Biên Hòa thăm khám cũng không tìm ra nguyên nhân. Sau đó chừng một năm, bà mất ngủ hoàn toàn. Có bệnh, người ta thường vái mười phương, tứ hướng, vì vậy nghe thầy bà nào chữa được là bà cũng đi nhưng rốt cuộc vẫn chưa phát hiện được bệnh tình của mình.

Bà cũng rất mong các nhà khoa học Việt Nam và trên thế giới tìm về nghiên cứu xem tại sao đã 25 năm mà bà lại không thể ngủ được một giấc. Mong rằng, các nhà chuyên môn, nhà khoa học sớm tìm ra căn bệnh của bà, để bà yên tâm sống nốt phần đời còn lại.

Bác sĩ Lê Văn Anh, phó khoa Ngoại thần kinh - Lồng ngực, Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận, cho biết: "Trong y văn từng ghi nhận một số trường hợp trên thế giới bị chứng mất ngủ hoàn toàn như chị Trần Thị Cảnh. Y học đã có những bước tiến dài nhưng cho đến nay, việc điều trị chứng mất ngủ hoàn toàn vẫn còn nhiều hạn chế".

Hoa Nguyên


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.