Mỗi ngày tiếp nhận 2.000 bệnh nhi
Mấy ngày qua, tại khoa Nhi (bệnh viện Bạch Mai), khoa Nhi (bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội)... cảnh tượng các bà mẹ ôm trẻ nhỏ trong những chiếc khăn chăn dày cộp đứng chờ đến lượt khám bệnh đã trở nên phổ biến. Buổi sáng ngày 7/1, PV báo ĐS&PL đã có mặt tại bệnh viện Nhi TW (đường Đê La Thành, Đống Đa, Hà Nội). Khi chúng tôi đến nơi đã thấy hàng nghìn bà mẹ xếp hàng nhận phiếu khám bệnh với vẻ mặt lo lắng. Từ thời điểm miền Bắc chìm trong đợt rét đậm, rét hại, tất cả các phòng khám bệnh của bệnh viện Nhi TW luôn nằm trong tình trạng quá tải. Theo quan sát của PV, càng về trưa, số lượng người đến khám bệnh càng đông.
Thạc sĩ, bác sĩ Trương Thúy Vinh, phó trưởng khoa Khám bệnh (bệnh viện Nhi TW) cho biết: "Do thời tiết rét đậm kéo dài nên lượng bệnh nhân đến nhập viện tăng đột biến. Đa phần các cháu đến khám tại đây đều mắc các chứng bệnh liên quan đến đường hô hấp như ho, viêm phổi...".
Bệnh nhi tăng đột biến trong những ngày rét.
Bế đứa con trai chưa đầy hai tuổi trên tay, trong lúc chờ đến lượt khám bệnh, chị Minh (huyện Yên Dũng, Bắc Giang) chia sẻ: "Mấy ngày qua, thời tiết xuống dưới 10 độ C nên con trai tôi bị ho nhiều. Sau khi chữa trị ở trạm xá xã không khỏi, vợ chồng tôi phải vượt gần trăm cây số đưa cháu đến viện Nhi để khám. Mặc dù lên đến nơi mới 7h sáng nhưng đã có hàng trăm người xếp hàng từ trước đó. Chen lấn chật vật lắm mới kiếm được tấm phiếu khám bệnh theo số thứ tự nhưng chờ cả tiếng đồng hồ vẫn chưa đến lượt. Với tình trạng này có lẽ vợ chồng tôi phải thuê nhà trọ đợi đến sáng mai mới về được. Bởi khám xong thì cũng tối rồi. Với thời tiết này, nếu về tận Bắc Giang, người lớn cũng không chịu nổi nói gì đến trẻ con".
Cũng theo bác sĩ Trương Thúy Vinh, trong đợt rét đậm rét hại này, số lượng bệnh nhân tăng đột biến. Mỗi ngày, khoa Khám bệnh (bệnh viện Nhi TW) tiếp nhận gần 2.000 bệnh nhân đến khám và điều trị. Trong đó, có hơn một nửa các cháu nhập viện do có liên quan đến đường hô hấp, khoảng 20% bệnh nhân có bệnh liên quan đến đường tiêu hóa. Lý giải điều này, bác sĩ Vinh khẳng định: "Trời rét đậm, rét hại, nếu cơ thể các cháu không được giữ ấm đúng cách sẽ rất dễ dẫn đến viêm đường hô hấp. Thậm chí, có những trường hợp trẻ em ở trong nhà, không ra ngoài nhưng vẫn có thể bị bệnh. Bởi các loại vi rút có hại cho cơ thể bé vẫn tồn tại trong không khí. Trong điều kiện trời lạnh, sức đề kháng của bé không được tốt, các loại vi rút này dễ dàng xâm nhập vào cơ thể thông qua đường hô hấp".
Tại bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội, trong cái lạnh dưới 10 độ C, hàng trăm bà mẹ vừa chờ đến lượt vừa sưởi ấm cho con. Thậm chí, do thiếu ghế, nhiều bà mẹ phải đứng hàng tiếng đồng hồ hoặc trải đệm xuống sàn bệnh viện. Nói chuyện với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Uyên (Ba Vì, Hà Nội) lo lắng: "Tưởng con bị sổ mũi nhẹ tôi ra nhà thuốc mua thuốc về tự chữa cho cháu. Ai ngờ, chỉ vài hôm sau đi khám, các bác sĩ cho biết con tôi đã bị viêm phế quản. Mặc dù dùng đủ mọi cách giữ ấm cho cháu nhưng chúng tôi đành bất lực. Nghe nói mấy ngày tới, miền Bắc tiếp tục đón nhận những đợt không khí lạnh tăng cường, chúng tôi cũng không biết phải làm sao để phòng bệnh cho con nữa".
Theo bác sĩ Vũ Thúy Lan, trưởng khoa Hô hấp Nhi (bệnh viện Xanh Pôn), trong những ngày rét đậm, số bệnh nhi tăng lên khá nhiều. Những ca phải nhập viện điều trị cũng tăng đột biến. Đặc biệt là những cháu bị viêm phế quản. "Đây là tình trạng phổ biến vào mùa đông. Năm 2011, 2012, cũng vào thời điểm này, chúng tôi cũng khám chữa cho rất nhiều cháu mắc các bệnh liên quan đến hô hấp và đường tiêu hóa", bác sĩ Lan chia sẻ.
Tại khoa Khám bệnh của bệnh viện Lão khoa TW, mấy ngày qua, số lượng người già nhập viện cũng tăng lên đột biến. Theo các bác sĩ của bệnh viện này, các ca nhập viện tăng gấp 2-3 lần so với ngày thường.
Bác sĩ Nguyễn Trung Anh (bệnh viện Lão khoa TW) cho biết, trời lạnh giá kéo dài, khiến người già dễ mắc các bệnh về huyết áp, tai biến mạch máu não, đau khớp xương. Do vậy, để đối phó với rét đậm rét hại kéo dài, bác sĩ Trung Anh khuyến cáo người già nên giữ ấm cho cơ thể, ăn uống điều độ, đúng bữa. Đặc biệt, các bệnh nhân không nên dậy quá sớm, không nên thay đổi tư thế đột ngột, tránh tiếp xúc trực tiếp với gió lùa. "Trời rét đậm kéo dài, người cao tuổi không nên ra khỏi nhà, tránh tình trạng bị gió lùa. Đặc biệt, các cụ nên hạn chế tắm, gội cùng lúc. Trước khi tắm nên khởi động cơ thể để tăng nhiệt độ, tránh sự tiếp xúc với nước đột ngột sẽ dễ gây tai biến", bác sĩ Nguyễn Trung Anh chia sẻ.
Đang lúc chờ bố vợ từ phòng khám đi ra, anh Nguyễn Anh Tuấn (Khâm Thiên, Hà Nội) than thở: "Cứ đến mùa đông, bố vợ tôi lại mắc các bệnh liên quan đến xương khớp. Mặc dù con cháu cũng tìm đủ mọi biện pháp như dùng chăn điện, túi sưởi giữ ấm nhưng có lẽ do nhiệt độ quá thấp nên bệnh khớp của cụ tái phát". Cũng theo anh Tuấn, với thời tiết lạnh như hiện nay, những người già chủ yếu đến bệnh viện Lão khoa TW để khám các bệnh liên quan đến hô hấp, xương khớp là nhiều. Mặc dù đến từ 8h sáng nhưng mãi đến 14h chiều, bố vợ anh mới đến lượt.
Miền Bắc sẽ còn rét đậm trong những ngày tới.
Người dân đang rước "thần chết" vào nhà
Để chống lại thời tiết rét đậm rét hại, hiện nay, nhiều gia đình đang đổ xô đi mua các đồ điện sưởi ấm. Tại Hà Nội, thời điểm này, các mặt hàng như túi, quạt sưởi, chăn điện luôn "cháy hàng". Tuy nhiên, bên cạnh những loại đồ sưởi ấm chính hãng, trên thị trường còn bày bán tràn lan các mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. PGS.TS Nguyễn Đức Lợi (viện Khoa học Công nghệ Nhiệt Lạnh, ĐH Bách Khoa Hà Nội) cho biết: "Đây là vấn đề mà người dân phải đặc biệt lưu ý. Tôi được biết, hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại túi sưởi và đồ sưởi ấm không rõ nguồn gốc hoặc nguồn gốc không rõ ràng. Và cũng có nhiều người dân ham rẻ, mua các sản phẩm ấy về sử dụng. Đây là việc làm hết sức nguy hiểm chẳng khác nào họ đang rước "thần chết" về nhà".
Cũng theo PGS.TS Lợi, túi sưởi tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất lớn. Khi nổ, các dung dịch bên trong túi sưởi như nước muối và hóa chất sẽ bắn ra gây bỏng cho những người ở gần đó. Hơn nữa, khi nổ, chiếc túi được bơm căng hóa chất sẽ tạo áp lực khiến cho sự ảnh hưởng của nó còn lớn hơn. Bên cạnh đó, các loại chăn, đệm, gối điện cũng tồn tại nhiều nguy hiểm. Bởi việc trẻ con không hiểu biết, dùng các vật nhọn để chọc vào chăn, gối điện. Khi đó, người sử dụng rất dễ bị điện giật.
Sẽ có không khí lạnh tăng cường Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn TW, hiện nay, ở phía Bắc có một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía Nam. Khoảng vài ngày tới, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến phía đông Bắc bộ, sau đó ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Trung Bộ, phía tây Bắc bộ và một số nơi ở Trung Trung bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh, Bắc bộ có mưa nhỏ, Bắc và Trung Trung bộ từ chiều ngày 09/01 có mưa, có nơi mưa vừa, gió đông bắc trong đất liền mạnh cấp 3, vùng ven biển cấp 4. Ở các tỉnh miền Bắc trời tiếp tục rét đậm, rét hại. Vùng núi cao cần đề phòng có băng giá. |
Quốc Triều - Văn Chương