Trái ngược với vẻ ngoài phát triển, sầm uất ở mặt tiền phố cổ Hà Nội, đằng sau đó là cả trăm cái khó, cái khổ bởi sự chật hẹp, tối tăm và u ám. Đi dọc các con phố Hàng Đào, Hàng Bè, Hàng Điếu, Hàng Buồm… chúng ta dễ dàng thấy cả trăm cái hầm lộ thiên tối om sâu hun hút chỉ đủ cho 1 người đi dẫn tới các hộ gia đình nằm san sát, chen chúc nhau.
Ở phố cổ Hà Nội còn nhiều hầm lộ thiên, sâu hun hút, tối đen như mực và thiếu ánh sáng.
Trên tường chằng chịt dây điện, ống nước. Những ngôi nhà này, bất kể mùa đông hay mùa hè đều phải bật điện cả ngày. Ở cuối dãy có ánh sáng thì người dân tận dụng mọi nơi dăng dây để phơi quần áo trông nhếch nhác.
Căn nhà rộng vỏn vẹn 6m2 của gia đình bà Bạch Thị Bình (SN 1945) ở ngõ 44, Hàng Buồm là chỗ ở của 3 thế hệ với 9 nhân khẩu. Hai vợ chồng bà sống cùng gia đình 2 người con trai và 3 đứa cháu nội khiến mỗi tối không có chỗ chen chân.
“Ban ngày vợ chồng chúng nó đi làm còn đỡ, chứ tối đến cả nhà tập trung đông đủ không có chỗ ngồi. Đến giờ ăn cơm thì chia nhau ra, người ăn trước, người ăn sau không thì chẳng đủ chỗ”, bà Bình buồn bã nói.
Căn nhà 6m2 của Bạch Thị Bình ở ngõ 44, Hàng Buồm là chỗ ở của 3 thế hệ với 9 nhân khẩu.
Nhà chật chội nên mọi vật dụng được bày biện chồng chéo lên nhau. Theo bà Bình, những ngày nắng nóng, oi bức ở trong nhà không khác nào “lò bát quái” nên cả nhà thay nhau đi tá túc khắp các nơi.
Bà Bình cho hay: “Tối về, tất cả chải chiếu xuống đất nằm thành dãy dài. Mỗi người chỉ nằm vỏn vẹn trong một ô gạch. Muốn cựa cũng khổ. Ở bao năm, khổ sở nhưng cũng chẳng còn cách nào bởi điều kiện gia đình không có để mà đi chỗ khác”.
Đồ đạc bày lỉnh kỉnh khắp đường đi, lối lại.
Ở cùng dãy với gia đình bà có hàng chục gia đình khác, đồ đạc bày biện khắp các nơi. Tất cả các ngõ, ngách đường đi lối lại được người dân tận dụng triệt để. Lan can đi lại bày tới cả chục bếp than tổ ong.
Một người dân than thở cho biết: “Không ở phố cổ không biết, đây phải gọi là phố khổ mới đúng. Nhiều người vẫn thường nghĩ ở phố cổ sướng, sầm uất nhưng chỉ một phần thôi, ở đây chúng tôi không được cơi nới gì cả, đất o hẹp. Đến giờ nấu cơm thì rổ rá, xô chậu bày tràn lan, mùi đồ thịt, cá tanh nồng. Bếp than tổ ong khói bốc nghi ngút, sặc sụa không thở nổi”.
Căn nhà nhỏ của anh Hoàng Văn Xuân ngồi xuống với tay cũng đến trần nhà.
Căn nhà nhỏ của anh Hoàng Văn Xuân (50 tuổi) ở trong ngõ nằm lọt thỏm trên gác xép. Để lên được nhà phải trèo qua những thanh sắt đủ một người chui lên. Bên trong nhà chỉ rộng 3 mét, dài hơn 2 mét là nơi trú ngụ của anh và cậu con trai 16 tuổi. Gọi là nhà nhưng thực chất là buồng cao chỉ 1,2 mét khiến mọi hoạt động đều phải ngồi làm chứ không đứng lên được.
Trải qua bao năm tường nhà nứt toác nhiều chỗ, cả ngày luôn phải bật điện.
Anh cho biết, gia đình có tới 5 người con trai và 2 gái nhưng mọi người đều ra ngoài sống cho thoải mái. Bản thân anh sống lay lắt bằng nghề chạy xe ôm nên không có điều kiện chuyển ra ngoài ở riêng. Ngay cạnh nhà anh là nhà của người em trai cũng chẳng rộng hơn là mấy.
“Đây chỉ là chỗ ngủ cho bố con tôi thôi. Chứ trèo lên, chèo xuống cũng mệt bở hơi tai. Không có chỗ ngồi, chỗ nấu cũng khốn khổ nên nhiều khi bố con phải ra quán ăn cơm bụi. Hôm nào nóng bức quá vợ chồng em trai tôi nó lại về bên ngoại ngủ. Ở đây, chỗ ở cũng chẳng có nên đành chấp nhận. Xe cộ đi lại thì đều phải đưa ra quán gửi xe”, anh Xuân nói.
Bám ẩm mốc, dột thấm mỗi khi mưa xuống.
Anh Xuân cũng cho biết: “Nhà này bao năm qua là nơi trú ngụ của bố con tôi, nứt toác hết rồi nhưng chưa có điều kiện sửa sang, trát lại tường. Nhiều khi vữa trên trần rơi xuống cả mảng bụi mù, khổ sở. Ngày mưa thì thấm dột đến khổ”.
Để lên, xuống nhà bố con anh phải trèo qua thanh sắt, dây điện ngổn ngang.
Trên góc tường được anh Xuân dựng tạm hai tấm ván để đựng sách vở của cậu con trai. Anh cho biết, nhà chật hẹp nên chẳng dám mời ai vào nhà chơi.
Sống chật hep, mọi lối đi lại người dân bày la liệt bếp than, rổ, xô, chậu…
“Tết đến bạn bè, hàng xóm cũng chẳng ai đến vì không có chỗ mà ngồi. Nhà sống khổ sở, con trai tôi cũng xấu hổ không dám mời bạn bè về nhà chơi. Dân phố cổ ở đây khổ nhất là tổ chức cưới xin. Nhà nào có điều kiện còn thuê khách sạn, nhà hàng tổ chức, chứ nhà nào kinh tế khó khăn có khi tổ chức vài mâm sơ sơ thôi. Đến cả vợ tôi thấy sống chật chội khổ quá nên cũng bỏ đi tìm hạnh phúc mới”, anh buồn nói.
Văn Định