Tuy nhiên, theo đại diện các bộ, ngành, trên thực tế, việc thực hiện quyền yêu cầu và giải quyết bồi thường vẫn gặp không ít khó khăn, lúng túng. Việc giải quyết yêu cầu bồi thường cho người dân còn “khiêm tốn”, còn tình trạng “đùn đẩy” trách nhiệm bồi thường giữa các cơ quan. Đáng quan tâm, nhiều trường hợp người bị thiệt hại chưa thực hiện quyền yêu cầu do chưa biết đến quyền yêu cầu bồi thường nhà nước hoặc biết nhưng chưa thể thực hiện yêu cầu bồi thường do phải “dài cổ” chờ hoàn thành các thủ tục theo quy định.
“Chờ được vạ, má đã sưng”
Theo cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thanh Tịnh, quy định của pháp luật về căn cứ thực hiện quyền yêu cầu bồi thường chưa tạo thuận lợi cho người bị thiệt hại thực hiện quyền yêu cầu bồi thường của mình.
Điển hình như quy định tại Điều 4 Luật TNBTCNN “người bị thiệt hại chỉ có quyền yêu cầu bồi thường khi có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ”. Theo đó, mặc dù đã có thiệt hại thực tế xảy ra nhưng người thiệt hại không có quyền yêu cầu bồi thường ngay mà phải thực hiện các thủ tục cần thiết để có được văn bản nêu trên làm căn cứ thực hiện quyền yêu cầu bồi thường.
Hơn thế, Luật còn đặt thêm thủ tục đối với người bị thiệt hại trong việc thực hiện quyền yêu cầu bồi thường là phải có văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ. Trong khi, thực tế, để có được văn bản này, người bị thiệt hại phải mất rất nhiều thời gian mới có thể thu thập hồ sơ, chứng cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ, chưa kể việc thu thập chứng cứ lại không đúng theo quy định dẫn đến thời gian thực hiện giải quyết dài, người dân khi đến cơ quan nhà nước luôn ở thế bị động.
Một quy định khác cũng đang làm khó cho người bị thiệt hại trong quá trình thực hiện quyền yêu cầu bồi thường là quy định về thời hiệu yêu cầu bồi thường. Bà Phùng Thị Hoàn, chuyên viên Viện Khoa học xét xử, TAND tối cao nêu rõ, theo Luật, việc quy định thời hạn yêu cầu bồi thường là 2 năm kể từ ngày có văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ đã gây bất lợi cho người bị thiệt hại. Bởi, trong nhiều trường hợp do người thiệt hại không nắm bắt được quy định đặc thù về thời hiệu yêu cầu bồi thường nhà nước nên đã thực hiện quyền này trong thời hạn 2 năm kể từ ngày có thiệt hại xảy ra, nhưng họ lại chưa có văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ - Bà Hoàn cho biết.
Sau 3 năm thi hành Luật, việc thực hiện quyền yêu cầu và giải quyết bồi thường vẫn gặp không ít khó khăn, lúng túng (Ảnh: Phan Chính)
“Đùn đẩy” trong thực hiện yêu cầu bồi thường
Không chỉ các quy định đang làm khó cho người bị thiệt hại mà sự lúng túng từ phía các cơ quan có trách nhiệm bồi thường cũng là trở ngại không nhỏ để Luật TNBTTCNN phát huy được hiệu quả trong thực tiễn cuộc sống.
Theo Cục Bồi thường nhà nước, Bộ Tư pháp, tại một số ngành, địa phương, công chức được giao thực hiện công tác bồi thường nhà nước chưa nắm vững các quy định của pháp luật về điều kiện, căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường, thủ tục giải quyết bồi thường, xác định thiệt hại được bồi thường do đó còn lúng túng trong việc thực hiện giải quyết bồi thường, không phúc đáp kịp thời quyền yêu cầu bồi thường của người dân.
Trong nhiều trường hợp, mặc dù người bị thiệt hại đã có quyết định giải quyết khiếu nại hoặc bản án, quyết định của cơ quan tố tụng có thẩm quyền trong đó chấp nhận nội dung khiếu nại hoặc hủy các quyết định, hành vi trái pháp luật của cơ quan nhà nước, người thi hành công vụ nhưng cơ quan có trách nhiệm bồi thường không thụ lý và không giải quyết vì cho rằng các văn bản nếu trên không phải là văn bản xác định hành vi trái pháp luật.
Đáng chú ý, tình trạng “đùn đẩy” trách nhiệm trong giải quyết yêu cầu bồi thường đang là vấn đề nổi cộm hiện nay. Ông Nguyễn Duy Giảng - phó vụ trưởng Vụ 1, VKSND tối cao phân tích, Luật TNBTCNN chưa xác định rõ cơ quan có trách nhiệm bồi thường. Dẫn chứng là trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, tòa án ra lệnh bắt bị can, bị cáo để tạm giam đối với người đang được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, cho bảo lĩnh, nhưng sau đó có quyết định, bản án sơ thẩm xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội thì theo quy định trách nhiệm bồi thường thuộc về Viện kiểm sát.
Tuy nhiên, theo ông Giảng, điều này là chưa phù hợp, trong trường hợp này cần phải xem xét trách nhiệm của Tòa án cấp sơ thẩm khi ra lệnh bắt bị can, bị cáo để tạm giam (Khoản 3, Điều 31, Luật TNBTCNN).
Thực tế, hiện nay cũng còn nhiều ý kiến khác nhau về TNBT trong trường hợp sơ thẩm tuyên có tội, Tòa án cấp phúc thẩm hủy sơ thẩm để điều tra lại. Qua nhiều lần trả hồ sơ để điều tra bổ sung và cuối cùng, cơ quan điều tra đình chỉ điều tra thì trách nhiệm bồi thường thuộc về Viện kiểm sát hay Tòa án cũng chưa được làm rõ.
Theo số liệu tổng hợp báo cáo của các Bộ ngành và địa phương, từ khi Luật có hiệu lực đến ngày 30-9-2012 các cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã thụ lý 168 vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại (bao gồm 54 vụ việc trong lĩnh vực quản lý hành chính, 90 vụ việc trong hoạt động tố tụng và 24 vụ việc trong lĩnh vực thi hành án dân sự), đã giải quyết được 122/168 vụ việc. Tổng số tiền mà các cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã chi trả là hơn 16 tỷ đồng, trong lĩnh vực tố tụng là gần 8 tỷ đồng và trong lĩnh vực thi hành án dân sự là gần 2 tỷ đồng. |
Phan Chính