Tôi sinh ra ở vùng quê cách Hà Nội 20km. Gia đình tôi là thuần nông, chỉ có bà nội là người Hà Nội chính gốc. Tôi không được biết bà, bởi bà mất từ rất sớm, từ khi cha tôi mười tuổi. Cha tôi kể rằng: Bà là người Hà Nội, nên bà dạy cha và các cô, các bác tất cả những nét văn hóa, ứng xử của người Tràng An thưở xưa như: Tư thế ngồi ăn, cách cầm bát đũa đến cách ăn, nói, ứng xử… Các anh chị em tôi đều được cha mẹ dạy lại như vậy từ bé.
> ‘Hải Phòng ăn chơi có chất, không đua đòi như Hà Nội’
Khi lên 9 tuổi, tôi theo cha mẹ ra Hải Phòng sinh sống. Hồi đó tôi còn nhỏ lắm. Tới thành phố, trường mới, nơi ở mới, bạn bè mới, Bản tính tôi vốn rụt rè, nên tôi đã gặp khá nhiều khó khan để hòa nhập. Nhưng bạn bè trong lớp tôi, từ nhỏ tới tận khi tôi thi đại học, ai ai cũng cởi mở. Tôi rất tự hào vì điều đó.
Bạn tôi, người Hải Phòng, ăn to nói lớn, lại hay nói ngọng, nói tục, và chửi bậy, nhưng họ rất tốt. Họ không bao giờ coi tôi là người “nhà quê” bao giờ. Biết tôi ngoan, nên họ thường tránh nói bậy trước mặt tôi. Tôi rất cám ơn họ vì điều đó. Bởi vậy nên tới bây giờ, 20 tuổi mà tôi vẫn không hề biết chửi bậy, cũng không biết nói tục.
Lên đại học, gia đình tôi chuyển về Hà Nội, mua nhà, ổn định tại đây. Ở Thủ đô, tôi ngạc nhiên lắm, vì Người Hà Nội không giống như tôi đã tưởng tượng. Họ không giống như tôi được dạy để ứng xử như thế. Họ ăn nói vỗ vã, đi đường thiếu ý thức. Có một lần tôi đi ăn phở sáng tại 1 nhà hàng. Tôi để ý thấy người ta nhìn tôi lạ lắm, vì cách tôi ăn cũng như tất cả những thứ nhỏ nhặt khác đều không giống họ. Phải chăng những nét đẹp văn hóa xưa kia đã bị "quên", không được truyền lại hay tôi chỉ mới gặp một bộ phận nhỏ, không thể đánh đồng được.
Khi tôi còn ở Hải Phòng, gia đình tôi sống trong một khu chợ nhỏ, cũng nằm gần trung tâm thành phố. Ở đây tập hợp đủ tất cả các tầng lớp xã hội. Bạn có thể bắt gặp một người phụ nữ làm nghề “vợ thiên hạ”, buổi tối đi kiếm tiền, ban ngày ở nhà lo dọn việc nhà, nuôi dạy con. Dù làm nghề không được tôn trọng nhưng cô vẫn là một bà mẹ đảm
đang, yêu thương con hết mực.
Bạn có thể gặp một gia đình nghèo, ông chồng khi say thì lôi vợ ra đánh đập, chửi mắng thậm tệ, nhưng khi vợ ốm sẵn sàng cõng vợ lên 7 tầng bệnh viện để gặp được bác sĩ. Hay một bà lão hàng ngày quẩy một gánh cháo đi khắp chợ để bán, lấy tiền nuôi cháu, khi con ở trong trại cai nghiện.
Bạn sẽ thấy những ông chồng cả năm rong ruổi trên những chuyến tàu ngoài khơi xa, kiếm tiền nuôi vợ con. Tất cả những con người ấy, khi nói chuyện, họ đều chửi thề, chửi bậy, nhưng sâu thẳm bên trong, họ là những con người chân chất, hiền hậu.
Cuộc sống là thế, người ta ai cũng cần phải mưu sinh. Con người ta ai cũng có những góc tối trong tâm hồn. Tôi được nuôi dạy là một người Hà Nội, nhưng tôi yêu mảnh đất đầy nắng và gió ở Hải Phòng. Lớn lên ở đó, tôi cũng bị nhiễm cái tính thẳng thắn, hễ có việc gì không ưng ý tôi sẽ phản bác lại ngay. Nhưng tôi tin, những gì tôi học được ở đó sẽ giúp tôi vững bước trên cuộc đời này.
> Đọc thêm: 'Hải Phòng - Hà Nội: Sống ở đâu thích hơn?'
> > Độc giả lên tiếng bài so sánh Hà Nội - Hải Phòng
Độc giả Hải Phòng: "Biết thì thưa thì thốt'
> Sex Đồ Sơn: 'Thương hiệu' ngầm của du lịch Hải Phòng?
Độc giả Kiều Vân