Ba đời giữ nghề làm hương trầm
Cách Hồ Gươm khoảng 600m là phố Đồng Xuân nhộp nhịp kẻ bán, người mua. Số nhà 26 phố Đồng Xuân từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm hương một thế kỷ nay. Người ta đến đây mua vì chất lượng của hương trầm, nhưng cũng vì lý do số nhà 26 này còn là “chứng nhân” lịch sử.
Cửa hàng hương số 26 Đồng Xuân
Tiếp chúng tôi là ông Mai Lộc, năm nay đã 81 tuổi. Với 60 năm trong nghề gia truyền làm hương trầm ông kể cho chúng tôi nghe về truyền thống hơn 100 năm của gia đình mình. Theo lời ông thì hiện nay cả Hà Nội chỉ có gia đình ông vẫn giữ được nghề truyền thống này, còn những gia đình khác đã chuyển đổi sang kinh doanh nghề hiện đại hơn. Để giữ được “cái nghề xưa cũ” này cũng là một câu chuyện dài.
Mẹ ông là cụ Nguyễn Thị Đọi, người làng Dốc Lã, Kim Động, Hưng Yên, nơi được xem là cái nôi sản sinh ra nghề làm hương. Năm 1911, khi ấy cụ Đọi mới 9 tuổi, theo người cậu ruột đem nghề làm hương ra Hà Nội. Ngày ấy, Hà Nội có 7 nhà chuyên sản xuất và bán hương cho toàn miền Bắc với những cái tên như: Vạn Lợi, Đông An Dương, Tân Mỹ Thành, Quảng Thái, Vạn Anh, Hoàng Phát… Cửa hiệu Tân Mỹ Thành là lâu đời hơn cả. Cơ sở sản xuất hương đầu tiên của gia đình ở Hà Nội là một ngõ phố chỉ gồm 15 ngôi nhà lá: ngõ Hàng Hương (nay nằm trên đường Phùng Hưng dẫn ra đường Lý Nam Đế). Sau này, khi cụ Đọi mất, mặc dù đã theo nghiệp dạy học được 30 năm, ông Mai Lộc vẫn quyết tâm tiếp tục nghề cha mẹ để lại. Và ngõ Hàng Hương cho đến nay vẫn thấy mùi hương trầm ngào ngạt.
Ông Lộc tự hào kể cho tôi nghe về ngôi nhà lịch sử của mình. Nơi đây đã từng là hiệu sách của Đảng cộng sản Việt Nam, nhưng thực chất là nơi họp quân sự bí mật của các lãnh đạo cao cấp. Thời kỳ đồng chí Trần Duy Hưng còn làm chủ tịch thành phố Hà Nội, ông đã cho gắn biển lên số nhà 26 phố Đồng Xuân thành di tích lịch sử quan trọng của Hà Nội. Và ngôi nhà này đã trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều đồng chí lãnh đạo cao tuổi. Thỉnh thoảng, ông Lộc lại được tiếp các vị khách đến thăm nơi hoạt động bí mật ngày xưa.
Ông Lộc tâm sự về sự cầu kỳ khi làm hương trầm
Nghệ thuật làm và “thưởng” hương trầm
Theo chia sẻ của ông Lộc, thì nghề làm hương không phải là dễ. Trước kia tôi từng nghe nói chỉ cần chút ít mùn cưa, vỏ quế và keo là có thể làm ra một nén hương. Nhưng ông Lộc chia sẻ rằng, trong mỗi nén nhang có tới vài chục vị thuốc Bắc. Đó là sự pha trộn giữa rất nhiều dược liệu như: đại hoàng, xuyên khung, đan bì, cam thảo, mộc hương, hắc hương… Và điều quan trọng hơn, sự pha chế này phải tuân theo một công thức nhất định, một tỷ lệ nhất định. Nếu muốn có được một nén hương thơm, ngào ngạt mà không gây hắc khi thắp, thì người làm nghề phải thật tinh tế và cẩn thận. “Nghề làm hương cũng giống như nghề thuốc vậy, và người làm hương bỗng chốc cũng trở thành một ông lang bốc thuốc tài tình”, ông Lộc vui vẻ nói.
Không những thế, người làm hương còn phải biết phơi hương ở góc nào để có thể đón được những ánh nắng “già” mà không quá “gắt” trong ngày. Đã se hỗn hợp thành nén, thành cây thì phải phơi ngay, và phải phơi nắng tự nhiên hoàn toàn, còn nếu dù sấy hay hong cũng đều sẽ làm “bay” đi mùi vị đặc biệt của hương. Với mỗi gói hương làm ra đều đựng cả cái “tâm” của người làm nghề.
Dù tuổi đã cao, nhưng ông Lộc vẫn trăn trở với nghề. Theo ông trước năm 1946, việc làm hương khá thuận lợi bởi nguồn nguyên liệu sẵn có. Cũng vào thời điểm đó, trầm hung - thứ nguyên liệu cần thiết và quan trọng cho quá trình sản xuất hương có rất nhiều chứ không phải là những nguyên liệu trầm pha chế như ngày nay. Từ sau năm 1946 trở lại đây, nguyên liệu thiếu nên đòi hỏi các gia đình làm hương phải tìm tòi, pha chế làm sao cho nén hương có chất lượng. Ông bảo: “Tuy gia đình chúng tôi kinh doanh nhưng tôi vẫn dạy con cháu giữ đúng chữ “tâm”. Nhờ thế mà sản phẩm của gia đình chúng tôi được nhiều người đón nhận và tin dùng. Có gia đình cách Hà Nội 70 cây số, nhưng Tết nào cũng nhờ con gái ở Hà Nội mua hương trầm về dùng. Có cụ già quê mãi tận Ba Vì nhưng mỗi năm hai bận vẫn đều đặn vượt hơn 40 cây số đến cửa hiệu mua hương.
Ông Lộc cho biết, người dùng tinh ý sẽ biết hương nào là hương trầm, hương nào có dùng chất hóa học. Dùng hương trầm sẽ làm cả không gian ấm cúng, có mùi đậm, còn hương dùng hồi, quế và chất hóa học sẽ có mùi hắc, khi dùng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Ông còn chia sẻ cách “thưởng” hương: thắp hương xong, để mặc cho mùi thơm của hương đến với mỗi người một cách tự nhiên, kỵ nhất là việc ngồi gần và cố hít hà cho được mùi hương.
Ở Hà Nội, cũng có một số nhà làm hương tại Phúc Xá, nhưng đây không phải là nghề truyền thống của họ. Có nhà làm hương chỉ cần tràm, keo là có thể sản xuất hương, nhưng khách hàng sành sỏi sẽ không dùng loại hương có chất lượng thấp như thế.
Ông Lộc cho biết thêm, trên thị trường xuất hiện một số loại hương dùng hóa chất có mùi nước hoa hay loại hương khi thắp lên, tàn cong lại, không rụng tàn, còn gọi là “hương cong tàn”. Khói những loại hương này khi tỏa ra không có lợi cho sức khỏe. Còn cơ sở của ông vẫn lấy chữ tín làm đầu. Hiện nay, con trai và con dâu của ông Lộc đang tiếp nối truyền thống của gia đình để làm ra những sản phẩm có chất lượng trên thị trường.
Nguyễn Tuân từng dùng hương nhà ông Nhà văn Nguyễn Tuân, một người được coi là sắc sảo, sành sỏi bậc thầy của mọi thú ăn chơi trên đời. Lúc sinh thời nhà ông ở tại phố Hàng Buồm nhưng vẫn thường sang phố Đồng Xuân mua hương nhà ông Lộc. Hay cô con gái của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vẫn thường xuyên dùng hương nhà ông mấy chục năm nay. |
Lạc Thành