Người phố đổ về quê thuê đất trồng rau, nuôi lợn

Người phố đổ về quê thuê đất trồng rau, nuôi lợn

Thứ 5, 27/12/2012 23:51

Thời gian gần đây, một số gia đình có điều kiện ở thành thị đã về quê thuê đất, thuê người trồng rau, nuôi lợn, nuôi gà tự cung cấp thực phẩm an toàn.

Liên tiếp thông tin về lợn siêu nạc, rau chứa dư lượng hóa chất, phân bón ảnh hưởng đến sức khỏe khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang. Nhiều người dân sống tại các thành thị rất sợ mua thực phẩm tại chỗ.

Xã hội - Người phố đổ về quê thuê đất trồng rau, nuôi lợnRau có xuất xứ từ các vùng quê đang được các cư dân đô thị chuộng dùng.

Ngược dòng... về quê

Chị Hà Oanh (Tập thể ĐHSP -Cầu Giấy - Hà Nội) sau nhiều năm sống ở nước ngoài, về Việt Nam thấy vấn đề an toàn thực phẩm được nói nhiều ba chữ "mất an toàn" nên cũng lo.

Chị đã sinh một cậu con trai ở Đức, về nước thì mang thai cháu thứ 2. Nhưng rồi thai không giữ được. Thăm khám bác sỹ chị nhận được lời khuyên do chưa thích ứng với môi trường, ăn uống trong nước. Nghe đến đó, chị Oanh cho rằng việc sảy thai là do rau quả, thực phẩm chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh làm cho người phụ nữ khó sinh và nuôi dưỡng thai nhi.

Sau lần ấy, chị về quê Bắc Giang, mảnh đất hương hỏa ở quê vẫn còn, chị Oanh cải tạo lại vườn ao. Chị thuê người trong họ đến nuôi lợn, thả cá, trồng rau. Tất cả những chi phí chị chi hết, miễn sao có thực phẩm sạch để gia đình sinh hoạt hàng ngày trên thành phố.

Chị Ngô Thu Hồng (cán bộ trường ĐH KHXHNV) mỗi lần về quê Hải Hậu, Nam Định lại ôm đồm đủ thứ rau lên Hà Nội.

Nhưng rồi, vẫn chưa yên tâm khi chị nghe nói người ở quê trồng rau bán cũng sử dụng thuốc kích thích nảy mầm cho ngọn su su, thuốc trải lá vươn ngọn cho rau muống... khiến chị sinh nản.

Cuối cùng, khi nhà có thêm con nhỏ, chị quyết định thuê một sào Bắc Bộ (360m2) đất để trồng rau. Cũng tại đấy, chị thuê người làm chuồng nuôi gà, nuôi lợn để tự cung cấp thực phẩm. Tính tiền thuê người chăm sóc vườn rau, nuôi gà, lợn thì thực phẩm sạch ở quê có giá đắt gấp 3-4 lần thực phẩm mua tại thành phố.

Biết như vậy, nhưng chị Hồng nói: "Giá đắt hơn thật, nhưng mình biết rõ nguồn thực phẩm của mình an toàn, bữa cơm gia đình không phải lo nghĩ sự độc hại nên cảm giác ngon miệng hơn".

Bà Lê Bạch Mai (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho rằng, sức khỏe của con người phụ thuộc rất nhiều vào chế độ dinh dưỡng, nhất là với nguồn thực phẩm sạch. Trước nguy cơ thực phẩm không an toàn, người dân thành phố có phản ứng tiêu cực để tự bảo vệ sức khỏe của gia đình, nhưng không phải ai cũng có điều kiện để tự cung tự cấp thực phẩm cho mình.

Hơn nữa, nhu cầu thực phẩm của con người là đa dạng, không thể sử dụng mãi một vài nhóm thực phẩm. Chính vì thế, tự cung, tự cấp thực phẩm cũng không phải là giải pháp tối ưu.

Không nên quá lo ngại

Nhìn nhận vấn đề này, ông Nguyễn Đăng Vang -nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của QH, ủy viên Hội chăm sóc sức khỏe Quốc gia cho rằng: "Tỷ lệ người có điều kiện để tự cung, tự cấp thực phẩm từ quê là không nhiều. Cơ bản, chúng ta vẫn cần tạo ra những vùng rau, thực phẩm an toàn tại các tỉnh giáp ranh và các huyện ngoại thành nhằm cung cấp đủ cho nhu cầu rất lớn của người dân thành thị ở các thành phố lớn. Hơn nữa, người dân không nên phản ứng tiêu cực trước một số người làm ăn gian dối. Thực tế, thực phẩm của chúng ta hiện nay đã an toàn nhiều so với những năm trước đây ".

Xu hướng đặt mua rau, thịt, cá... quê lên đời

Đối phó với tình trạng, rau, thịt, cá bán tại chợ nơi mà thương lái mua từ chợ đầu mối về cung cấp khó đảm bảo an toàn, nhiều người dân phố đã cố công đi chợ sớm, tìm mua thực phẩm của những người dân vùng giáp ranh đem bán.

Vậy là, những gánh rau bán rong, vài mớ cá đủ loại cắp trong cái chậu... với lời quảng cáo "của nhà trồng ra, kiếm được đem bán" là những người bán hàng quê này đắt hàng tơi tới. Chỉ khi, không còn bóng dáng những người bán "hàng quê" (mà chẳng biết quê thật hay giả) thì những người bán hàng tại các sạp cố định ngoài chợ mới có khách hỏi tới.

Không chỉ đi chợ sớm, nhiều người dân thành thị còn cất công đi vài chục cây số đến tận các chợ quê mua cho được mớ rau, con cá, vài cân thịt lợn. Mua ở đấy, họ tin tưởng rằng mình đã mua được nông sản do chính người nông dân làm ra, ăn không hết mang bán. Đó là kiểu "mua bán theo niềm tin"!

Ví như bà Nguyễn Mai Phương (Khương Trung - Đống Đa -Hà Nội) thứ bảy, hoặc chủ nhật cuối tuấn đều cất công đi chợ Tứ Hiệp (Thanh Trì) mua thức ăn. Bà mua đủ thứ, chất vào tủ lạnh ăn cho một tuần.

Nhiều gia đình, may mắn có quê là những huyện ngoại thành thì cứ một tuần lại về quê mang thực phẩm ra phố. Thậm chí, bà Kim Mai (Tây Hồ - Hà Nội) nhờ có quen biết người giúp việc quê Phú Thọ nên hàng tuần lại có người gửi rau quê, thịt lợn sạch xuống bến xe Mỹ Đình.

Cứ như thế, bà Mai không còn khái niệm đi mua rau tại chợ gần nhà. Rau mang về, nhặt sạch, hong trước quạt cho không còn dính nước, sau đó bà gói thành từng gói xếp cẩn thận trong tủ lạnh để thực phẩm tươi lâu, không bị hỏng.

Vậy là, nhà nhà ở thành phố, dù nhà to nhà nhỏ đều phải cố bố trí cho gia đình một cái tủ lạnh ngoại cỡ cốt sao chứa được thật nhiều thực phẩm quê từ rau, thịt, cá, trứng...

Minh Khánh


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.