Người phụ nữ 11 lần tự đỡ đẻ cho mình

Người phụ nữ 11 lần tự đỡ đẻ cho mình

Thứ 5, 27/12/2012 23:44

Năm nay mới 50 tuổi nhưng bà đã là mẹ của 11 người con, 26 cháu và 3 chắt. Đặc biệt nhất là ngoài việc 11 lần tự tay đỡ đẻ cho chính mình, tất cả con cháu trong nhà khi sinh đẻ đều do một tay bà đỡ.

Giữa chốn thâm sơn u tịch nằm trên dãy Hoàng Liên Sơn (thuộc xã Tả Phời, TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai), chúng tôi gặp bà Lý Tả Mẩy, vốn nổi tiếng là người đẻ nhiều nhất chốn cao sơn.

Pháp luật - Người phụ nữ 11 lần tự đỡ đẻ cho mình

Bà Mẩy và những người con của mình sống quây quần, hạnh phúc bên nhau.

Cưới xong mới biết mặt chồng

Từ cái thuở hồng hoang mở đất của người Dao đỏ trên đất Tả Phời, người dân nơi đây đã có lề lối dựng vợ, gả chồng từ rất sớm. Thậm chí, khi con cái lên chín, mười, sau một bữa rượu tàn của các bậc phụ huynh, bỗng chốc những cô bé, cậu bé có nơi có chốn. Đám cưới đến nhanh đến nỗi, chính cô dâu, chú rể cũng không được biết mặt nhau. Bà Lý Tả Mẩy cũng là người phải lấy chồng trong hoàn cảnh như vậy. Lúc bà vừa tròn chín tuổi.

Bà Mẩy nhớ lại những ngày "bị" cha mẹ gả chồng. Bỗng một ngày, cha mẹ bảo bà lên rừng đốn thật nhiều củi, giống như để dự trữ vào ngày lễ, tết. Sau đó vài hôm, cha mẹ bà mở tiệc linh đình, thịt tới 7 con lợn to, 2 con trâu để mời dân bản đến liên hoan. Lúc ấy mới lên chín tuổi nên bà Mẩy cũng thản nhiên ngồi ăn uống, không biết là cha mẹ đang làm đám cưới cho mình. Sau ba ngày tiệc lớn, cha mẹ cho bà mặc quần áo mới rồi dẫn sang một nhà khác.

Trước khi tạm biệt con gái, cha bà Mẩy dặn: "Từ nay mày phải ở lại nhà này. Mày phải yêu thương chồng mày, phải phục vụ cho gia đình nhà nó. Nếu không làm được sẽ mất mặt cả họ nhà mình, tao sẽ sang đánh chết mày". Lúc ấy, bà Mẩy mới biết đã bị bố mẹ gả bán. Sau buổi đưa dâu chóng vánh ấy, khi tiệc rượu đã tàn, hàng xóm ai về nhà nấy thì có người dẫn bà lên một căn gác nhỏ. Họ bắt bà phải vào ngủ với chồng. Lúc đó bà nhìn người đàn ông đang say rượu nằm sõng xoài trên giường mới biết đó là chồng mình.

Đến nay, mặc dù tuổi đã ngoài ngũ tuần nhưng bà Mẩy vẫn cảm thấy thẹn thùng khi chúng tôi hỏi đến chuyện tình yêu cách đây đã mấy chục năm về trước. Bà Mẩy nói rằng, cả một tuần sau đêm "động phòng", bà và chồng lên núi đi hái thảo quả, đốn củi... bà còn không dám nhìn vào mắt chồng vì ngại. Đêm về, ngủ với nhau, chồng bảo sinh con, bà ngoan ngoãn nghe lời. Cũng từ thời điểm đó, bà liên tục sinh hạ 11 người con khiến cho nhiều người dân chốn cao sơn Tả Phời xuýt xoa rằng: "Gia đình, dòng họ nhà nó thật có phúc".

11 lần tự tay đỡ đẻ cho mình

Điều đặc biệt "vua đẻ" ở đất Tả Phời là 11 đứa con đều do một tay bà đỡ đẻ. Khi sinh người con đầu tiên tên Lò Dào Phẩu chỉ một mình bà tự tay lo liệu. Lúc trở dạ, chồng, cha, mẹ và các anh em của bà đều đi nương cả. "Tôi còn nhớ như in cái giây phút đó. Hai tay tôi bám chặt vào cột nhà. Tôi cố gắng thở đều trong khi những cơn đau dồn dập xuất hiện. Biết là sẽ rất đau nên tôi lấy hết sức mạnh chạy ra phía bìa rừng hái một nắm lá thuốc để nhai. Tôi nằm đó sinh con rồi cũng tự tay cắt rốn, tắm rửa cho đứa trẻ. Tôi làm tất cả các công việc đó thay cho một người thầy thuốc", bà Mẩy kể lại.

Có lẽ trong cuộc sống của bà con ở lưng chừng dãy Hoàng Liên Sơn còn mang đậm dấu ấn dã hoang... 11 lần tự đỡ đẻ cho mình, tuy nhiên, cũng có lúc bà gặp phải sự không may mắn. Bà Mẩy cho biết: "Lúc sinh đứa thứ ba là Lò San Mẩy, tôi đã bị thổ huyết và khó sinh. Lúc đó, chồng và các anh em trong gia đình đều đi làm ở trên nương xa, tối mới về đến nhà. Trong khi đó nếu muốn gọi sự giúp đỡ của hàng xóm, tôi cũng phải vượt mấy quả núi mới đến nơi. Thậm chí, có khi lết được đến đó thì cả hai mẹ con tôi sẽ chết. Tôi được biết, trên ngọn núi Tả Phời ngàn năm sương trắng, nhiều phụ nữ đã chết khi gặp phải trường hợp giống mình mà không được cứu chữa kịp thời".

Tuy nhiên, trong lần này, bà Mẩy đã may mắn thoát chết do dự trữ thuốc dân gian từ trước. Nên khi bị thổ huyết, bà chỉ cần lôi trong túi ra nhai và nuốt lấy nước. Cuối cùng thì bà cũng cầm được máu.

Được biết, không chỉ tự đỡ đẻ cho chính mình, bà Mẩy còn đỡ đẻ cho 26 người cháu gái và cháu dâu an toàn. Từ những kinh nghiệm rút ra từ chính bản thân mình, bà Mẩy trở thành người thầy thuốc bất đắc dĩ giữa chốn hoang sơn. Hễ nhà ai có người trở dạ họ đều gọi bà đến đỡ đẻ. Bà Mẩy cho biết, ở nơi hoang vắng này xuống đến bệnh viện phải đi mất mấy chục cây số. Nhiều hôm có người đẻ vào nửa đêm, hoặc những hôm trời mưa đường vừa trơn, vừa lầy lội, người ta thường sinh ở nhà và gọi bà đến đỡ đẻ. Người dân trên ngọn núi Tả Phời nói rằng, vì bà đã làm ơn, làm phúc cho nhiều người nên gia đình bà mới hạnh phúc.

Pháp luật - Người phụ nữ 11 lần tự đỡ đẻ cho mình (Hình 2).

Chỉ cần vài phút chạy ra bìa rừng, bà Mẩy đã đem về một ôm lá thuốc.

Bí quyết của "vua đẻ"

Mặc dù sinh rất đông con nhưng đến nay, bà Mẩy không cảm thấy sức khỏe của mình giảm sút. Hiện nay, bà có thể gùi trên lưng gần trăm kg lương thực, leo núi băng băng. Bà Mẩy nói rằng, để có được sức khỏe tốt như vậy, mỗi tháng bà phải tắm nước lá hai lần. Đối với phụ nữ mới sinh, họ sẽ lấy một số loại lá thuốc có tác dụng như cầm máu, tăng cường sức khỏe, tăng cường sinh lực... Sau mỗi lần tắm thuốc như vậy, con người có cảm giác như được tiếp thêm sức mạnh. Thậm chí sau khi sinh vài giờ, người phụ nữ có thể đi làm được luôn. Điểm đặc biệt của loại nước tắm này là mỗi tháng chỉ được tắm 2 đến 3 lần. Nó thực sự tốt với phụ nữ sau khi sinh, người ốm...

Như để chứng minh cho sự phong phú của các loại thảo dược phục vụ đẻ nhiều ở chốn thâm sơn cùng cốc này, bà Mẩy dẫn chúng tôi ra bìa rừng rồi đưa tay cắt mấy ngọn cây xanh. Chỉ trong vài phút, bà Mẩy đã ôm được cả bó lá thuốc về nhà.

Bà Mẩy tiết lộ, một bài thuốc tắm theo truyền thống của người Dao đỏ phải có đủ 27 loại lá. Xung quanh nhà bà Mẩy đã có tới gần 20 loại lá thuốc dùng để tắm. Chỉ cần ra bìa rừng, bà tìm một lúc là đã gần đủ nguyên liệu thuốc để nấu nước tắm. 7 loại lá thuốc còn lại phải dành thời gian lên đỉnh Hoàng Liên Sơn để hái. Trước đây những loại lá này rất nhiều. Thế nhưng thời gian gần đây, có nhiều người từ khắp nơi sục sạo khắp dãy Hoàng Liên Sơn để đào bới. Những cây thuốc cổ hàng trăm năm tuổi bị những người này đem thuổng đào cả gốc. Việc này khiến nguồn thuốc cạn kiệt, dân bản phải đi đến những nơi xa hơn mà người khác chưa tới để tìm cây thuốc.

Ông Lẩu A Lầy, cán bộ dân số xã Tả Phời cho biết: "Việc sinh con nhiều là một hủ tục của người dân nơi đây. Chính quyền xã đã tích cực tuyên truyền để người dân hiểu được những hệ lụy của việc sinh nhiều con đến cuộc sống. Bà Mẩy cũng là người thuộc thế hệ cũ nên có tâm lý sinh nhiều con. Chúng tôi cũng đã làm công tác tư tưởng cho bà Mẩy và bà cũng đã hưởng ứng chủ trương không sinh con thứ ba của xã để tuyên truyền cho các thế hệ con cháu".

Thử thách sinh tồn

Có lẽ sống với bà con trên đỉnh Tả Phời, nhìn và nghe kể về những câu chuyện sinh nở của họ, chúng tôi mới hiểu được cái sự khắc nghiệt của cuộc sống nơi đây. Khi những đứa trẻ được sinh ra, dù mùa đông hay mùa hè, chúng sẽ được bố mẹ cho tắm nước lạnh. Sự thực là đã có những đứa trẻ tử vong do có sức đề kháng yếu. Người ở đây coi đó như là thử thách đầu đời của một con người. Sau cái ải đó, nếu đứa trẻ còn sống sẽ được tắm bằng nước thuốc. Điều đó là cái tục lệ của người dân nơi đây. Bởi theo quan niệm của họ, những đứa trẻ sống sót qua được thử thách này thì sẽ sống khỏe mạnh và chống chịu được điều kiện khắc nghiệt miền núi cao.

Quách Minh Trí


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.