Người phụ nữ mà chúng tôi muốn nhắc đến chính là chị Phan Thị H. (52 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội), dù trải qua hai lần đò nhưng vẫn lận đận.
Khi nhắc đến cuộc đời mình, chị H.bật khóc, bởi, những tưởng nỗi đau sẽ theo thời gian mà quên đi nhưng không hề, trong lòng chị vẫn còn đầy những vết thương.
Chị H. kể, năm 20 tuổi chị theo chồng về miền đất Tam Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội) để xây dựng kinh tế. Thế nhưng, chồng chị không chịu làm ăn, suốt ngày lao vào cờ bạc, rượu chè và đánh đập vợ.
Khi đứa con chào đời, những tưởng chồng sẽ thay đổi, nhưng không ngờ anh ta ngày càng đối xử tệ bạc với vợ. Có lần trong cơn say, anh ta lấy gạch đập vào đầu khiến chị phải đi viện khâu 7 mũi. Lần khác, khi đang ăn cơm, anh ta lấy nước canh hắt vào mặt chị.
“Không chỉ đánh đập vợ, anh ta còn cặp bồ khiến tôi đau đớn. Anh ta dẫn nhân tình về nhà với danh nghĩa “em họ”. Biết bao đêm tôi khóc vì cảnh “chung chồng”, nhiều người nói tôi ly hôn, nhưng vì các con, tôi âm thầm chịu đựng”, chị H. chia sẻ.
Những tưởng, nghị lực sống của chị sẽ bị hút cạn, nhưng nhìn các con, chị lại tự nhủ: Phải sống. Chị gạt bỏ mọi ưu phiền, lao vào làm việc để có tiền nuôi con. Chị dậy từ 5h sáng, chạy xe ra trước cổng bệnh viện K2 chở khách, đến hơn 6h chị về cho con đi học, sau đó lại tiếp tục vào viện tìm những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để giúp đỡ.
“Ở viện, nhiều người khổ lắm, đến quần áo cũng không có cái tử tế mà mặc, vì thế tôi lại đi xin, hoặc bỏ tiền túi của mình ra để giúp đỡ họ. Tôi chở khách cũng kiếm được đồng ra đồng vào, nhưng thấy ai không có tiền là tôi liền chở họ miễn phí”, chị H. kể.
Kể đến đây chị H. trầm ngâm: “Người ta đổ vỡ một lần trong hôn nhân là đã tổn thương lắm rồi, còn tôi đến tận hai lần. Nhưng giờ đây, tôi không gói gọn cuộc đời mình trong 2 từ “bất hạnh” nữa, với tôi, được sống một ngày sẽ làm việc thiện và chia sẻ niềm vui với những người xung quanh”.
Xem thêm:
Tôi từng nghẹt thở khi cố trở thành một người phụ nữ ‘chuẩn mực’
Tôi không phải ‘siêu nhân’ mà vừa kiếm tiền lại phải giỏi việc nhà
Mai Thu